Họp báo Chính phủ tháng 4: Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm

Nguyễn Hồ| 04/05/2018 15:57

Ngày 03 tháng 5 năm 2018, Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ Chính phủ tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Họp báo Chính phủ tháng 4: Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm
Quang cảnh buổi họp báo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 03/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 trong bối cảnh chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2018 và trước khi Hội nghị lần thứ 7 Trung ương khóa XII, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc.

Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng như: Đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018; thảo luận một số vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế như dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018; việc quản lý, sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và một số nội dung khác.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc công việc được giao, tổ chức nhiều diễn đàn đầu tư, xúc tiến thương mại, đối thoại lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực:

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,62%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tính chung cả 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%), trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và phục hồi rõ nét, do điều kiện thời tiết thuận lợi (đàn bò tăng 2,9%, gia cầm tăng 6,8%, sản lượng thủy sản tăng 4,5%, trong đó nuôi trồng tăng 5,9%, khai thác tăng 3,2%). Tính tới thời điểm cuối tháng 4/2018, đã có 50 huyện và 3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt đẹp, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài việc tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu, chúng ta đã có bước tiến quan trọng trong điều tiết nhập khẩu, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%. Hôm nay, Chính phủ cũng bàn đến việc tiếp tục gia hạn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và Thủ tướng kết luận đồng ý gia hạn thêm ba năm nữa, bắt đầu từ 1/7/2018.

Đặc biệt, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD, như vậy trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD. Thu ngân sách đạt hơn 33% dự toán.

Cùng với đó, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng được xử lý nghiêm, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức:

Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số CPI 4 tháng đầu năm tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng giá dầu thô tăng (giá dầu có lúc đạt đến 72 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014).

Giải ngân vốn đầu tư công thấp (4 tháng vốn giải ngân chỉ đạt 16,4% dự toán, cùng kỳ năm 2017 đạt 22,3% dự toán).

Môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh còn có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng toàn cầu như gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ. Có trên 26.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp giải thể gần 4.700, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm tra, xử lý như có địa phương lên Sở Xây dựng xin điều chỉnh quy hoạch phải đi tới 33 lần. Nhiều Bộ đã chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhưng cũng có nhiều Bộ chưa chủ động. Có tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, tức là cấp trung gian như huyện, sở, vụ, cục… chưa vào cuộc.

Vốn FDI đăng ký mới có xu hướng giảm trong bối cảnh Mỹ và các đối tác giảm mạnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư về nước. Mặc dù vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng 6,3%, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 67%, nhưng vốn đăng ký cấp mới giảm 27,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký tăng thêm giảm 48,6% so với cùng kỳ.

Một vấn đề được Thủ tướng hết sức quan tâm là tình trạng nợ đọng văn bản, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết luật, pháp lệnh chậm được ban hành, cần có giải pháp khắc phục.

Lĩnh vực văn hóa xã hội còn có hạn chế, một số biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, như các vụ việc liên quan tới các thầy thuốc, nhà giáo, học sinh…; hoạt động của một số người xưng là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” chưa được xử lý kịp thời; còn xảy ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng…

Chính phủ cho rằng nhiệm vụ thời gian tới của năm 2018 là hết sức nặng nề trong bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường; nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng mà ta có thế mạnh. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới, trong khu vực và tình hình thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ.

Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở kết quả thảo luận, thống nhất tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; văn hóa, xã hội, môi trường; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thông tin và truyền thông.

Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay (các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Quan tâm, đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, không để nợ đọng văn bản hướng dẫn, nêu rõ trách nhiệm cá nhân.

Về chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội sắp diễn ra, Chính phủ yêu cầu phải đổi mới, nâng cao trách nhiệm, chất lượng chuẩn bị, phục vụ; các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng các Báo cáo và Đề án được phân công để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, không nợ đọng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan về một số vấn đề cụ thể nổi lên trong thời gian qua. Như ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân.

Trong lĩnh vực giáo dục, phải chủ động phát hiện sớm, có biện pháp ngay từ đầu, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vừa qua liên quan tới phẩm chất, đạo đức, danh dự giáo viên; quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám…

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan địa phương và kết quả kiểm tra tháng 4 năm 2018 của Tổ công tác, với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:

Từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2018, có tổng số 26.705 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 15.876 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 13.458, quá hạn: 2.418); 10.829 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 10.440, quá hạn: 389 - chiếm 2,4%, giảm 2,3% so với tháng trước).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4/2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Tài chính và Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong tháng 4 và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ. Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị này và yêu cầu các bộ, ngành có kế hoạch cụ thể cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm các rào cản để tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để quyết liệt xây dựng Chính phủ hiện đại, hành động, kiến tạo, đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng đã trả lời việc vừa rồi TP. Hà Nội xin cơ chế đặc thù để giữ lại nguồn thu xây dựng 3 tuyến đường sắt trên cao: Hiện nay vấn đề quy hoach đô thị, sắp xếp trật tự đô thị, giảm tải ùn tắc giao thông, đặc biệt của TP.Hà Nội, TPHCM được Chính phủ cũng như chính quyền các cấp quan tâm, có nhiều giải pháp quyết liệt về: bố trí phân bổ vốn, huy động nguồn lực xã hội hoá…

Hôm nay, Chính phủ đã nghe TPHCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) là cơ quan thẩm định báo cáo về 2 tuyến đường sắt điều chỉnh mức đầu tư tại TPHCM. Còn TP.Hà Nội theo chương trình sẽ báo cáo Chính phủ về tuyến đường sắt số 2 từ Nam Thăng Long về phố Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, TP. Hà Nội chưa hoàn thiện các thủ tục và Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thẩm định dự án thì chưa nhận được đủ hồ sơ. Do đó, Chính phủ chưa có điều kiện xem xét việc này.

Đây là công việc quan trọng trong giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, vấn đề tập trung tại các thành phố. TP. Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ báo các cơ quan chức năng, các thông tin cơ chế huy động nguồn lực, để chính quyền các cấp thẩm định. Từ đó, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội. Ngay khi có đầy đủ các thông tin chính thức chúng tôi cũng sẽ báo cáo đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội phản ánh nhiều về hoạt động của Hội Thánh của Đức Chúa trời (còn gọi là Hội Thánh Đức Chúa trời mẹ). Các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến nhiều, đặc biệt là về phương thức truyền đạo và cách thức lôi kéo của người cầm đầu các nhóm.

Qua vừa rồi, các địa phương, các cơ quan thẩm quyền đã vào cuộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, có 4 văn bản hướng dẫn về việc này. Nói chung, về tín ngưỡng tôn giáo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, Trung ương và địa phương.

Thực chất trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã có những quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà của dân tộc Việt Nam. Những tổ chức hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Bộ Công an đã chỉ đạo, Công an các địa phương đã tiến hành, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, kể cả Hà Nội. Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp tích cực với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ thực chất hoạt động này, tránh việc lôi kéo làm ảnh hưởng tới đời sống bình thường của người dân, thực chất là quay lưng lại đời sống, gia đình của những người theo đạo này. Tinh thần chung là sẽ kiên quyết, nhưng chúng ta phải bảo đảm tinh thần tôn trọng tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải chỉ rõ hành vi vi phạm, tuyên truyền để người dân hiểu rõ thực chất của các hoạt động này.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Họp báo Chính phủ tháng 4: Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO