Đời sống văn hóa

Hồi sinh nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại

Đặng Thủy 06:55 22/04/2025

Nghệ thuật truyền thống là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa Việt Nam, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc qua bao thế hệ. Từ những câu hò, điệu lý, làn điệu chèo, tuồng, cải lương, đến tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hay nghệ thuật múa rối nước… tất cả đều mang trong mình hơi thở của lịch sử và tâm hồn Việt. Tuy nhiên, trong guồng quay của nền kinh tế thị trường và sự lên ngôi của các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại - đó là yêu cầu, nhiệm vụ cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Kho báu nghệ thuật truyền thống: Vì sao vẫn chưa tìm được lối ra?

Với sự phong phú và đa dạng (bao gồm nhiều loại hình như sân khấu, âm nhạc, múa và mỹ thuật...), được vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử, nghệ thuật truyền thống phản ánh bản sắc, cốt cách của nền văn hóa dân tộc. Đây là kho tàng văn hóa quý giá, đóng vai trò trong việc giáo dục tâm hồn con người và là nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội.

Sân khấu tuồng ngày một thưa vắng khán giả.

Nếu như trước đây, sân khấu tuồng, chèo, cải lương luôn chật kín khán giả thì ngày nay, những đêm diễn nghệ thuật truyền thống lại vắng vẻ đến ngậm ngùi. Ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, các nhà hát cũng phải “đỏ mắt” tìm người xem. Không chỉ sân khấu, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Tranh dân gian Đông Hồ vốn từng phổ biến trong đời sống nay chỉ còn được sản xuất cầm chừng để phục vụ du lịch. Nhã nhạc cung đình Huế dù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vẫn chủ yếu tồn tại trong các chương trình biểu diễn cho khách nước ngoài, thay vì trở thành một phần sinh động trong đời sống nghệ thuật.

“Nhìn vào thực tế hiện nay, thời hoàng kim của nghệ thuật truyền thống không còn nữa. Sự hội nhập và giao thoa trong bối cảnh thời đại mới đã thổi những làn gió văn hóa mới vào đời sống người Việt, đặc biệt về âm nhạc khiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo, cải lương, dân ca, tuồng… đang bị khán giả, đặc biệt thế hệ trẻ ngày càng xa rời…” - TS Phạm Trí Thành, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội trăn trở.

Một cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính

Một trong những vấn đề nan giải nhất là sự thiếu hụt thế hệ kế cận. Nếu như trước đây, những nghệ nhân gạo cội như NSND Thanh Hoài, NSND Quang Thọ hay NSƯT Xuân Hoạch vẫn còn truyền dạy, thì nay, không nhiều người trẻ mặn mà với việc theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Thu nhập bấp bênh, ít cơ hội biểu diễn, trong khi các loại hình giải trí hiện đại mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, khiến nghệ thuật truyền thống ngày càng khó giữ chân lớp trẻ.
Việc truyền nghề hiện nay cũng chủ yếu dựa vào tâm huyết cá nhân của các nghệ nhân, thiếu đi sự hỗ trợ dài hơi từ các chính sách. Không ít nghệ sĩ dẫu đau đáu với nghề nhưng cũng không thể duy trì lớp học vì thiếu học trò, thiếu kinh phí và thiếu không gian biểu diễn.

Mặc dù nghệ thuật truyền thống vẫn nhận được sự quan tâm nhất định từ nhà nước và các tổ chức văn hóa, nhiều chính sách bảo tồn đã được triển khai, tuy nhiên việc bảo tồn đôi khi vẫn mang tính hình thức nhiều hơn là thực tiễn. Có những loại hình được vinh danh nhưng lại thiếu sân khấu để biểu diễn, thiếu khán giả để duy trì. Ca trù, hát xoan, hát văn… dù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng số lần biểu diễn trong cộng đồng vẫn rất hạn chế. Chèo, tuồng có nhà hát riêng nhưng các vở diễn vẫn loay hoay tìm đường đến với công chúng.

Để nghệ thuật truyền thống không những được bảo tồn mà còn tỏa sáng

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, bảo tồn nghệ thuật truyền thống không thể chỉ dừng lại ở việc gìn giữ mà quan trọng hơn là tìm cách đưa nó hòa nhập vào đời sống đương đại. Nếu không có những giải pháp kịp thời và hiệu quả, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, trở thành ký ức thay vì một phần sống động trong văn hóa người Việt. Vậy làm thế nào để nghệ thuật truyền thống tồn tại mà còn phát huy được giá trị trong xã hội hiện nay?
Tại cuộc hội thảo “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều giải pháp để phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống cũng đã được các đại biểu đề xuất.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cần phải nhận thức đúng đắn về nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ phát triển nghệ thuật biểu diễn; tạo dựng thị trường bền vững, khơi dậy niềm đam mê của nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật, từ đó chinh phục công chúng và duy trì sức sống cho nghệ thuật truyền thống.
Một số đại biểu cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường giáo dục, quảng bá để nâng cao nhận thức cộng đồng, thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Nếu thế hệ sau không được tiếp cận, không có cơ hội cảm nhận giá trị nghệ thuật dân tộc ngay từ khi còn nhỏ, thì dù có bảo tồn bằng mọi cách, nghệ thuật truyền thống vẫn sẽ mất dần chỗ đứng trong xã hội”, TS. Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam nhận định.

Các em nhỏ trình diễn hát xoan tại sân khấu công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) - Ảnh: Trung Kiên.

Thêm nữa, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nghệ nhân duy trì và phát triển nghề, đảm bảo nguồn nhân lực kế cận. Về phía các nhà hát, đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam “cần phát huy tính chủ động, không ở tại rạp chờ khán giả mà chủ động tiếp cận khán giả, sáng tạo để thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường”.

Trong thời đại số, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo tồn cần được khuyến khích, đặc biệt là số hóa tác phẩm, lưu trữ chương trình biểu diễn trực tuyến, giúp nghệ thuật truyền thống tiếp cận rộng rãi hơn và góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc... Thay vì chỉ giới hạn trong các sân khấu truyền thống, nghệ thuật chèo, tuồng, ca trù hoàn toàn có thể tiếp cận công chúng qua các nền tảng số như YouTube, TikTok, podcast hay phim tài liệu trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc xây dựng bảo tàng ảo, lưu trữ các tư liệu nghệ thuật truyền thống bằng công nghệ thực tế ảo (VR) cũng là một giải pháp tiềm năng giúp nghệ thuật truyền thống không bị quên lãng.
Nghệ thuật truyền thống không chỉ cần khán giả mà còn cần cơ hội biểu diễn thường xuyên. Việc gắn kết nghệ thuật truyền thống với du lịch văn hóa sẽ giúp tạo ra một môi trường biểu diễn bền vững, vừa bảo tồn nghệ thuật vừa góp phần phát triển kinh tế. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho nghệ sĩ, từ việc tạo điều kiện biểu diễn, hỗ trợ tài chính cho các đoàn nghệ thuật đến việc xây dựng cơ chế khuyến khích sáng tạo trong nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng cũng là vô cùng cần thiết.
Trong bối cảnh hội nhập, khi ngành công nghiệp sáng tạo trở thành động lực kinh tế, việc khai thác giá trị nghệ thuật truyền thống sẽ giúp tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống không chỉ là trách nhiệm của nghệ sĩ hay các nhà quản lý văn hóa mà cần có sự chung tay của toàn xã hội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO