Xa xưa, mùa thu là mùa mở hội của người Việt thời Đông Sơn, như mặt trống đồng Ngọc Lũ đã thông báo. Hình ảnh người được khắc họa trên đó là những người dự hội hóa trang, cắm bông lau trên đầu. Trong ca dao người xưa vẫn hát: “Tháng tám tôi đi chơi xuân…”
Múa lân trung thu xưa
Vậy là ban đầu, Tết giữa mùa thu này là của người lớn. Khi tổ tiên ta cấy một vụ lúa mầu. Tháng tám, việc gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, lại là lúc nông nhàn. Người ta mở hội cầu mùa ca hát, vui chơi. Lúc này, dưới ánh trăng thu, các lão nông uống trà, nhập rượu thưởng trăng, đoán mùa lúa tới và cả vụ dâu tằm.
Mở hội xuân mà không bỏ hội thu vì đây là sinh hoạt văn hóa cộng đồng sâu sắc ghi dấu lối làm ăn của một thời. Người già dành trăng rằm tháng tám cho trẻ. Tết Trung thu thành sản phẩm văn hóa truyền lưu.
Nếu Tết Nguyên đán – Tết xuân – là Tết hoa, thì Tết Trung thu là Tết quả. Tết Nguyên đán với cây nêu là Tết mặt trời, Tết dương, Tết Trung thu với ánh trăng và bánh mặt trăng (bánh dẻo tròn) là Tết âm.
Một Tết đầu xuân, một Tết giữa thu, đệm giữa là Tết vào hè (Tết Đoan ngọ) và tiếp sau là cơm mới (mồng 10 hoặc 15 tháng mười) đầu đông là 4 Tết quan trọng của nông lịch cổ.
Nếu rằm tháng Giêng là Tết lễ Phật đầu năm, rằm tháng bảy là lễ Vu lan và cả hai Tết này là Tết “đi chùa”; thì ở rằm tháng tám hoàn toàn là Tết của trăng, chơi trăng. Tính tôn giáo phai nhạt, còn toàn dân, thông tục và thẩm mỹ sẽ bao quát hội.
Tết trung thu ở Hà Nội tập trung đầy đủ một tiến trình lễ hội, do có điều kiện xã hội thuận lợi. Người dân Thăng Long – Hà Nội từ lâu coi Tết Trung thu như ngày hội lớn với những thú chơi riêng. Nhà nào cũng bày cỗ trông trăng.
Quả chín mùa thu sắc đẹp, hương thơm, vị ngọt… chuối, hồng, bưởi, ổi, na... đầy ắp các quầy chợ Đồng Xuân, Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ… Mua quả về xếp bên nhau thành khối mầu tươi mát, vui mắt hơn, phải tiện hai bó mía róc trắng muốt, buộc hai nuộc lạt hồng. Trên mỗi bó đặt nằm, bầy một bông hoa lớn, cánh rực rỡ nhiều màu: Đó là quả bưởi mà mẹ hay người chị khéo tay đã tỉa thành cánh hoa rồi đem nhuộm.
Trong các thứ bánh như bánh nướng, bánh đậu xanh, bánh xu xê, thì bánh dẻo là chính vị. Có thể chỉ cần một cái thôi, trắng mịn, đặt tròn kín mặt đĩa sứ lớn: có khi kín chiếc mâm đồng bầy giữa bàn. Trẻ con reo lên “bánh ông trăng”… Trên mâm cỗ, trông sang trọng hẳn lên là ông tiến sĩ giấy đường bệ, có lọng che, nhìn ra mâm cỗ trông trăng của các cháu.
Mỗi nhà đều có mâm cỗ trông trăng. Đầu tiên trẻ ở nhà chơi cỗ, ngắm đèn của mình. Trăng lên cao dần, ánh trăng trải khắp nhân gian; trống sư tử râm ran ngoài phố, không thể ở nhà được nữa. Các em gọi nhau, mỗi đứa một đèn, nối đuôi hàng một thành cuộc rước đèn, miệng đồng thanh hát mời trăng: “Ông Giẳng, ông Giăng/ Xuống chơi với tôi/ Có bầu có bạn/ Có ván cơm xôi/ Có nồi cơm nếp/ Có tệp bánh chưng/ Có lưng hũ gạo.
Đám rước kéo tới một nhà có chiếc đèn lớn nhất, chỉ Tết Trung thu mới thấy, là đèn kéo quân. Đèn kéo quân chỉ treo tại nhà, ở hàng hiên. Đèn có một, hai hoặc ba hàng quân chạy. Quân là hình cắt giấy hoặc hình hoa trổ như: ngựa gặm cỏ, voi đi, mục đồng thổi sáo hoặc có cả cô tấm mò cua, chàng Thạch Sanh bắn trăn tinh… Quân quay diễn ra trước mặt các em các hình ảnh làng quê quen thuộc, hoặc gợi nhớ những câu chuyện thần tiên, hiện ra mờ ảo như trong giấc mơ kỳ diệu, êm ả.
Còn bên kia sông Hồng, xã Gia Quất một thời thành lệ, hễ cứ dịp trăng trung thu, người ta lại giao duyên với nhau bằng nhịp hát trống quân. Giữa trời đêm quê man mác, tiếng “thình thùng thình” khiến nam nữ làng bên đứng ngồi chẳng xong, phải rủ nhau vượt cánh đồng mà tìm tới. Đêm hội kết thúc, mâm bánh trái được hạ xuống chia phần cho các em cùng hưởng.
Như vậy, Tết Trung thu là dịp trình bày sản phẩm của nghề trồng trọt nhiệt đới với tài năng chế biến sản phẩm ấy, cùng lối chơi, lối sống có văn hóa (của người Việt, người kinh thành thanh lịch và tài hoa). Bánh ngon bên cạnh trái thơm, con giống cùng các kiểu đèn, các trò chơi và ca hát… Ông tiến sĩ giấy – bày trên mâm cỗ - là hình ảnh xa gần của nền văn hóa Đại Việt, là biểu tượng tinh thần hiếu học của một dân tộc có nền văn hóa ngàn năm.
Đồng thời Tết Trung thu cũng là một mắt xích của dây chuyền lễ hội trong sự vận động hành năm của người Việt. Hơn thế, Tết Trung thu lấy mối quan hệ giữa thiên nhiên (thời tiết), mùa vụ (trồng trọt) và con người bằng tinh thần nhân văn cao cả (dành Tết này cho lớp mầm non của xã hội làm nền tảng), nên giá trị của lễ hội này trở nên sâu sắc và bền vững.