Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh. Mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người một năm, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước đang phát triển.
Sân trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn sạch sẽ thoáng đãng nhờ nói không với thuốc lá
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 20. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, theo điều tra tại Bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Với đặc thù là nơi đào tạo sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ là những người làm công tác tư tưởng, báo chí truyền thông, cán bộ trong hệ thống chính trị…Vì vậy, việc không hút thuốc lá vừa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao ý thức tự giác không sử dụng thuốc lá của những người làm công tác cán bộ trong tương lai, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân và không ảnh hưởng từ thuốc lá đến những người xung quanh. Ngay từ đầu các năm học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiều hoạt động truyền thông tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong toàn trường với nhiều hình thức, như: Lồng ghép vào chương trình giảng dạy trong Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa gồm các nội dung, kiến thức về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá; thông tin về thực trạng việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và thế giới; những nội dung cơ bản của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá… Đoàn Thanh niên các khối, lớp tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tìm hiểu về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá... góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của sinh viên, học viên trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Học tập trong môi trường tiếp xúc nhiều và liên tục với truyền thông, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn tiếp thu tốt công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Từ những nhận thức đúng đắn và ý nghĩa thiết thực của việc không hút thuốc lá ngay từ đầu, đã được các bạn sinh viên áp dụng và duy trì hiệu quả. Bạn Ngọc Lệ (sinh viên lớp Báo đa phương tiện K35 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong bất kì một lớp học tín chỉ, giảng đường hay khuân viên nào của Học viện, khó bắt gặp hình ảnh sinh viên hút thuốc lá hay mẩu thuốc lá vương vãi.
“Nếu có thì rất ít, trong giờ ra chơi hoặc quán nước trước cổng trường loáng thoáng một hai bạn hút thuốc, các bạn cũng ý thức là tự ngồi ra khu vực khác để hạn chế tối đa ảnh hưởng của khói thuốc lá đến người xung quanh. Ngay cả trong căng-tin trường, thuốc lá cũng không được bày bán…” - bạn Ngọc Lê chia sẻ.
Cũng như các trường đại học khác, trong quy định hay nội quy Đoàn trường, trong Học viện Báo chí và Tuyên truyền không có nhiều biển cấm hay quy chế gò bó, nhưng các bạn sinh viên của Học viện vẫn luôn “sạch khói thuốc lá”. “Hiện nay, Đoàn trường vẫn chưa có bất kì một quy định nào về việc sinh viên hút thuốc lá. Thời gian sắp tới, cũng không cần thiết triển khai vì thực trạng nói không với thuốc lá của sinh viên trong trường đang rất tốt”- thầy Thái Hồng Đức, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ. Tuy không đưa vào quy chế, nhưng mỗi đoàn viên hay từng liên chi của các khoa luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền và đẩy mạnh phong trào “nói không với thuốc lá trong trường học” đến các sinh viên trong chi đoàn, thầy Thái Hồng Đức cho biết thêm.
Sinh viên nói không với thuốc lá
Tìm hiểu từ các bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền về nguyên nhân để thực hiện tốt việc không hút thuốc lá trong trường học, kết quả thu được khá thuyết phục. Đại đa số cán bộ Đoàn và sinh viên nhìn nhận, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trường đại học có tỉ lệ sinh viên nữ đông, cao hơn gấp nhiều lần so với sinh viên nam. Do đó đối tượng hút thuốc lá thu hẹp trong phạm vi rất nhỏ. Hơn nữa, với đặc trưng xã hội, yếu tố tâm lí trong môi trường nhiều nữ, các bạn nam sẽ chú ý đến hình ảnh cá nhân và những người xung quanh nhiều hơn so với môi trường đa số nam. Từ đó, địa điểm và thời gian hút thuốc cũng cần cân nhắc, xem xét kĩ trước khi “châm điếu” thuốc lá. Bạn Đức Anh (sinh viên Báo in K35A1) bày tỏ: “Mình hút thuốc lá từ năm cấp ba nhưng khi vào trường ngay từ năm đầu mình đã hạn chế và giảm dần việc hút thuốc. Đến nay, mình không còn hút thuốc lá. Bởi nếu hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tiền chi tiêu, sinh hoạt phục vụ cho học tập…”
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nhóm công chúng lớn của nhiều chiến dịch truyền thông, sinh viên Học viện tham gia tích cực vào các đợt tuyên truyền trong đó có vấn đề tác hại của hút thuốc lá trong trường học. Bởi vậy, hơn ai hết sinh viên hiểu được những hậu quả nghiêm trọng mà khói thuốc lá gây ra. Bạn Nguyễn Hồng Phú (sinh viên Báo in K35A1) thì chia sẻ: “Mình biết rõ khói thuốc lá hại cơ thể và người xung quanh nhiều như thế nào và chi phí cho việc hút thuốc cũng không hề rẻ. Mình thấy thường 20.000 đồng/bao Vinataba, vậy như sinh viên bằng một suất cơm. Vừa đắt lại hại phổi, bệnh hô hấp nên mình không hút”. Đối với sinh viên ngoài những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe về sau thì vấn đề cần thiết ngay trước mắt là sinh hoạt phí. Trung bình 1 bao thuốc lá hút trong 1-2 ngày, chi phí khoảng 300.000 đồng đến 600.000 đồng/tháng, một số tiền rất lớn, có thể giải quyết được nhiều vấn đề cho sinh viên như: tiền ăn, tiền thuê trọ, tiền nộp 1 khóa học…
Nhận thấy, trong bất kì thông điệp tuyên truyền nào, điều quan trọng nhất là ý thức cá nhân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tích cực tác động vào yếu tố này. Với phương châm “xây dựng không gian xanh thì môi trường sẽ sạch”, nhà trường chú trọng vào việc xây dựng và giữ gìn cảnh quan trường, vừa tạo không gian cho sinh viên học tập tốt vừa là lí do cho sinh viên có ý thức tự quản. Song song với việc nâng cấp phòng học, đầu tư trang thiết bị, nhà trường tập trung triển khai trồng thêm cây xanh, tái tạo vườn trường hay làm mới không gian. Hướng đi này được sinh viên hưởng ứng tích cực và đem đến những hiệu quả thấy rõ. Từ đó, bản thân mỗi sinh viên có sự tự giác và hứng thú hơn trong việc vệ sinh môi trường chung.
“Người hút thuốc lá sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, phổi tắc nghẽn, nguy cơ cao bệnh ung thư phổi, sơ vữa động mạch và còn ảnh hưởng đến kinh tế của người hút. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ gây sinh non, em bé sinh ra sẽ có nguy cơ bị khuyết tật… Việc xây dựng trường học không khói thuốc, tạo môi trường học tập và làm việc trong lành, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí không có khói thuốc. Bản thân là một người không thích thuốc lá, kể cả người hút hay mùi thuốc. Từ đó, càng thêm yêu mến và gắn bó với Học viện Báo chí và Tuyên truyền vì môi trường lúc nào cũng thơm tho, sạch sẽ” - thầy Nguyễn Quang Hòa (Giảng viên khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
Khói thuốc lá là một hiểm họa lớn, sinh viên là những chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, sinh viên cần được chú trọng, quan tâm và đầu tư hơn bao giờ hết. Một trong số đó là sức khỏe, cách sống của sinh viên thể hiện qua việc hút thuốc lá trong trường học. Không chỉ sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần thực hiện tốt và duy trì mà tất cả sinh viên cần có sự nhìn nhận đúng đắn về hút thuốc lá, thái độ phù hợp khi hút thuốc lá ở một nơi công cộng như trường học.