Theo đó, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần được giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó. Bản cam kết cần có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới cần được nhà trường đưa ra. Bên cạnh đó trường tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 10. Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn một số môn học.
Các trường đã xây dựng các tổ hợp môn học và hướng dẫn học sinh lựa chọn các tổ hợp môn phù hợp theo năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, sau một học kỳ, một số học sinh có nguyện vọng chuyển môn học tự chọn do nhận thấy việc lựa chọn môn học của mình chưa phù hợp…