Trình bày báo cáo đánh giá tình hình hoạt động Quý I/2022, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh dịch bệnh, trong Quý I/2022, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân. Nhiều chương trình nổi bật như: "Mùa xuân và khát vọng", “Mừng xuân Nhâm Dần - Mừng Đảng quang vinh” (TP.HCM); "Niềm tin sáng mãi", "Mặt trời chân lý", "Đảng cho ta mùa Xuân", "Đất nước mùa Xuân", "Đảng - Mùa xuân - Dân tộc", "Ánh sáng niềm tin", (Hà Nội); “Mừng Đảng, đón xuân” (Đà Nẵng)…
Cũng theo ông Nguyễn Minh Nhựt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thời gian qua có nhiều chuyển động mới. Đời sống văn học nghệ thuật được duy trì phong phú, đa dạng. Truyền hình, không gian mạng được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, vừa tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn văn học, nghệ thuật. Từ đó. khích lệ, cổ vũ tinh thần nhân dân, tạo không khí lạc quan, lan tỏa các thông điệp tích cực.
Về phía Bộ VHTTDL, Bộ đã dành nhiều sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho văn học, nghệ thuật. Theo đó, lãnh đạo Bộ đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, chúc Tết văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022; ban hành Quyết định số 37/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030"; tổ chức Hội nghị nâng cao công tác quản lý Nhà nước, phát triển Văn học; xây dựng Đề án nâng cao năng lực sáng tác và lý luận phê bình văn học, nghệ thuật…
Song song với những gì đã làm được, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) chỉ rõ, một số hội VHNT chưa thực sự chủ động, đổi mới trong hoạt động. Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chưa ban hành được quy chế phối hợp trong việc chỉ đạo, định hướng, quản lý và xử lý các vấn đề nhạy cảm, phức tạp trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Ngoài ra, Vụ trưởng yêu cầu cần phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, các Hội đồng, ban chuyên môn. Nhất là người đứng đầu trong các hoạt động chung của hội trong xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc, xây dựng chương trình hành động…
Đề xuất ý kiến tháo gỡ khó khăn tại Hội nghị, đại diện các hội, đơn vị nêu rõ, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần tiếp tục rà soát lại nội dung hoạy động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác. Đồng thời, từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội; khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Chế độ, quy định về phong tặng danh hiệu cho văn, nghệ sĩ cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, khuyến khích sức sáng tạo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đề nghị, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thời gian tới phải nâng cao chất lượng hoạt động, tránh hình thức. “Các hội có thể phối hợp, liên kết các hoạt động thành chuỗi sự kiện chứ không chỉ là các hoạt động riêng lẻ. Như vậy, hoạt động sáng tác dễ đạt hiệu quả và đi vào thực chất hơn. Bên cạnh đó, đối với các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, tôi đề nghị các hội bám sát, thực hiện nghiêm túc nhằm góp phần phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Liên quan đến vướng mắc về chính sách, Thứ trưởng mong muốn các hội sẽ sớm ngồi lại với nhau, nhìn nhận thật kỹ thực trạng để đề xuất các giải pháp phù hợp. Đảng, Nhà nước luôn sẵn sàng đồng hành cùng các hội để giải quyết khó khăn.