Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 12.2018, thời gian thi công theo hợp đồng là 720 ngày, tổng vốn đầu tư 418,9 tỉ đồng; do liên danh Công ty CP Nhân Bình – Công ty TNHH Anh Huy – Công ty CP công trình giao thông 18 – Công ty CP xây dựng đô thị Hòa Phú thi công.
Theo phản ánh của người dân xã Yên Sở để phục vụ thi công công trình, nhà thầu đã tiến hành phá bỏ toàn bộ các dốc đá cổ để xây mới, thay thế bằng vật liệu gạch bê tông, người dân vô cùng tiếc khi dốc đá cổ này bị phá bỏ bởi những dốc đá này có lịch sử lâu đời và đã đi vào tiềm thức của con người nơi đây khi mùa lễ hội đến.
Dốc đá bị phá dỡ người dân qua đường không khỏi tiếc nuối.
Những viên đá cổ bị vứt lăn lóc bên đường.
Người dân xã Yên Sở cho biết những dốc đá này đã có từ rất lâu, thuộc vào diện di tích lịch sử, văn hoá tâm linh của người dân. Đến ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm những dốc đá trên phục vụ cho người dân rước kiệu hội Làng Giá. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những dốc mới mà đơn vị thi công xây khá dốc và không có chiếu nghỉ rất khó để phục vụ cho lễ hội sắp tới của nhân dân nơi đây.
Dốc mới bằng xi măng khá dốc thay cho dốc đá hàng trăm năm tuổi.
Được biết Đình Quán Giá (còn gọi là đình Yên Sở) thuộc làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, thờ danh tướng Lý Phục Man, một vị tướng của vua Lý Nam Đế, đã có công lao to lớn với Nhà nước Vạn Xuân – Nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc. Đình làng là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt.
Những dốc đá này đã có tuổi đời hàng trăm năm, biểu tượng văn hóa tinh thần, là công trình xây dựng phục vụ việc đi lại trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Yên Sở nói riêng, của nhân dân các xã lân cận nói chung, nhưng khi phá bỏ 5 dốc đá hàng trăm tuổi này thì đơn vị thi công và BQL Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức lại không hề xin ý kiến người dân Yên Sở. Việc cải tạo, nâng cấp là cần thiết song phải chăng các đơn vị liên quan đang bất chấp bỏ qua các giá trị văn hóa, lịch sử?
Người dân xã Yên Sở rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc phục hồi những dốc đá cổ này để người dân tiếp tục gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử lâu năm mà ông cha để lại, bởi hơn hết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử chính là nền tảng để kế thừa, phát huy dòng chảy văn hóa dân tộc.
Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc...