Không bảng màu, cũng không cọ vẽ, tình yêu với hội họa của họa sĩ Trần Thanh Thục gắn liền với những sắc vải. Cần mẫn và đam mê, từng tầng màu, từng tầng hình cứ lần lượt hiện ra và những bức tranh vải của chị cũng cứ thế gối nhau ra đời…
Với họa sĩ Trần Thanh Thục sắc vải đã trở thành niềm đam mê.
Từ tình yêu hội họa đến niềm đam mê sắc vải
Họa sĩ Trần Thanh Thục kể rằng, ngay từ thuở nhỏ mỗi lần lẽo đẽo theo cha xách những xô màu lớn vẽ tranh cổ động trên tường chị đã bị mê hoặc bởi những sắc màu. Cha của Thanh Thục cũng là người đam mê và am hiểu nghệ thuật. Những năm tháng tuổi thơ bên gia đình cùng những sắc màu của cha đã từng ngày nhen lên tình yêu hội họa của cô gái thành Nam thuở ấy. Và rồi, tình yêu với sắc màu cứ thế lớn dần cùng Trần Thanh Thục qua năm tháng. Không có cọ, chị vẽ bằng bút trên vở, gạch non lên sân nhà và cả bằng que trên nền đất…
Tác phẩm “Hồ Gươm chiều thu” - tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục
“Có lần họa sĩ Phạm Quyền - bạn của cha tôi đến nhà chơi, thấy những bức hình tôi vẽ, ông tấm tắc khen vẽ đẹp quá rồi khuyên cha tôi nên cho con gái theo ngành mỹ thuật. Ông chính là người thầy đâu tiên đưa tôi đến với hội họa…” - họa sĩ Trần Thanh Thục nhớ lại.
Không phụ lòng tin của họa sĩ Phạm Quyền và niềm mong đợi của gia đình, năm 1976 khi 16 tuổi, Trần Thanh Thục đã trúng tuyển hệ trung cấp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Với chị đây chính là một dấu mốc, một bước ngoặt mới trong cuộc đời, mở ra cho chị một tương lai với bao ước mơ và hoài vọng.
Khi đang là sinh viên năm thứ 4, trong một lần về quê thăm gia đình, Thanh Thục đến chơi nhà một người bạn làm thợ may. Thấy những mảnh vải vụn, chị liền lấy kéo cắt rồi dán ghép thành một bức tranh. “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm chơi chơi, thế mà khi đem về nhà, bố tôi vừa nhìn thấy đã nói: Được đó, con làm tiếp đi” – họa sĩ Thanh Thục kể lại. Sự tình cờ từ bức tranh vải đầu tiên ấy trở thành mối lương duyên đưa Trần Thanh Thục đến với tranh vải và gắn bó cho đến tận hôm nay.
Đã có những “nốt lặng” trong cuộc đời khi mà những lo toan cuốn chị theo dòng xoáy của cuộc sống. Nhưng rồi đam mê chưa dứt đã níu chị trở lại với sắc màu. Từ năm 2000, sau những “nốt lặng” trong cuộc sống, chị trở lại với hội họa, gặp bạn, gặp thầy. Những đam mê bỗng trở lại mạnh mẽ và đầy hứng khởi. Cũng từ ấy, những bức tranh vải cứ gối sóng nhau ra đời từ niềm đam mê với sắc vải, từ niềm thiết tha với Hà Nội, với quê hương đất nước.
Họa sĩ Thanh Thục chia sẻ, hạn chế của chất liệu vải không ít lần làm đứt mạch những đam mê ào ạt trong chị. Ấy là khi chị không tìm được một họa tiết ưng ý. Ấy là lúc chị muốn có thêm một mảnh nữa giống mảnh này mà không có hoặc không thể… Nhưng dường như thách thức càng rèn giũa cho chị sự kiên trì và bền bỉ. Không thể vẽ ra, cũng không thể mua thêm vì họa phẩm của chị đã được mặc định, nên chị thường không phác thảo tranh mà “nương” vào những họa tiết mình đã có rồi từ đó mới quyết định độ lớn nhỏ, màu sáng tối, không gian miền núi hay miền xuôi, nông thôn hay chốn thị thành... ở trong tranh.
Tác phẩm “Sắc vàng trên cao nguyên” - tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục
Với chất liệu vải độc đáo, từng tầng màu, từng tầng hình dần hiện ra trong tranh của Trần Thanh Thục. Nào làng quê bên dòng sông Châu Giang (huyện Lý Nhân, Nam Định) – nơi gia đình chị từng sống trong những ngày sơ tán; nào Hà Nội cổ kính, thâm nghiêm và hào hoa; nào miền cao nguyên với những đỉnh núi xám trắng, những mái nhà đơn sơ, những hàng rào đá, những mùa cải đơm bông… Khát khao chuyển tải những vẻ đẹp của nơi mình từng gắn bó, những nẻo đường mình đã đi qua, những vùng đất mình đã đặt chân tới khiến Trần Thanh Thục luôn hối hả. Đã có những đêm chị thức đến 2, 3 giờ sáng chỉ để hoàn thiện nốt một chi tiết của bức tranh. Có những buổi đi làm, chị còn tranh thủ lê la ở các hàng may để tìm kiếm, gom góp chất liệu cho tác phẩm…
Năm 2015, triển lãm cá nhân mang tên “Nhịp xuân 1” được tổ chức tại Hà Nội đã đánh dấu những thành quả mà Trần Thanh Thục gặt hái trong chặng đường gắn bó với tranh vải. Những bức tranh vải “trình làng” được đông đảo công chúng đón nhận như tiếp thêm động lực cho sự sáng tạo của nữ họa sĩ. Liên tiếp từ năm 2015 đến nay họa sĩ Trần Thanh Thục còn phối hợp cùng nhiều tác giả tổ chức các cuộc triển lãm chung như: triển lãm “Vải và giấy dó” cùng họa sĩ Lê Tuấn Anh (năm 2016); triển lãm “Sắc màu Bắc Trung Nam” (cùng nhóm họa sĩ 3 miền, năm 2017); triển lãm “Vải và vải” cùng nghệ sĩ người Pháp Catherinne (năm 2017); triển lãm “Vải và trúc chỉ” cùng họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy (năm 2018)… Năm 2020, khi dự định triển lãm cá nhân “Nhịp xuân 2” và triển lãm “Phiêu” (cùng nhóm họa sĩ) “lỗi nhịp” vì dịch Covid-19, Trần Thanh Thục lại cùng nhà điêu khắc Lê Thị Hiền trình làng công chúng những tác phẩm mới của mình trong triển lãm “Vải và thép” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ 26/5 đến 31/5). Cuộc đối thoại ngẫu hứng giữa hai chất liệu tiếp tục cho thấy năng lượng dồi dào của họa sĩ Trần Thanh Thục khi chị bước sang tuổi lục tuần.
Ăm ắp niềm yêu Hà Nội
Đến với Hà Nội ở tuổi hoa niên và gắn bó đến bây giờ, với họa sĩ Trần Thanh Thục Hà Nội luôn đằm sâu trong ký ức. Chị vẫn nhớ tiếng tàu điện leng keng, nhớ những ngày lạnh căm căm dạo bước bên hồ Gươm gợn sóng, nhớ cả những ngày cùng chúng bạn dựng vội bảng vẽ rồi ngồi bệt trên vỉa hè phố cổ để lưu giữ một Hà Nội xưa cũ.
Hà Nội là nơi tuổi trẻ của chị đã đi qua, nơi chứng kiến bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời đã trở thành một đề tài được Trần Thanh Thục trở đi trở lại trong tác phẩm của mình. Cũng bởi thế mà số lượng tranh về Hà Nội chiếm một tỷ lệ tương đối trong sáng tác của nữ họa sĩ. Có thể kể tới: “Hà Nội mùa thay lá”, “Hồ Gươm Hà Nội chiều thu”, “Hà Nội sớm mùa đông”, “Ô Quan Chưởng”, “Hà Nội ngày cuối đông”, “Chiều trên đường Cổ Ngư”, “Êm đềm phố cổ”, “Phố cổ Hà Nội”… Trong mỗi bức vẽ của Thanh Thục, Hà Nội dường như vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp của sự cổ kính, sâu lắng, mộc mạc và cũng rất đỗi gần gũi, thân thương.
Xem tranh của Trần Thanh Thục có cảm giác chị luôn đau đáu với Hà Nội. Để dựng được mái phố, hàng cây, những ngôi biệt thự cổ hay cầu Long Biên, ô Quan Chưởng… bằng chất liệu vải chị tỉ mỉ chọn từng ganh vải sao cho phù hợp với độ xa - gần, sáng - tối, rõ - mờ. Có những chi tiết để tạo độ sâu của không gian chị đã phải chồng xếp bằng rất nhiều các lớp vải mỏng. “Từng chút, từng chút một, hôm nay tôi dựng nhà, mai tôi lợp ngói, kia tôi trồng cây… ngồi tỉ mẩn chọn sắc cho từng chiếc lá bàng bay ngang phố, chọn một vạt nắng vương trên hè, một chiếc xe đạp dựng hờ hững, một người bán hàng rong, một người chở xích lô lau vội giọt mồ hôi… Hà Nội của tôi đấy, tôi có thể cắt một bức trường cảnh với cả một dãy phố dài. Tôi muốn lui về góc phố có quán cà phê quen thuộc bình yên. Tôi muốn nói hết những điều tôi yêu thương, những kỷ niệm đang cựa mình đòi đi ra…” - họa sĩ Trần Thanh Thục bộc bạch.
Trong căn nhà nhỏ ở ngõ phố Kim Mã, họa sĩ Trần Thanh Thục cuốn tôi theo những kỷ niệm của chị từ bức vẽ này đến bức vẽ khác. Chị nói về sự kỳ công khi tìm những ganh vải trong bức “Hồ Gươm chiều thu” - tác phẩm mà sau 2 năm đắn đo chị mới dám cầm kéo vì “đã có rất nhiều tranh, ảnh đẹp về hồ Gươm, nên đưa hồ Gươm vào tranh vải cũng là cả một thách thức”. Bức tranh được hoàn thiện sau hơn một năm vì nếu chưa tìm được họa tiết phù hợp chị lại phải dừng lại chờ đợi. Khi những chi tiết cuối cùng hoàn tất, khi những sắc màu đã quyện hòa với những bước chuyển nhẹ nhàng và tinh tế, lúc ấy chị mới thở phào nhẹ nhõm.
“Hồ Gươm chiều thu” là một trong số hàng trăm “những đứa con tinh thần” đã được ra đời từ tâm sức và niềm đam mê sắc vải của nữ họa sĩ. Những bản “hòa sắc” từ những mảnh vải vụn ấy đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật sự bất ngờ đầy thú vị. Nói như nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền thì qua những tác phẩm của chị người xem còn có thể cảm nhận được sự “kỹ càng trong từng nét cắt, cẩn trọng trong việc dán bồi các mép vải, nhưng đồng thời trên tác phẩm của chị ta vẫn thấy được sự ngẫu hứng của cảm xúc hiển hiện ra như tâm hồn đa cảm của người đàn bà làm nghệ thuật”. Mong chị sẽ gặt hái thêm được nhiều thành công hơn nữa trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.