Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ

Lê Phương Liên| 08/10/2021 15:35

Từ tháng 10/1954, Thủ đô Hà Nội được mở trang sử mới, lúc ấy tôi mới là một đứa trẻ lên ba. Khi tôi lớn lên biết đọc sách, biết đi xem phim chính là lúc hiệu sách, thư viện công cộng ở Hà Nội có các cuốn sách của NXB Kim Đồng, rạp chiếu phim ở Hà Nội bắt đầu chiếu những bộ phim hoạt họa Việt Nam, phim truyện Việt Nam.

Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Nhà văn Tô Hoài và họa sĩ Ngô Mạnh Lân với Dế mèn phiêu lưu ký  (năm 2012) Ảnh: Nguyễn Mạnh Phúc.

Thuở đó, ở Hà Nội có rạp Kim Đồng (19 Hàng Bài) chuyên chiếu phim dành cho trẻ em với giá vé đồng hạng hai hào (là 0,20 đồng/vé). Tôi nhớ lần xem phim hoạt hình Mèo con ở rạp Kim Đồng năm 1965, bước vào rạp, thấy khán giả toàn trẻ con, không khí ồn ào tiếng nói chuyện râm ran. Giờ chiếu đến đèn rạp tắt phụt, màn hình bật sáng hàng chữ Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam hiện ra, âm nhạc rộn ràng háo hức nổi lên. Toàn rạp lặng đi, im phăng phắc cả trăm đôi mắt hướng lên màn hình hồi hộp theo dõi số phận chú Mèo con. Thế rồi tiếng cười vang lên trước những pha đấu chọi giữa Mèo con và Chuột cống, tiếng vỗ tay sung sướng hả hê khi Mèo con chiến thắng Chuột cống! Tôi đã được đọc truyện Cái Tết của Mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi từ sách Kim Đồng năm 1961. Ấy thế mà hình ảnh sống động của Mèo con, bác Nồi đồng, chị Chổi rơm trong khung cảnh một căn bếp cổ truyền… cùng âm nhạc rộn ràng linh hoạt của bộ phim Mèo con (đạo diễn: Ngô Mạnh Lân) đã khiến tôi cảm nhận Mèo con thú vị hơn, sâu sắc hơn. Đúng là phim hoạt họa là một nghệ thuật cao siêu mà gần gũi với trẻ con vô cùng! 

Sau này, khi bắt đầu viết cho thiếu nhi tôi mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Tô Hoài, và với họa sĩ Ngô Mạnh Lân… Tôi nhớ lần đầu tiên gặp họa sĩ Ngô Mạnh Lân trong một dịp hội họp văn nghệ sĩ, tôi rất ấn tượng với dáng vẻ và phong cách của ông. Trong cách nói của họa sĩ toát ra vẻ thanh lịch  như một thầy giáo Hà Nội xưa, lại có vẻ giản dị chan hòa như một chú bộ đội dạo năm 1954, 1955 vào tiếp quản Thủ đô. Nghe mọi người giới thiệu phu nhân của họa sĩ là nữ diễn viên Ngọc Lan đã đóng vai Nhàn trong phim Lửa trung tuyến tôi lại càng ngưỡng mộ gia đình ông, một gia đình văn hóa nề nếp. Sau này, tôi mới được biết ông quê ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khi kháng chiến bùng nổ, ông theo gia đình lên Việt Bắc. Năm 16 tuổi ông được học khóa kháng chiến (khóa học đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách). Sau khi tốt nghiệp, ông vào phục vụ trong quân đội. Ông đã từng tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ và có nhiều ký họa kháng chiến. Chợt nghĩ lại cảm nhận ban đầu của mình về họa sĩ Ngô Mạnh Lân có vẻ người vừa cổ điển vừa hiện đại hóa thế mà cũng đúng nhỉ! Từ năm 1989, tôi được làm việc ở Ban biên tập Tranh truyện (NXB Kim Đồng) do họa sĩ Nguyễn Phú Kim làm trưởng ban. Từ ngày đó tôi được gặp gỡ nhiều họa sĩ nổi tiếng. Lần ấy, NXB Kim Đồng tái bản Dế mèn phiêu lưu ký lần thứ tư, lại đặt họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ bìa, minh họa. Trong một dịp nói chuyện với anh chị em biên tập, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã tâm sự:
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Minh họa tranh truyện Cái Tết của Mèo con của họa sĩ Ngô Mạnh Lân
-Tôi đã bị con Dế mèn của ông Tô Hoài mê hoặc từ 30 năm nay. Tôi đã say mê vẽ nó trong 4 lần xuất bản mà lần nào cũng cố gắng tìm ra một cách thể hiện mới. Tôi mê vẽ tranh minh họa sách cho trẻ con đến nỗi trong nhiều năm ít để ý đến việc vẽ những tác phẩm riêng để làm triển lãm cá nhân. Tôi được làm quen với Dế mèn từ năm 1959, khi ấy tôi đang học năm thứ ba Khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học quốc gia Điện ảnh Liên Xô. Họa sĩ Lê Thanh Đức đã kết nối tôi với NXB Cận vệ trẻ (Liên Xô) để nhận việc vẽ bìa minh họa cho bản dịch tiếng Nga cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của ông Tô Hoài.

Lời tâm sự của họa sĩ Ngô Mạnh Lân như đã nói lên rằng: tâm hồn của những người nghệ sĩ yêu trẻ em đã có sự tương ngộ tri kỷ. Từ chú Dế mèn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã trở thành người bạn thân thiết của nhà văn Tô Hoài. Hai ông lại cùng nhau tạo nên tác phẩm truyện tranh Chuyện ông Gióng (lời của nhà văn Tô Hoài), sau đó được dựng phim hoạt hình do họa sĩ Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn. Bộ phim hoạt hình Chuyện ông Gióng đã được giải Bồ câu vàng ở Liên hoan phim quốc tế Leipzig - Cộng hòa Dân chủ Đức (1970). Họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn tương đắc với nhà văn Tô Hoài trong niềm đam mê khai thác truyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam cho trẻ em. Các ông đã có thêm thành công truyện tranh Trê Cóc với những lời văn dí dỏm sâu sắc (của nhà văn Tô Hoài) và những hình tượng hoạt họa dân dã ngộ nghĩnh (của họa sĩ Ngô Mạnh Lân). Bộ phim hoạt hình Trê Cóc đã là một trong những tác phẩm đưa họa sĩ Ngô Mạnh Lân đến Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Với đề tài truyện dân gian cổ tích, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã cùng sáng tạo với nhiều tác giả trẻ về sau như các truyện tranh: Cây tre trăm đốt, Thạch Sanh, Mụ Lường… Không chỉ khai thác vốn cổ tích, dân gian, đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân còn sáng tạo từ các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông đã rất thành công với những tác phẩm đặc sắc như: Mèo con (chuyển thể tác phẩm Cái Tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi), Những chiếc áo ấm (chuyển thể từ truyện Những chiếc áo ấm của Võ Quảng)…
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
Minh họa tranh truyện Dế mèn phiêu lưu ký của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Từ năm 1956, khi 22 tuổi họa sĩ Ngộ Mạnh Lân đã được cử đi học Khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô. Về nước, ông làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam, nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Dấn thân vào một ngành nghệ thuật non trẻ hoàn toàn mới mẻ với nghệ thuật truyền thống Việt Nam, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã tìm ra một con đường sáng tạo đó là con đường dựa trên kho tàng văn hóa dân tộc và đồng hành với văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông đã cùng các đồng nghiệp ở Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam nỗ lực lao động bằng tài năng để đưa nghệ thuật hoạt họa “chạm đến trái tim” của trẻ em Việt Nam thuở đó. Trong những năm 1957 - 1984, các tranh minh họa trong sách của NXB Kim Đồng đều dùng cách in bằng bản khắc gỗ. (Các bản khắc gỗ đều qua bàn tay cố nghệ nhân Nguyễn Xà). Họa sĩ Ngô Mạnh Lân và các họa sĩ thời đó là những người đầu tiên sáng tạo ra dòng nghệ thuật đồ họa dành cho thiếu nhi Việt Nam, tạo nên những hình tượng mỹ thuật để đời như hình tượng Dế mèn.

Trong một dịp phát biểu với các nhà văn, họa sĩ và cả các chuyên gia sách thiếu nhi quốc tế, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã nói đại ý: “Nói về việc minh họa sách cho trẻ em, người ta thường cho rằng đó là một việc đơn giản, dễ dàng, chẳng khó khăn gì. Người ta quan tâm nhiều hơn đến hội họa dành cho người lớn. Dường như trong lĩnh vực dành cho người lớn, các họa sĩ có thể chứng tỏ nghệ thuật của mình về phong cách, đường nét, màu sắc, bố cục và những gì có thể được coi là một tác phẩm tài năng và tư duy siêu hiện đại… Theo quan điểm của tôi, minh họa trong sách cho trẻ em là một lĩnh vực khó mà người ta phải nỗ lực rất nhiều trong cả cuộc đời”. Tôi đã được nghe những lời tâm huyết này của họa sĩ Ngô Mạnh Lân từ mùa thu năm 1991. Không chỉ từ lời nói mà từ những tác phẩm truyện tranh và phim hoạt hình của ông đã thể hiện tất cả tài năng và tâm huyết mà ông đã dành cho dòng nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ cao nhất: đó là nghệ thuật vì trẻ em! Đối với tôi họa sĩ Ngô Mạnh Lân là một người thầy, một tấm gương lao động bền bỉ sáng tạo mà tôi mong muốn được noi theo mãi.

Còn nhớ lần cuối cùng tôi được gặp gỡ trò chuyện cùng ông là ở triển lãm tranh Ký ức đường Trường Sơn (năm 2019). Khi ấy ông đã vào tuổi lão niên, đi lại phải chống gậy. Nhìn ông đi chầm chậm, dừng chân đứng xem rất kỹ từng bức tranh của bạn bè, tôi xúc động vô cùng. Có phải chăng khi nhìn những bức tranh ký họa Trường Sơn, ông đã nhớ đến một thời trai trẻ ở chiến trường Điện Biên Phủ? Nét mặt tuổi tác của ông không có vẻ tiếc nuối điều gì, mà tươi tắn một nụ cười chan hòa như thời ông vẽ tranh mình họa sách thiếu nhi của NXB Kim Đồng. Chắc rằng ông đã toàn hoàn hài lòng với sự lựa chọn con đường nghệ thuật mà ông đã đi đến đích thành công.
(0) Bình luận
  • 17 ấn phẩm nhắc nhớ về một thời hoa lửa Điện Biên
    Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 ấn phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
  • Ra mắt truyện ký về cuộc đời Tổng Bí thư Trần Phú
    Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc truyện ký đặc sắc Trần Phú của nhà văn Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).
  • Ra mắt tập nhật ký "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
    Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – 2024, sáng ngày 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách "Con đường văn sĩ" – nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
  • Thơ Nguyễn Đức Tùng - một buổi sáng chín
    Tôi muốn đánh thức “buổi sáng chín” của Nguyễn Đức Tùng để mở ra những trang thơ giàu tính sáng tạo của ông: Sau cái chết, nếu trở lại/ Anh sẽ trở lại vì một buổi sáng/ Một buổi sáng chín trên cành/ Như trái ổi xanh/ Bỗng chín/ Nhưng không rụng xuống/ Vì hãy còn xanh (Thời gian).
  • Ra mắt bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”
    Bộ sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một bản anh hùng ca bất hủ gắn liền với tên tuổi và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như một lời tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng.
  • Thưởng thức triết học - Mỗi đứa trẻ là một triết gia
    Chiều ngày 20/4, tại Phố Sách Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Giao lưu giới thiệu bộ sách "Thưởng thức triết học – Mỗi đứa trẻ là một triết gia" do Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp Hà Nội phối hợp tổ chức nhân dịp ra mắt bộ sách với chủ đề “Mỗi đứa trẻ là một triết gia”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân: Nghệ sĩ của tuổi thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO