Mỹ thuật

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại

Minh Triết 14:10 22/05/2025

Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.

hoa-si-dang-thi-khue-chia-se-ve-nhung-ky-niem-ve-hoa-si-duong-bich-lien.jpg
Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về những kỷ niệm về họa sĩ Dương Bích Liên.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê sinh năm 1946 trong một gia đình trí thức Nho học tại Hà Nội. Ngày Toàn quốc kháng chiến, bà theo cha mẹ rời Hà Nội ra vùng tự do và sống ở nhiều miền quê Bắc bộ. Khi cha mẹ thoát ly công tác, bà về sống với ông nội (một nhà Nho chuyên bốc thuốc làm phúc) và cùng ông tá túc trong những ngôi đền, chùa cổ. Chính không gian tâm linh ấy đã thấm đẫm vào tâm hồn thơ bé của bà, để lại những dấu ấn khó phai. Tấm lòng nhân ái từ người ông cũng đã được truyền lại cho bà như một tài sản tinh thần vô giá.

Trở lại Hà Nội khi lên 6 tuổi, bà vào học trường Đạo và sống giữa không gian phố cổ. Môi trường đô thị khác biệt cùng không gian tôn giáo mới đã là một bước ngoặt quan trọng, giúp bà làm quen với những biến động trong cuộc sống sau này.

3.jpg
Tác phẩm “Địa linh”. Nghệ thuật sắp đặt ngoài trời tại Hà Nội - 2016

Sự nhận thức về chính mình chỉ thực sự đến khi Đặng Thị Khuê 16 tuổi, thời điểm bà vào học tại Trung cấp Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam) năm 1963. Đối diện với những tiêu chuẩn hàn lâm và kinh viện Châu Âu được giảng dạy tại trường, bà nhận ra mình thuộc về một cội nguồn khác cả cảm xúc lẫn tâm thức. Và chính “quá khứ” đã định hình tính cách, chi phối cảm quan thị giác lẫn suy tư không dễ gì thay đổi.

Không thể đi ngược lại với tâm hồn mình, cũng không thể “vay mượn” cảm quan sáng tạo, nhưng lại buộc phải tuân thủ những quy định của nhà trường nên bà đã tự mình lựa chọn một cách làm riêng: Ở trường, bà hoàn thành bài vở theo các chuẩn mực hàn lâm, khoa học và duy lý; còn ở nhà, bà thực hành lối tạo hình truyền thống phương Đông với “cách nhìn hướng nội”, mỹ cảm Á Đông và những định ước thẩm mỹ xưa.

5.jpg
Tác phẩm “Nhân khí”. Nghệ thuật sắp đặt ngoài trời tại Hà Nội - 2016

Chính hoàn cảnh ấy đã dẫn bà đến một lựa chọn có ý thức: so sánh và nhận diện những đặc sắc, dị biệt của truyền thống - nơi tạo nên bản sắc và hồn cốt riêng cho mỗi dòng thẩm mỹ. Từ đó, bà cũng nhìn rõ cả thế mạnh lẫn giới hạn của chúng và dần hiểu được tính tất yếu của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật.

6.jpg
Tác phẩm Đất mẹ. Nghệ thuật sắp đặt ngoài trời tại Hà Nội

Việc nhận diện những giá trị lớn từ di sản chỉ thực sự hình thành sau này, qua quá trình thực hành và ứng dụng nghệ thuật đương đại vào thập niên 1980, đặc biệt trong thể loại sắp đặt (Installation Art). Càng tìm về truyền thống, càng tuân thủ những định ước thẩm mỹ xưa và đồng thời đáp ứng các tiêu chí đương đại, bà càng ngạc nhiên trước những tương đồng, trùng khớp giữa giá trị mới và ký ức truyền thống.“Phải chăng nghệ thuật đương đại chính là sự khởi đầu của một chu kỳ mới trong tư duy minh triết của con người - điều từng nhiều lần xảy ra qua các cuộc giao thoa văn hóa suốt hàng thế kỷ, để trong dân tộc có nhân loại?”, họa sĩ Đặng Thị Khuê từng nhiều lần tự hỏi như vậy.

4.jpg
Tác phẩm “Nguyện cầu”. Nghệ thuật sắp đặt ngoài trời tại Hòa Bình - 2007

Chính những phát hiện sâu sắc ấy đã khơi dậy ý chí tiếp nối các giá trị tinh thần từ di sản, đồng thời thắp lên niềm tin vào tương lai của nghệ thuật giữa bối cảnh toàn cầu hóa đầy biến động. Từ đây, bà tìm thấy động lực cho những sáng tạo cá nhân và cả nguồn cảm hứng thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật, văn hóa hướng về cội nguồn di sản.

Trong suốt hành trình gắn bó với hội họa, họa sĩ Đặng Thị Khuê đã 8 lần tổ chức triển lãm cá nhân tại Việt Nam và quốc tế, trong đó có nhiều triển lãm tiên phong trong nghệ thuật sắp đặt. Từ triển lãm “Nhân loại” (1998) tại Mỹ, “Quá khứ trong hiện tại” (2003) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và tại Italia, “Trở về” tại Thụy Điển, “Trang phục tự chọn” (2006) tại Hà Nội hay “Nguồn cội” (2007) tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình, rồi triển lãm “Nhận diện và kết nối” (2014) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Lights” (2016) tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, tất cả đều cho thấy sự đau đáu của họa sĩ với văn hóa, với nguồn cội.

Không dừng ở hội họa và sắp đặt, bà còn thực hiện nhiều công trình điêu khắc ngoài trời bằng đá và đồng ở các địa phương như: An Giang, Đồ Sơn, Đà Lạt, Huế và Hà Nội. Những công trình này không chỉ hiện hữu về mặt hình khối mà còn như một “ký ức không gian”, kết nối cộng đồng với lịch sử và bản sắc nơi chốn.

Với những nỗ lực bền bỉ, họa sĩ Đặng Thị Khuê được trao nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế: Giải thưởng Quỹ Freeman (Hoa Kỳ, 1998), Giải Nhì Triển lãm Đồ họa quốc gia (1982), Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1980), và hai Giải A Triển lãm Mỹ thuật Quân đội (1976 và 1984). Một số tác phẩm tiêu biểu của bà hiện nằm trong bộ sưu tập của Trung tâm Nghệ thuật Umea (Thụy Điển), Bảo tàng Nghệ thuật Queensland (Úc) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Với vai trò đa dạng - từ nghệ sĩ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đến người quản lý văn hóa, thành viên trong các tổ chức nghệ thuật quốc tế, họa sĩ Đặng Thị Khuê đã tích cực tham gia các diễn đàn nghệ thuật, các liên hoan nghệ thuật vùng, các trại sáng tác quốc tế, tổ chức triển lãm và giới thiệu nghệ thuật Việt Nam ra thế giới không chỉ với tư cách tác giả mà còn trong vai trò giám tuyển (curator)... Qua đó, bà đã góp phần quảng bá nghệ thuật nước nhà và mở rộng cơ hội giao lưu cho các đồng nghiệp trong giới nghệ thuật quốc tế.

Tại Việt Nam, họa sĩ Đặng Thị Khuê đã tham gia tư vấn cho nhiều chương trình nghệ thuật phi chính phủ và từng là thành viên của các quỹ hỗ trợ văn hóa quốc tế. Những hoạt động này cho thấy ảnh hưởng cụ thể và tích cực của bà trong công tác bảo tồn di sản, đồng thời tạo động lực cho các nghệ sĩ trẻ mạnh dạn thể nghiệm những hướng đi nghệ thuật mới.

Quan tâm đặc biệt đến giáo dục và phổ cập nghệ thuật trong cộng đồng, bà cùng những người bạn đồng hành đã góp phần phục dựng các sinh hoạt văn hóa truyền thống, hồi sinh dòng cổ nhạc Việt, và đưa các nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực này đến biểu diễn tại nhiều trường trung học ở Hà Nội và các địa phương khác. Những nỗ lực này của bà đã góp phần làm sống lại các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Không dừng lại ở đó, bà còn tích cực hỗ trợ phục hồi một số nghề thủ công truyền thống và tham gia giảng dạy, hướng nghiệp cho người khuyết tật tại Hà Nội. Dù bà khiêm tốn gọi đó là “những đóng góp nhỏ bé” nhưng tầm ảnh hưởng và ý nghĩa từ những việc bà đã làm là điều khó có thể đong đếm.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc - Chủ tịch Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển - Việt Nam khi nhắc đến họa sĩ Đặng Thị Khuê cũng đã ghi nhận: “Tôi trân trọng năng lực và sự nhiệt tình của họa sĩ dành cho hoạt động của quỹ trong suốt 15 năm qua”. Thành tựu hỗ trợ hơn 2.000 dự án văn hóa của quỹ có sự đóng góp tích cực và bền bỉ từ bà. Còn tiến sĩ Nora A. Taylor - nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam và Đông Nam Á thì nhận định: “Đặng Thị Khuê là một hiện tượng đặc biệt, duy nhất trong giới mỹ thuật Việt Nam. Bà vừa là nhà phê bình, nhà quản lý và là một nghệ sĩ. Rất ít người kể cả nam giới lẫn phụ nữ có thể có những đóng góp đáng kể như vậy đối với mỹ thuật. Ngay cả khi bà không hề quan tâm đến sự nổi tiếng, tôi vẫn thực sự khâm phục năng lực của bà”.

Gần đây, trong dịp kỷ niệm những sự kiện nghệ thuật sau 40 năm của Mỹ thuật Đổi mới, đặc biệt là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của các danh họa Việt Nam (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái), công chúng đông đảo mới biết tới những cống hiến tích cực của bà trong tiến trình đổi mới nghệ thuật - một bước đi quan trọng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Chứng kiến bà một mình hoàn thiện cùng lúc nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại, chất liệu và không gian khác nhau (phần lớn là trong các xưởng của bạn bè) mới thấm thía được rằng, lao động sáng tạo thực sự là “một thử thách gian nan và mạo hiểm” như chính lời bà từng nói. Họa sĩ Đặng Thị Khuê bộc bạch, chỉ đến gần đây bà mới thực sự có thể toàn tâm trở lại với nghệ thuật với mong muốn kịp thực hiện một triển lãm trưng bày những thể nghiệm còn đang dang dở. Bà cũng luôn nhắc đến cộng đồng, những chủ nhân của nền văn hóa đa dạng và tư duy minh triết ấy bởi họ chính là người thôi thúc bà dành trọn đời mình để gìn giữ, phục dựng và bảo tồn di sản, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau.

“Nghệ thuật không đơn thuần chỉ kết nối tâm hồn con người mà còn là một hành trình trải nghiệm nhân văn đối với nghệ sĩ và mỗi tác phẩm là một nấc thang giác ngộ”, lời chia sẻ ấy của bà cũng chính là lời đáp cho câu hỏi vì sao bà vẫn không ngừng sáng tạo và cống hiến./.

Bài liên quan
  • Khởi động cuộc thi vẽ minh họa "Chất địa phương"
    Từ ngày 17/5-16/6/2025, cuộc thi vẽ minh họa "Chất địa phương" chính thức nhận bài dự thi từ các nghệ sĩ trẻ trên toàn quốc, hướng tới tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng miền Việt Nam thông qua các tác phẩm hội họa sáng tạo.
(0) Bình luận
  • Khởi động cuộc thi vẽ minh họa "Chất địa phương"
    Từ ngày 17/5-16/6/2025, cuộc thi vẽ minh họa "Chất địa phương" chính thức nhận bài dự thi từ các nghệ sĩ trẻ trên toàn quốc, hướng tới tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng miền Việt Nam thông qua các tác phẩm hội họa sáng tạo.
  • Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy – HĐND – UBND - UBMTTQ Việt Nam Thành phố Huế tổ chức dâng hoa lên Người và khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình
    Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, khai mạc sáng 16/5 tại Hà Nội. Với 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng, triển lãm là dịp để công chúng trong và ngoài nước chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
  • Cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Vào sáng ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), đồng thời là dịp để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về hình tượng Người - vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.
  • Khởi động cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ ba tại Việt Nam
    Cuộc thi UOB Painting of the Year – một trong những sự kiện mỹ thuật uy tín hàng đầu Đông Nam Á vừa chính thức bước vào mùa giải thứ ba tại Việt Nam. Đây là cuộc thi nghệ thuật thường niên lâu đời nhất tại Singapore, do Ngân hàng UOB khởi xướng từ năm 1982 nhằm phát hiện và tôn vinh các tài năng nghệ thuật trong khu vực.
  • Triển lãm tranh "Mùa xuân Hà Nội và Seoul" sắc màu hội họa giữa văn hóa Việt - Hàn
    Triển lãm tranh "Mùa xuân Hà Nội và Seoul" của họa sĩ Văn Dương Thành với màu sắc lộng lẫy nhưng êm dịu, thể hiện sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO