Trước tình hình đó, ngày 25/6, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn, yếu thế, người nghèo, người có công với cách mạng. Riêng lần này, Bộ Chính trị đồng ý với chủ trương của Chính phủ hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thống nhất với báo cáo của Chính phủ. Bộ Chính trị đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Ngay khi đón nhận thông tin này, các chuyên gia lao động, đặc biệt là NLĐ, chủ sử dụng lao động rất phấn khởi bởi họ sẽ được hỗ trợ để khắc phục và vượt qua khó khăn. “Bộ Chính trị đồng ý hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là vấn đề lớn quốc gia, là chủ trương, đường lối của Đảng. Đây cũng là một trong những giải pháp tạo ra điều kiện tiền đề để thực hiện mục tiêu kép trong xu hướng phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Khi Bộ Chính trị đã có chủ trương thì việc bây giờ là quán triệt, Chính phủ giao cho Bộ LĐTB&XH xây dựng đề án tổng thể về hỗ trợ NLĐ và DN” – TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH nhận định.
Về phía các tổ chức đại diện cho NLĐ cũng rất phấn khởi khi Bộ Chính trị có chủ trương đúng đắn và kịp thời này, nhất là trong lúc nước sôi, lửa bỏng; mỗi ngày DN dừng hoạt động thì thiệt hại về kinh tế rất nhiều, kể cả NLĐ không có việc làm và thu nhập.
Triển khai nhanh chóng, hiệu quả
Để xây dựng đề án hỗ trợ NLĐ và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các chuyên gia lao động cho rằng, trước hết Bộ LĐTB&XH tổng kết và có đánh giá hai đợt Chính phủ đã hỗ trợ cho các đối tượng, từ đó nâng tầm của đề án mới. Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là xảy ra tại những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu chế xuất, khu công nghiệp – nơi có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước nên Bộ LĐTB&XH cần xác định đúng tình hình và đánh giá đúng tầm quan trọng của đề án mới. Đề án lần này phải được xây dựng, nâng lên ở tầm quốc gia.
Nhiều năm làm công tác an sinh xã hội, theo TS Nguyễn Hữu Dũng, cần xác định rõ mục tiêu, biện pháp cơ bản để hỗ trợ DN duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất. Ví dụ như hỗ trợ DN kinh phí làm khu nhà lưu trú cho công nhân. Đối với NLĐ, rất cần có việc làm cho họ, bên cạnh chính sách hỗ trợ bằng tiền, cần quan tâm đến chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất...
Chia sẻ về việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến nhận định, đây là cơ sở để chỉ đạo thống nhất, khắc phục một số hạn chế, khó khăn khi triển khai những chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lần trước. “Chúng tôi mong muốn chính sách hỗ trợ được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và kiên quyết hơn. Phải đặt mình vào vị trí của chủ sử dụng lao động đang bị khó khăn, thu hẹp sản xuất, NLĐ bị mất việc làm thì mới giải quyết được” - ông Vũ Minh Tiến nói.
Với các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang – nơi có nhiều DN, công ty và NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng đã gửi những đề xuất hỗ trợ tới Bộ LĐTB&XH để trình Chính phủ. Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh Bùi Hoàng Mai cho biết, tỉnh đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ cho DN và NLĐ. Với NLĐ, việc hỗ trợ rất quan trọng vì khi công nhân phải nghỉ việc thì không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Nhưng điều quan trọng mà các chuyên gia lao động, nhà quản lý, người sử dụng lao động, NLĐ mong muốn đầu tiên là việc hỗ trợ phải đến được đúng đối tượng. Và muốn đúng đối tượng thì phải rà soát thật cụ thể, chi tiết người được hưởng lợi để tiền hỗ trợ đến được đúng tay người đó. Bên cạnh đó, việc rà soát, thống kê đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng phải thực hiện nhanh chóng để chính sách sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, mang giá trị nhân văn sâu sắc.