Chuyển động Hà Nội

Hiện thực khát vọng phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

Trung Kiên 13:58 20/01/2025

Trải qua 40 năm Đổi mới, nền kinh tế nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, có ý nghĩa lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, Thủ đô cùng cả nước đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Hà Nội có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Bám sát phương châm “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô đã và đang cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

ha-noi-dinh-huong-phat-trien-thanh-do-thi-xanh-van-hien-van-minh-hien-dai-anh-pham-hung-.jpg
Hà Nội định hướng phát triển thành đô thị xanh, Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Nguồn lực, tiềm năng to lớn

Với bề dày ngàn năm lịch sử, đặc biệt là 70 năm xây dựng và trưởng thành từ ngày được giải phóng, hệ thống chính trị ở Thủ đô được bồi dưỡng, vun đắp, hoàn thiện; trở thành một khối vững chắc, là cơ sở đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Hà Nội cũng có nhiều lợi thế trong khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa, con người, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung di sản văn hóa lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Hà Nội hiện có 2.624 di tích được xếp hạng (chiếm khoảng 1/3 tổng số di tích xếp hạng của cả nước); 1.163 di tích/ cụm di tích xếp hạng quốc gia (chiếm ¼ tổng số di tích xếp hạng quốc gia của cả nước); 21 di tích/ cụm di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 1 di sản thế giới; 1.441 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Đồng thời, Thủ đô còn có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận (Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng và Bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám); 1.350 làng nghề và 1.700 lễ hội dân gian. Qua đây khẳng định Hà Nội càng có điều kiện, cơ hội khai thác, phát huy giá trị của hệ thống văn hóa phong phú để phát triển công nghiệp văn hóa, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2025 đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố và giữ vững khẳng định thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội còn khẳng định là trung tâm thu hút và hội tụ nhân tài của cả nước. Trên địa bàn Thành phố có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% tổng số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang sinh sống và làm việc, nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ. Đây chính là tiềm năng, nguồn lực vô giá giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới trong thời kỳ mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và đây cũng chính là những tiềm năng to lớn để khai thác, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bệ phóng thể chế để bứt phá

Được sự quan tâm của Trung ương và tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, ”, “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” cùng sự quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, Hà Nội đã, đang có nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: “Hiện nay, Hà Nội đã hội tụ đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để phát triển nhanh, bền vững, thực hiện đúng chức năng của Thủ đô như Trung ương đã đặt ra”.

1lanh-dao-thanh-pho-ha-noi-cung-cac-dai-bieu-an-nut-khai-truong-trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-thanh-pho..jpg
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cùng các đại biểu ấn nút khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.

Cơ sở ấy chính là Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đề ra định hướng phát triển đô thị Hà Nội. Trong đó, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông; xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai). Nghị quyết số 15/NQ-TW cũng nhấn mạnh việc xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

Các định hướng quan trọng được dựa trên cơ sở khoa học và dựa trên tổng kết thực tiễn lịch sử phát triển Thủ đô gắn với bối cảnh của thời đại và điều kiện hiện nay của Hà Nội trong Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đây cũng chính là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô. “Có thể nói Nghị quyết số 15 NQ-TW của Bộ Chính trị như một bản cương lĩnh mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định.

Luật Thủ đô 2024 (Luật số 39/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 28/6/2024 là một bước cụ thể hóa những tư tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo PGS. TS Vũ Văn Hà (Hội đồng Lý luận Trung ương), Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật riêng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước. Luật Thủ đô năm 2024 là đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động sâu rộng. Bộ luật đã có những điểm mới quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, huy động và khai thác các nguồn lực, thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao…, phù hợp với những đặc thù của Hà Nội và yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

“Luật Thủ đô năm 2024 được thực thi sẽ tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước. Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô năm 2024 là bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá” - PGS. TS Vũ Văn Hà khẳng định.

Mở ra nhiều không gian phát triển mới cho Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 12/12/2024, mở ra nhiều không gian phát triển mới cho Hà Nội. Trong đó nổi bật là phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển.

1cac-dai-bieu-nhan-dan-xem-quy-hoach-thu-do-ha-noi-tai-trien-lam-thanh-tuu-kinh-te-van-hoa-xa-hoi-cua-thu-do-70-nam-xay-dung-va-phat-trien-tai-bao-tang-ha-noi..jpg
Các đại biểu xem bản đồ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tại triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”.

Quy hoạch Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 27/12/2024 hướng đến Thành phố Hà Nội có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hóa, kết nối không gian số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn. Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, chính quyền thành phố đã đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đô thị, y tế, giáo dục và hành chính công. Hà Nội chính là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố - đơn vị hành chính đặc biệt, giúp UBND Thành phố Hà Nội giám sát toàn bộ các thủ tục hành chính, mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời mang lại sự phối hợp tốt hơn giữa các sở ngành và quận, huyện được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đây chính là cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển chính quyền số, xã hội số, công dân số, kinh tế thông minh của Hà Nội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, Luật Thủ đô năm 2024 cùng với Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của Thủ đô. Điều này sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thêm nữa, quản lý và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới. “Đó cũng là giấc mơ của không chỉ riêng tôi, của người dân Thủ đô, mà còn của nhân dân cả nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phong tục Tết qua một số ghi chép, văn thơ cổ
    Trong bản thảo “Nguồn gốc Tết Nguyên Đán ở Việt Nam” hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, học giả Trần Văn Giáp (1902 - 1973) cho rằng, người Việt ăn Tết Nguyên đán từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
  • Một thoáng ký ức Hà Nội xưa
    Nếu mang nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng vào ngăn ký ức của người Hà Nội, dễ sẽ thấy gói hàng Tết thời xa vắng, thấy chiếc áo chần bông xúng xính chờ cái rét ngọt để diện đi chơi… Thời gian có khả năng diệu kỳ, đôi khi có thể biến những khoảnh khắc tưởng chừng như thiếu thốn, khó khăn nhất trở thành tình cảm nhất, vui vẻ nhất; biến những điều răn dạy khắt khe nay trở thành lời vàng thước ngọc muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau…
  • Ấn tượng “Tết làng Việt” xuân Ất Tỵ tại làng cổ Đường Lâm
    Tham dự chương trình “Tết làng Việt” xuân Ất Tỵ ngày 18/1 (tức ngày 19 tháng Chạp), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại sứ, du khách trong và ngoài nước ngoài bày tỏ sự ấn tượng về không gian Tết Việt tại làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội).
  • Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT
    Với 200 học sinh đoạt giải, thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông (THPT).
  • Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam tại Ocean City chính thức "Thắp đèn - Bật Tết"
    Đây là lần đầu tiên tại Ocean City có một lễ hội diễn ra trong suốt 58 ngày, với chuỗi hoạt động quy mô lớn, bao hàm nhiều sự kiện khác nhau. Vinhomes và Sunny Vietnam - đơn vị tổ chức sự kiện cho biết "Ánh sáng phương Đông" là dịp tôn vinh nghệ thuật và văn hóa truyền thống độc đáo, mong muốn có thể mang văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực khát vọng phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO