Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên vỉa hè các tuyến đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Vũ Trọng Phụng..., chọn thời điểm mọi người hối hả đổ ra đường về nhà (từ 17 - 20 giờ), các đoàn biểu diễn xưng danh người khuyết tật lại dựng rạp, treo phông, bắc loa đài vừa hát nỉ non, vừa trưng hòm từ thiện quyên tiền ủng hộ. Trên các tấm phông vẫn in dòng chữ "Chương trình tình thương của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội".
Thế nhưng, theo ông Đỗ Trắc Lộc - Phụ trách hoạt động văn hóa nghệ thuật của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội: Hội chỉ thành lập Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, không có đoàn từ thiện nào khác; và Đoàn cũng chưa từng biểu diễn ngoài quận Đống Đa và Ba Đình. Vì vậy, các địa điểm mà báo chí phản ánh đều xác định là giả danh đoàn.
Gần đây nhất, cuối tháng 5/2017, Đoàn thanh tra liên ngành có xử phạt 1 triệu đồng một đoàn nghệ thuật xưng danh là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội, biểu diễn tại ngã 4 Hoàng Minh Giám – Lê Văn Lương vì không có sự thống nhất về địa điểm trên địa bàn quận. Thế nhưng, qua xác minh, ông Đỗ Trắc Lộc nhấn mạnh, những người này cũng mượn danh… Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội.
“Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long có 16 cháu khuyết tật tham gia biểu diễn. Đoàn chia làm 2 đội, mỗi đêm chỉ có 1 đội biểu diễn ngoài vỉa hè, các cháu còn lại ở nhà tập luyện hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Chính vì vậy, thực tế phản ánh 1 đêm mà có đến 6 - 7 đội của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội là không đúng sự thật” – ông Lộc cho biết. Theo quy định của Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, mỗi cháu sinh hoạt trong Đoàn nhận được 2,5 triệu đồng/tháng, có cán bộ chăm sóc. Cháu nào gom đủ 10 triệu, chúng tôi sẽ làm sổ tiết kiệm mang tên các cháu.
Ông Đỗ Trắc Lộc mong muốn các cơ quan chức năng quyết liệt làm rõ tình trạng giả danh này. Vì người bị khuyết tật cần tấm lòng sẻ chia của người khỏe mạnh, nhưng không phải theo cách ăn mày từ thiện.
Đề nghị không biểu diễn vỉa hè
Thời gian qua, với tinh thần chấn chỉnh lại hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ thiện đang diễn ra tràn lan trên các phố nhưng không được thỏa thuận địa điểm biểu diễn, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tại 5 quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng từ ngày 20 đến 30/5. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản 4 đoàn nghệ thuật. Hầu hết các đoàn khi kiểm tra đều không xuất trình được các giấy tờ cơ bản như: Giấy chứng nhận người khuyết tật, giấy cho phép biểu diễn…
Ví dụ như Trung tâm Nghệ thuật tình thương (Hội Người mù) biểu diễn tại ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng. Trong đoàn có 12 người (8 người khuyết tật), nhưng khi kiểm tra, không xuất trình được bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, không thông báo nội dung, không được chấp thuận địa điểm biểu diễn nên công an phường Mễ Trì đã thu máy phát điện và 2 bộ loa, yêu cầu người đứng đầu đoàn về trụ sở công an phường làm việc. Sau khi cơ quan quản lý làm chặt về các giấy tờ quy định, các đoàn này tìm cách chống đối. Tại đường Dương Đình Nghệ, hay ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng, dòng chữ Trung tâm Nghệ thuật tình thương (Hội Người mù) in trên phông bị xóa nham nhở, chỉ còn tên Chương trình kết nối yêu thương và không thuộc đơn vị nào quản lý.
Mặc dù ngành văn hóa cùng chính quyền địa phương có động thái kiểm tra, xử lý các hoạt động biểu diễn không đúng quy định của các hoạt động từ thiện, nhưng chưa xử lý dứt điểm được tình trạng biểu diễn tại vỉa hè, ngã ba, ngã tư nên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở những địa điểm có đoàn người khuyết tật biểu diễn.
Sau khi ghi nhận thực tế, với tinh thần tạo điều kiện cho người khuyết tật hoạt động văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ cuộc sống, nhưng Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện không chấp thuận cho dựng sân khấu biểu diễn nghệ thuật trên vỉa hè, ngã ba ngã tư các tuyến đường. Đó mới là kiến nghị của ngành văn hóa, còn việc thực hiện có triệt để lại phụ thuộc vào sự quản lý của từng quận, huyện, xã, phường… nơi tiếp nhận các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhân đạo.