Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã ký ban hành Công văn số 146-CV/TU về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Theo nội dung Công văn số 146-CV/TU, để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, chăm lo đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu toàn hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ động rà soát, cập nhật các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.
Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chung cư, nhà trọ, ký túc xá, khu nhà ở công nhân, nơi đang xuất hiện ổ dịch, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao... để sớm ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch lan rộng, bùng phát trở lại trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch.
Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn HĐND TP tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất. Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi, nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 phù hợp cho từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực đối với công nhân, người lao động, người dân, những hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vancine cho người dân. Trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát, ngăn chặn để xử lý nghiêm tình trạng nhập cảnh trái phép; phối hợp, quản lý, giám sát chặt công nhân, lao động, người đi từ vùng dịch về. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch.
Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, lừa đảo, trục lợi trong phòng, chống dịch. Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới; nhất là lợi ích của việc tiêm vắc xin, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị TP trong công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.