Sau khi được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới, khát vọng về một Thành phố sáng tạo được xây dựng trên nền tảng của Thành phố Vì hòa bình càng thêm mãnh liệt trong lòng người Hà Nội. Trong hành trình đi để đến đó, hơn một năm qua, không ít bước chân tự tin và bản lĩnh để hiện thực hóa khát vọng đã ghi dấu trên mảnh đất nghìn năm tuổi Hà Nội.
Đích để đến
Tròn 20 năm kể từ khi được vinh danh Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội lại vinh dự là một trong 246 Thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Đó là cơ hội vàng để định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững. Ngay trong đơn đệ trình UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh khát vọng vị thế Thành phố sáng tạo về thiết kế, đồng thời, khẳng định di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội. Tại cuộc tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo” diễn ra ngày 2/10/2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Hà Nội mang trong mình nhiều tiềm lực to lớn cần được thúc đẩy hơn nữa cho phát triển bền vững, trong đó sự kiện được UNESCO vinh danh là Thành phố Vì hòa bình, ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Hà Nội.
Để trọn vẹn lời cam kết với UNESCO, Hà Nội đã “chuẩn bị tư thế” để cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo. Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội xác định một trong những định hướng lớn để phát triển Thủ đô là phát triển Thành phố sáng tạo cùng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Đây được coi là đòn bẩy trong phát triển bền vững trên nền tảng Thủ đô nghìn năm tuổi, không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư mà còn giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra trong quá trình đô thị hóa.
Mục tiêu đặt ra hết sức rõ nét, đó là với định vị Thành phố sáng tạo, Hà Nội sẽ tham gia vào dòng chảy toàn cầu đưa sáng tạo trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, góp vào thực hiện mục tiêu chiến lược đề ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố. Cụ thể là đến năm 2025 đưa Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực ASEAN; đến năm 2030 Hà Nội trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045 đặt mục tiêu, Hà Nội có chất lượng sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Đó là khát vọng và niềm tin mà người dân cả nước gửi gắm vào Hà Nội.
Hiện thực hóa khát vọng
Hà Nội đã nỗ lực hết mình để phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Chẳng phải đến khi được ghi tên trong Mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội mới lên ý tưởng để hiện thực hóa khát vọng, mà ngay từ buổi ghi tên Thành phố Vì hòa bình, người Hà Nội đã dày công vun đắp cho ý tưởng sáng tạo.
Để cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái… hơn 20 năm qua, nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh, triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo góp phần hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, Thành phố thông minh, quỹ văn hóa… nhằm khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.
Cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội” đã được mở ra ngay sau khi đặt chân vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo với mong muốn huy động các sáng kiến để xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo văn hóa nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động mà Hà Nội tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của Thành phố, từng bước hiện thực hóa xây dựng các không gian sáng tạo, cộng đồng sáng tạo… hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để Hà Nội xứng đáng trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á. Giới văn nghệ sĩ Thủ đô thì hẹn hò nhau trong một cuộc bàn tròn với chủ đề “Phát huy vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo”. Họ “gọi” nhau viết, vẽ, sáng tạo về Hà Nội, đề xuất đầu tư các công trình như nhà sáng tác, không gian biểu diễn… để công bố tác phẩm. Đó là cách góp phần tạo nên một nền công nghiệp văn hóa, nằm trong hệ thống các ngành công nghiệp sáng tạo của Thành phố.
Những bước chân đầu tiên đã khai mở cho hành trình đến Thành phố sáng tạo của Hà Nội. Chặng đường đến đích vẫn còn dài, nhưng kho báu di sản và tri thức đã nắm trong tay, cam kết với UNESCO đã ở trong trái tim, chắc chắn Hà Nội sẽ rạng rỡ cùng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.