Tin tức

Hà Nội: Thu nội địa năm 2023 vượt 15% dự toán

Thu Trang 21:43 24/01/2024

Nhờ thực hiện quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm công tác thuế năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn do cơ quan thuế quản lý ước thực hiện được 373.679 tỷ đồng, đạt 115% dự toán pháp lệnh, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.

cuc-thue-ha-noi-2.jpg
Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố do cơ quan Thuế quản lý thu năm 2023 ước thực hiện 373.679 tỷ đồng, đạt 115% DTPL, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách tăng 22% so với cùng kỳ

Năm 2023, Cục Thuế Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hơn so với dự báo; khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô. Trong nước, tình hình kinh tế cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đã hồi phục, các cân đối lớn được đảm bảo; tuy nhiên, xu hướng thắt chặt chi tiêu, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, nguồn lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ động triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm với 8 nhóm giải pháp đã đề ra; với các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế, Cục Thuế khẩn trương tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận huyện, thị xã phối hợp với ngành Thuế triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, các sở ngành và các quận, huyện, thị xã trong công tác thu ngân sách; sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và Người nộp thuế trong việc nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; sự đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ công chức ngành thuế Thủ đô các nhiệm vụ, giải pháp đã đạt được kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố do cơ quan Thuế quản lý thu năm 2023 ước thực hiện 373.679 tỷ đồng, đạt 115% DTPL, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, số đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 19.275 người nộp thuế, số thuế được gia hạn là 15.671 tỷ đồng. 84.773 người nộp thuế thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia với số tiền được giảm 17.856 tỷ đồng.

Cũng trong năm qua, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đạt 8.595,4 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022. Cục Thuế chú trọng thực hiện thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao; triển khai thanh tra, kiểm tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu như doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, chuyển nhượng bất động sản... Toàn ngành ước hoàn thành 17.280/16.042 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 108% kế hoạch sau điều chỉnh. Tổng thuế truy thu, truy hoàn và phạt là 3.651 tỷ đồng.

Ước thu hồi và xử lý điều chỉnh nợ đọng đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số nợ ước đến thời điểm 31/12/2023 chiếm tỷ trọng 7,43% trên số thu ngân sách nhà nước năm 2023…

6 giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu

cuc-thue-hn-1.jpeg
Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội phát biểu. Ảnh: Nguyễn Tùng

Năm 2024, Cục Thuế thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao với mục tiêu trọng tâm là: Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN, chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu thông qua các nhóm giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, Luôn bám sát các chỉ đạo của Thành phố và của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách. Chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, NNT để xây dựng các kịch bản thu NSNN phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn để doanh nghiệp, NNT ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe, hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT. Theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách. Từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ban ngành địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Thứ hai, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT, thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NNT thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai tốt các gói chính sách hỗ trợ. Tạo môi trường cho doanh nghiệp, NNT nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng ứng dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền nhằm lắng nghe vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, NNT nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế.

Thứ ba, Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế; không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2024 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề như: Thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, hoàn thuế…; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an và các cơ quan liên quan tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Triển khai hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định. Tiếp tục tham mưu nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý; Thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội. Kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ tư, Tiếp tục rà soát các quy trình quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế, trong giải quyết TTHC thuế và quản lý nội ngành, hướng tới chuyển đổi số một cách toàn diện. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ thuế điện tử (đặc biệt là đối với hộ cá nhân kinh doanh). Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Triển khai nâng cấp phần mềm, hệ thống đáp ứng công tác quản lý thuế tiên tiến. Triển khai nâng cấp phần mềm, hệ thống đáp ứng công tác quản lý thuế tiên tiến.

Thứ năm, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo liên tục, đào tạo chuyên đề kết hợp kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của công chức thuế, trong đó nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung theo mục tiêu đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ và ngăn ngừa tiêu cực; Tăng cường và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ công chức trên cơ sở giáo dục ý thức và giám sát liên tục.

Thứ sáu, Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ.

Cần có giải pháp đặc biệt thu ngân sách ngay từ đầu năm, chống thất thu thuế

Biểu dương các kết quả của Cục Thuế thành phố Hà Nội đạt được trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị bước sang năm 2024, Cục thuế thành phố Hà Nội phải có giải pháp ngay từ đầu năm, đặc biệt liên quan đến chống thất thu; quản lý thu đúng, đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội cần quan tâm đến khoản thu từ đất và thu nợ. Nêu dẫn chứng năm 2023, khoản thu từ đất gặp khó khăn, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu Cục Thuế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị báo cáo để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp về quy trình, thủ tục... để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, vừa tăng thu từ đất. Về thu nợ, phải có giải pháp đề xuất, báo cáo với thành phố, phối hợp với các sở, ngành vào cuộc ngay từ đầu năm xem vướng ở đâu để tháo gỡ.

Cùng với đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thu với hộ kinh doanh. Công tác này cần được triển khai quyết liệt và toàn diện hơn, đặc biệt là với kinh doanh thương mại điện tử, bởi đây là lĩnh vực thu quan trọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cũng yêu cầu, Cục Thuế thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong công tác thu ngân sách; triển khai quyết liệt việc thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thu nội địa năm 2023 vượt 15% dự toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO