Hà Nội quyết tâm "vượt bão" Covid-19, đón vận hội mới

Thu Hà| 26/01/2022 08:59

Năm 2021, là một năm vô cùng khó khăn, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhận thức sâu sắc vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã và đang kiên trì, quyết liệt, nhất quán thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Nhân dịp bước sang năm mới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội xung quanh những chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Nội quyết tâm

PV: Thưa Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong suốt một năm vừa chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn xã hội và đời sống của người dân?

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Cũng như các địa phương khác, Đảng bộ và nhân dân TP. Hà Nội đang trải qua giai đoạn cam go khi phải ứng phó với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, đây cũng là giai đoạn chứng tỏ sức mạnh và bản lĩnh của toàn hệ thống chính trị của TP. Hà Nội, cũng như sự ủng hộ, niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp để đồng lòng vượt qua gian khó.

Ngay khi đối mặt với làn sóng dịch thứ tư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã vững vàng với những quyết tâm rất cao. Chỉ đạo thông suốt nhất quán từ Thành ủy Hà Nội tới tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân đó là bảo vệ Thủ đô bằng mọi giá. Trong mọi quá trình, phải đảm bảo huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt huy động được nguồn lực từ nhân dân.

Hà Nội đã chủ động thực hiện “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly nhưng không cực đoan và theo mô hình “3 lớp”. Nhờ đó, thành phố đã thần tốc truy vết, khoanh vùng, khống chế thành công những chuỗi lây nhiễm lớn; giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh, bảo đảm chuỗi cung ứng; duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nguồn thu, nguồn chi và an sinh xã hội.

Kinh nghiệm của chúng tôi rút ra trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là bình tĩnh đánh giá, dự báo chính xác tình hình để đưa ra giải pháp tương xứng; khi đã thống nhất giải pháp, phải thực hiện kiên quyết, kiên trì và rất linh hoạt. Có thể nói, kiểm soát được tình hình ở mức độ như hiện nay và vẫn duy trì nới lỏng các dịch vụ là thành quả rất đáng quý, là công sức, nỗ lực của cả cộng đồng. Chúng ta phải trân trọng và giữ gìn bằng được.

Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, các tổ chức..., lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19;...

Thành phố cũng xác định yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác chống dịch vẫn là tiêm phủ vaccine. Đặc biệt Hà Nội tiếp tục chủ trương, ưu tiên làm thật tốt công tác phòng, chống dịch từ cơ sở để ứng phó với tình hình đang ngày càng diễn biến khó lường. Thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, thị xã, nhất là phường, xã, thị trấn gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy tinh thần chủ động, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Tôi mong người dân toàn thành phố tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố, với tinh thần nhân văn sâu sắc “một người vì mọi người mọi người vì một người”.

PV: Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 10 Chương trình công tác lớn toàn khóa, đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về mục tiêu cũng như những giải pháp chiến lược để thực hiện hiệu quả 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy?

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ và tỏa sáng tinh hoa của dân tộc, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. 

Nhận thức sâu sắc, đầy đủ vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô, Đảng bộ TP. Hà Nội xác định 10 Chương trình công tác có tính hành động và quyết tâm chính trị cao, với tầm nhìn không chỉ cho một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà nhìn xa hơn, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể; phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới.

Đích hướng tới của những Chương trình này, Hà Nội xác định đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt từ 8.300 USD đến 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt từ 12.000 USD đến 13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, TP. Hà Nội xác định tiếp tục là Đảng bộ gương mẫu, tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giảm chênh lệch mức sống, mức thụ hưởng giữa khu vực đô thị và nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...

Trong đó, ba khâu đột phá cũng được thành phố xác định là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triên hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

PV: Cùng với phát triển kinh tế, Đại hội XVII Đảng bộ TP. Hà Nội tiếp tục khẳng định, nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Vậy Thành phố Hà Nội đã có những định hướng như thế nào để đưa văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô?

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Đại hội XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững” và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. 

Để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.

Trọng tâm là nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của Thành phố. Đồng thời, thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô.

Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và Chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng được Thành ủy (khóa XVII) xác định, gắn với từng bước hoàn thiện và phát triển bền vững thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn và sáng tạo trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII,  XIII)... 

Trong đó, đặc biệt tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, thúc đẩy xây dựng và phát triển văn hóa sáng tạo, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.

PV: Từ những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, bằng tầm nhìn mới, Thành phố Hà Nội đang quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Đồng chí có thể chia sẻ về vai trò của Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới?

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Nhiều năm qua, Hà Nội đã chủ trương ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Hiện nay, Thành ủy Hà Nội tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội là một nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội) làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng (khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm…), tạo ra nhiều việc làm mới, phát huy nguồn lực sáng tạo trong xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố; hướng tới mục tiêu từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045: Hà Nội “có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD”.

Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Chương trình số 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021 - 2025”, vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Theo quan điểm của Hà Nội, phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để khẳng định vị thế văn hóa Thủ đô, để sản phẩm văn hóa của Việt Nam nói chung và của Hà Nội tham gia và nắm giữ ưu thế cạnh tranh trên thị trường công nghệp văn hóa quốc tế, giúp gia cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là ưu tiên hàng đầu, là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế, một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững Thù đô, đất nước.

Phát triển công nghiệp văn hóa là vấn đề không mới với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng với Việt Nam, với Hà Nội là một bước đi quan trọng, nhằm định vị một hình ảnh mới tươi đẹp góp phần xây dựng đất nước, Thủ đô ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, để đưa Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa vào cuộc sống, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân Thành phố, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Tôi tin tưởng rằng đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức với tình yêu Hà Nội sâu sắc, sẽ luôn dành tâm huyết, không ngừng vươn lên, cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Thủ đô những giá trị văn hóa mới đặc sắc, góp phần sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc Thăng Long - Hà Nội, tạo nên thương hiệu hấp dẫn và định vị  ưu thế cạnh tranh cao trên thị trường công nghiệp văn hóa trong khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, thay mặt Đảng bộ và chính quyền Thành phố tôi xin gửi tới đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc các bác, anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức luôn giàu sức khỏe và hạnh phúc, tràn đầy năng lượng sáng tạo và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, giàu tính nhân văn và nghệ thuật cao, chung tay, góp sức và đồng hành cùng Thành phố trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.  

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết tâm "vượt bão" Covid-19, đón vận hội mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO