Hà Nội là trung tâm hành chính chính trị quốc gia, là trung văn hoá, trái tim của cả nước; nơi quy tụ nhiều cơ quan, tổ chức, người dân khắp các tỉnh thành của cả nước và người nước ngoài về sinh sống, làm việc, học tập, tham quan du lịch. Vì vậy, việc triển khai tốt, đồng bộ, quyết liệt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tất cả các cơ quan thuộc thành phố và tại nơi công cộng trên địa bàn thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết, Hà Nội đang đứng trong top 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hài lòng đang ở trị trí 30/63 tỉnh thành trên cả nước. Nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “Hà Nội phải dẫn đầu cả nước trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ về kinh tế và đặc biệt, đây là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, nghìn năm văn hóa, hào hoa và thanh lịch, văn hiến, anh hùng”. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Đào Xuân Dũng khẳng định, Thành phố rất quan tâm tới thực tế công tác thực hiện và kết quả triển khai 02 bộ quy tắc ứng xử đã ban hành. Hà Nội lấy văn hoá là nguồn lực, là động lực thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử này chính là góp phần vào xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nghĩa tình, hào hoa. Để đạt được những mục tiêu đó, nội dung của 02 bộ quy tắc ứng xử cần được tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục sao cho thẩm thấu trong từng cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và phải trở thành nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt mỗi ngày của từng cán bộ, công chức Thủ đô. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử là động lực trong cải cánh hành chính tại các cơ quan đơn vị trực thuộc Thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, bao gồm các lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường… Thông qua báo cáo cho thấy, Đảng uỷ và Ban Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường đã nghiêm túc chỉ đạo, lãnh đạo, quán triệt thực hiện quy tắc ứng xử của Thành phố; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện tại cơ quan. Qua triển khai thực hiện đã nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc thực hiện quy tác ứng xử của công chức, viên chức, người lao động. Hàng năm đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung nội dung cách thức triển khai cho phù hợp; cố gắng giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại của công dân theo quy định. Sở đã xây dựng mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng.
Ghi nhận tại bộ phận một cửa Sở Tài Nguyên và Môi trường, cán bộ thực hiện mặc đồng phục đúng quy định; có đeo thẻ tên, thẻ công chức đầy đủ; giao tiếp niềm nở, tận tình, trách nhiệm, trong đó ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, khuyết tật, phụ nữ mang thai; nghiêm túc nhận lỗi, khuyết điểm, gọi điện xin lỗi công dân khi chưa xử lý công việc đúng thời gian đã hẹn trả cho công dân…
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực địa công tác triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của Thành phố tại các cơ quan, đơn vị trên nguyên tắc không gây xáo trộn, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức Thủ đô có trách nhiệm thực hiện nghiêm bộ quy tắc ứng xử, đồng thời tuyên truyền để công dân hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân khi đến giao dịch tại các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã đạt được trong triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của Sở Tài nguyên và Môi trường, còn một số tồn tại cần khắc phục như: tình trạng một số công chức, viên chức chưa tự giác thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm; việc phát hiện, đề xuất và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện quy tắc ứng xử và văn hoá công sở vẫn còn hạn chế; tài liệu hồ sơ vẫn còn để quá nhiều xung quanh nơi làm việc gây mất an toàn phòng chống cháy nổ; nhiều phòng làm việc của cán bộ, công chức vẫn còn thiếu ánh sáng...