Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, PCI đã đi qua 14 năm, vì sự phát triển của doanh nghiệp và trở thành thước đo, biểu thị sự nỗ lực và hoạt động chỉ đạo, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như là để chính quyền cấp tỉnh “soi vào”.
Kết quả lần này dựa trên sự tổng hợp, đánh giá về cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh năm qua và hoàn toàn khách quan thông qua khảo sát hơn 12.000 doanh nghiệp, gồm gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh và hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng tổng sắp, với 70,36 điểm (trên thang điểm 100), kế đến là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng... Các tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn, Kon Tum... đứng cuối bảng.
Đáng chú ý, với quyết tâm chính trị cao, sự quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, TP Hà Nội đã vươn lên thứ 9 (tăng 4 bậc so với năm ngoái) và lần đầu tiên đứng trong top 10 của bảng, tạo dấu ấn đáng ghi nhận.
Theo đánh giá của VCCI, kết quả năm 2018 đã có sự tiến bộ đáng kể, thể hiện những chuyển biến tích cực trong việc tự giác cải thiện chất lượng điều hành, môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Trong đó, mức độ lạc quan, khát vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ổn định và có xu hướng cải thiện. Đơn cử, 49% doanh nghiệp dân doanh và 56% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.
Các xu hướng tích cực đã xuất hiện, gồm: Chi phí không chính thức của doanh nghiệp giảm từ 66% năm 2015 xuống 55% năm 2018; tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức giảm từ 11% xuống 7% năm 2018; việc ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, gây khó cho doanh nghiệp tư nhân giảm từ 39% xuống 32%; tính ưu tiên cho thu hút đầu tư nước ngoài hơn phát triển kinh tế tư nhân giảm từ 49% xuống 37%...
Đặc biệt, 75% đơn vị được hỏi đánh giá cán bộ, công chức làm việc hiệu quả (so với 67% năm 2015); tương tự, công chức có thái độ thân thiện đạt 68%; 69% cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn...
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự cầu thị, tập trung nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh một cách kịp thời, thiết thực hơn từ các cấp thẩm quyền.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi từ cấp địa phương. Quan trọng nhất là đã tạo ra bước chuyển về nhận thức của cấp chính quyền tỉnh/thành phố, trong đó xác định mục tiêu phục vụ doanh nghiệp kịp thời, thiết thực.
Song, vẫn còn một số hạn chế, những nút thắt cần nhận diện để tháo gỡ triệt để. Đó là, 53% doanh nghiệp cho rằng thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là việc quan trọng trong kinh doanh, 34% doanh nghiệp xác nhận gặp khó khi xin chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 19% doanh nghiệp khó tìm nguồn đất sạch...
Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sở dĩ tỉnh đạt được ngôi vị quán quân là nhờ sự quyết tâm và kiên trì cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất. Tỉnh đã hợp tác với tổ chức tư vấn quốc tế, nghiên cứu, triển khai các công việc quan trọng, chủ yếu nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn dân doanh và khuyến khích mô hình hợp tác công - tư.
Ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, dù đạt vị trí đầu bảng nhưng lãnh đạo tỉnh không chấp nhận tâm lý thỏa mãn, xác định tinh thần năng động, tập trung nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp cũng như xác định mục tiêu tiếp tục tìm dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp...
Hà Nội lọt TOP 10 - động lực để thành phố tiếp tục nỗ lực cải thiện thứ hạng trong PCI
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc thăng hạng của Hà Nội lần này đánh dấu bước chuyển lớn và mở ra giai đoạn mới để chấm dứt “Hà Nội không vội được đâu”. Ông Lộc nhận định, Hà Nội có thể phát huy đà tăng tốc, trở thành đô thị có sức cạnh tranh hàng đầu ASEAN trong tương lai gần...
Chia sẻ ý kiến trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét, thực tế cho thấy, Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua; thể hiện rõ tinh thần cầu thị, quyết tâm thay đổi thứ hạng và trên hết là vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền, các cơ quan hữu quan của thành phố.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, bài học rút ra từ một số địa phương dù không có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý hoặc tiềm năng nhưng vẫn chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng là do ý thức của đội ngũ lãnh đạo; nơi nào chính quyền quan tâm, vào cuộc vì doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, kết quả công bố tại sự kiện thể hiện rõ sự nỗ lực phấn đấu của thành phố trong những năm qua, nhất là năm 2018. Cụ thể, trong 6 năm gần đây, Hà Nội đã tăng hàng chục bậc và đứng thứ 9 trong lần công bố này. Cải thiện thứ bậc trong PCI là ưu tiên, sự quan tâm hàng đầu của tập thể lãnh đạo thành phố Hà Nội trong việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên thực tế, lãnh đạo thành phố luôn theo sát diễn biến đời sống doanh nghiệp, đưa ra những kế hoạch, công tác cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp một cách thực chất. Hiện nay, thời gian đăng ký doanh nghiệp đã giảm 31,5%; 100% doanh nghiệp đăng ký thành lập, 98,4% doanh nghiệp nộp thuế qua mạng.
"Thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, xác định sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo và mục tiêu hành động... Hà Nội sẽ kiên trì mục tiêu cải thiện thứ hạng trong PCI, không hài lòng với những gì đạt được để nỗ lực phấn đấu trên tinh thần trách nhiệm, bền bỉ", Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản khẳng định.
Chính quyền thành phố sẽ tập trung vào việc đáp ứng mặt bằng sản xuất, giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ doanh nghiệp hiệu quả hơn...
Theo kết quả chỉ số PCI năm 2017, một số chỉ số thành phần của Hà Nội còn xếp hạng thấp. Thành phố đã giao nhiệm vụ cải thiện cho các sở, ngành đầu mối để triển khai các biện pháp khắc phục.
Kết quả là, để cải thiện chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, Sở Kế hoạch - Đầu tư tích hợp 4 dịch vụ tiện ích phục vụ doanh nghiệp; tích cực triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh, hợp tác xã, triển khai hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”.
Đối với chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 99,35%...
Đối với chỉ số “Thiết chế pháp lý”, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, công khai thông tin đầy đủ, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp...
Từ các giải pháp đồng bộ trên, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Năm 2018 là năm thứ ba Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”; trao quyết định chủ trương đầu tư cho 71 dự án với tổng vốn đầu tư 71 tỷ USD. Năm 2018, tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 340.000 tỷ đồng, tăng hơn 10%; 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 10,48%.
Lần đầu tiên Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với 7,5 tỷ USD. Riêng từ ngày 1-1-2019 đến 14-3-2019 đạt 4,04 tỷ USD, gấp 21,9 lần so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2018 có hơn 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 260.000 tỷ đồng...
Như vậy, trong "cuộc đua" PCI lần này, Hà Nội đã được định danh, gợi mở những sáng kiến, khơi dậy niềm khát khao vươn lên, cải thiện thứ bậc trong bảng xếp hạng và phấn đấu vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp hiệu quả, thực chất hơn nữa.