Chuyển động Hà Nội

Hà Nội là địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng sớm nhất

Kim Thoa (T/h) 07:48 20/06/2023

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị.

tham-nhung20230619124247.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội (ảnh: kinhtedothi.vn)

Tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Các Ủy viên Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Những kết quả tích cực bước đầu của Ban Chỉ đạo

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc thành lập và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư; Trao đổi, thảo luận, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. 

Hội nghị cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngày 10-5-2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ngay sau đó, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tạo thuận lợi cho các tỉnh ủy, thành ủy thành lập các Ban Chỉ đạo.

Đến ngày 5-8-2022, chỉ sau gần ba tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập, trong đó 3 địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa. Ngay sau khi được thành lập, với sự hướng dẫn kịp thời của Trung ương, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để thống nhất triển khai hoạt động.

Báo cáo tóm tắt sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước.

Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương.

Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 03 lần so với thời điểm 01 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam ta được hoàn thiện thêm một bước mới.

Hà Nội là địa phương thành lập sớm nhất Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Theo báo cáo sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thành ủy Hà Nội nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Theo đó, Hà Nội đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và được Trung ương đánh giá là địa phương sớm nhất cả nước thành lập Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ hoạt động. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác để hoạt động của Ban Chỉ đạo đi vào nền nếp. Chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các chỉ đạo, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương.

Đồng thời, đã đưa nhiều vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai 4 cuộc kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó Trưởng, Phó các đoàn kiểm tra, giám sát là Trưởng, Phó ban Chỉ đạo của Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo Thành ủy đã đưa 60 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 9 vụ án, vụ việc. Đến nay, Ban còn chỉ đạo xử lý 51 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Cấp ủy các đảng bộ trực thuộc đã kiểm tra đối với 1.722 lượt khi có dấu hiệu vi phạm đối với 13 tổ chức đảng và 12 đảng viên có liên quan; Đã hoàn thành 9/13 cuộc kiểm tra và qua kiểm tra phải thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 10 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 142 lượt tổ chức đảng và 360 đảng viên; Kết luận 53 tổ chức đảng và 204 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng và 147 đảng viên. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy trực thuộc thi hành kỷ luật 22 tổ chức đảng và 1.262 đảng viên.

Các cơ quan hành chính của TP triển khai 497 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 99,13 tỷ đồng; Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 76 tập thể và 145 cá nhân. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các Sở, ngành đã phát hiện và xử phạt 81,822 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm hành chính. Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chuyển 170 vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đến cơ quan điều tra. Khởi tố, điều tra 70 vụ án/267 bị can phạm tội về tham nhũng, tiêu cực; Truy tố 37 vụ án/83 bị can; Xét xử sơ thẩm 32 vụ/192 bị cáo về các tội tham nhũng, tiêu cực...

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Ban sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm, tiêu cực và kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hỡ, dễ lợi dụng và giám sát việc thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cấp chính quyền. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ; các quy chế, quy trình xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị.

Ban tập trung chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; Những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy chỉ đạo, giải quyết.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 15 Chuyên đề theo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 56-ĐA/TU ngày 25/11/2019 của Thành ủy; Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Nội chính Thành ủy để làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội là địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng sớm nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO