Hà Nội coi CNTT là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, chú trọng đào tạo nhân lực tay nghề cao
Ngày 24-4, Đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương do Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã khảo sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị số 37-CT/TW về đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn TP Hà Nội.
Ông Trần Xuân Hà - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai hạ tầng CNTT đồng bộ, ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao, đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT;
Chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực CNTT, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin và hợp tác quốc tế.
Về ứng dụng CNTT, Hà Nội luôn nằm trong top đầu về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT.
Kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAX index) trong 3 năm 2015 đến 2017, nâng cao vị trí xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Hà Nội.
Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành, hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 100%;
Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư cho 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của thành phố.
Tại Hà Nội, CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực như: Y tế, văn hóa, giáo dục, tài nguyên- môi trường, tài chính, ngân hàng, hải quan... phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo Chỉ thị 37, sau 5 năm thực hiện, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP hà Nội đã có những bước phát triển mạnh.
Hà Nội trở thành một trong những thành phố đi đầu cả nước về số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thức, quy mô và chất lượng đào tạo, đảm bảo cung cấp nhân lực có chất lượng không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chất lượng của các cơ sở đào tạo bước đầu đã có hiệu quả ở một số dự án đầu tư nghề trọng điểm được đầu tư như: Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc xây dựng chương trình, giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập, tiếp nhận học viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trình độ trung cấp nghề trở lên tăng hàng năm trình độg kỹ năng tay nghề của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên. Khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp;
Ở một số nghề nghiệp và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số người có việc đạt trên 90%, đặc biệt có ngành nghề đạt 100%.
Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2014-2018, toàn thành phố Hà Nội đã có 116.624 lao động được tham gia học nghề.
Có 100.772 lao động nông thôn (chiếm 86,6%) được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau khi học nghề.
Ông Trần Xuân Hà cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
Đặc biệt, TP sẽ tập trung đầu tư trọng điểm 4 trường cao đẳng công lập để trở thành trường chất lượng cao với một nghề trọng điểm được đề nghị đầu tư gồm trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; trường cao đẳng nghề Việt Nam- Hàn Quốc TP Hà Nội; trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Đồng thời, sẽ nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới áp dụng trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TP Hà Nội.
Đánh giá cao những kết quả Hà Nội đã đạt được trong 5 năm qua, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho hay: "Về ứng dụng CNTT, Hà Nội là một trong ít địa phương triển khai đồng bộ, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ví dụ, Hà Nội đã quản lý được dữ liệu dân cư với 7,5 triệu người; Xây dựng được chính quyền điện tử để ứng dụng hành chính công cấp độ 3,4 các tuyến; Bước đầu xây dựng thành phố thông minh và từng bước đáp ứng CMCN 4.0.
"Doanh thu CNTT 10,1 tỷ USD là minh chứng cho thấy Hà Nội rất quan tâm đầu tư CNTT, khu công nghiệp CNTT. Thành phố coi đây là một ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng"- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về dịch vụ, tiện ích CNTT để người dân sử dụng, thay vì hàng triệu người dùng Facebook thành thạo nhưng không dùng dịch vụ hành chính công mức độ 3,4.
Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đánh giá cao việc Hà Nội quan tâm đầu tư đào tạo nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Để đáp ứng nhu cầu lao động trong tình hình mới, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hà Nội nghiên cứu, đưa ra "bức tranh" dự báo nguồn nhân lực đến năm 2025 và các năm tiếp theo để từ đó giao nhiệm vụ, đặt hàng với các đơn vị đào tạo. Đây là việc Hà Nội cần đi đầu.