Gỡ khó trong xây dựng trường học công lập

HNM| 09/04/2019 11:30

Thời gian qua, dù được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội quan tâm nhưng việc xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học công lập trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Qua đợt giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố tại một số địa phương cho thấy, nghịch lý nơi có đất thì thiếu tiền, nơi có tiền thì thiếu đất đang đặt ra trong phát triển trường học công lập, cần có giải pháp khắc phục.
Gỡ khó trong xây dựng trường học công lập
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát bếp ăn tại Trường Mầm non thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh.

Nghịch lý thiếu đất và thiếu vốn

Thuộc vùng lõi của nội thành nên quận Hai Bà Trưng gặp nhiều khó khăn trong phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất các trường học công lập. Đến nay, quận mới có 41/64 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (chiếm 64%). Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt, thực tế, quận không thiếu nguồn lực, mà đa số khó khăn do thiếu quỹ đất để xây dựng mới, hoặc mở rộng trường. Từ năm 2016 đến nay, UBND quận đã triển khai 25 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 638 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa, mở rộng các trường học. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, quận sẽ dành kinh phí, quỹ đất tiếp tục đầu tư xây mới, mở rộng một số trường, trong đó tập trung vào những phường đông dân, có nhiều nhà chung cư như Vĩnh Tuy, Minh Khai…

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, hiện tại, quận có 44 trường học công lập phân bố đều ở 11 phường. Tuy nhiên, với quy mô dân số tăng nhanh, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao về số lượng và chất lượng, các trường công lập không đáp ứng được yêu cầu, trong khi địa bàn quận cũng rất khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường mới, mở rộng trường cũ. Vì thế, đến kỳ tuyển sinh, nhiều trường phải chịu áp lực do số lượng học sinh đăng ký vào học lớn hơn so với khả năng tiếp nhận.

Khó khăn ở các quận trái ngược với khó khăn của các huyện. Giai đoạn 2016-2020, huyện Mê Linh dự kiến triển khai 71 dự án đầu tư mới cho giáo dục và nâng cấp cơ sở vật chất các trường với tổng số tiền 1.502 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2016 đến nay, UBND huyện mới triển khai khởi công được 44 dự án với tổng mức đầu tư 905 tỷ đồng. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, huyện không gặp khó khăn về quỹ đất như các quận, nhưng nguồn ngân sách thì thực sự thiếu. Cùng với khó khăn trong đầu tư xây dựng mới, trên địa bàn huyện còn nhiều trường đến hạn và quá hạn công nhận lại đạt chuẩn quốc gia nhưng thiếu vốn nâng cấp, sửa chữa để đạt tiêu chí, được công nhận lại.

Tương tự, huyện Ứng Hòa có 25 trường đã đến hạn và quá hạn công nhận lại đạt chuẩn quốc gia, nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng. “Trong số 25 trường cần công nhận lại, thì có đến 20 trường phải đầu tư mới từ đầu mới có thể đạt chuẩn quốc gia”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ. 

Cần nhiều giải pháp

Qua giám sát thực tế, nhiều thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố chia sẻ với những khó khăn của các quận, huyện trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trước nghịch lý quận có tiền thì thiếu đất, huyện có đất thì thiếu tiền, một số huyện đã kết nghĩa với quận, vận động hỗ trợ vốn xây dựng trường học cho địa phương. “Hiện tại, huyện Thanh Oai đã thực hiện được mô hình này và huyện Mê Linh cũng đang triển khai vận động đơn vị quận kết nghĩa với huyện để hỗ trợ phát triển trường công lập - đây là giải pháp tốt nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục”, bà Phạm Thị Thanh Hương nhận định.

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, ngoài việc các khu dân cư hiện hữu thiếu trường học, thì tại các khu đô thị thuộc các quận cũng ít chủ đầu tư quan tâm đến việc xây dựng công trình hạ tầng xã hội thiết yếu theo quy hoạch, trong đó có trường học. Vì thế, đề nghị UBND thành phố khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư, cần có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành (Thanh Xuân có 3 trường mầm non, nhà trẻ ở các khu đô thị đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa bàn giao cho quận quản lý). Đặc biệt, thành phố cần quy định cụ thể việc các khu chung cư, khu đô thị mới phải được quy hoạch, xây dựng đủ trường học theo nhu cầu, trong đó ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường công lập; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng trường học sang mục đích khác.

Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng, việc hoàn thiện mạng lưới trường học phù hợp thực tế rất quan trọng với những quận nội đô. Vì thế, các quận cần rà soát quy hoạch về trường, lớp dài hạn; kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển. Đối với các huyện, cần đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có tại các trường học từ mầm non đến trung học, qua đó xác định kế hoạch nơi nào cần xây mới, cải tạo, đầu tư… Riêng đối với các trường học cần công nhận lại về đạt chuẩn quốc gia, các huyện nên bố trí có trọng điểm, tránh dàn trải, dẫn đến nhanh xuống cấp, khó khăn cho việc công nhận lại những lần tiếp theo.
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó trong xây dựng trường học công lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO