Giúp 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững

Theo Hanoimoi| 15/07/2020 16:05

Sáng 15-7, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì phối hợp với Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội.

Giúp 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đại biểu chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tham dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thủ đô Hà Nội có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương; hơn 400 đại biểu trong nước, quốc tế cùng gần 10.000 đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Giúp 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Giúp 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững

Báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát trình bày tại hội nghị cho thấy, sau khi Chỉ thị số 40-CT/TƯ được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Đến nay, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội; chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Năm năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TƯ. Đến nay, đã giải ngân 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững...

Hà Nội bổ sung gần 3 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng chính sách trong 5 năm

Tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, tín dụng chính sách xã hội luôn được Thành ủy quan tâm và coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác. Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TƯ, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch; 100% quận, huyện, thị xã đều ban hành các văn bản để triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn thành phố.

Giúp 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tham luận tại hội nghị.

Thành ủy cũng đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, hằng năm bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 30-6-2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đạt 4.047 tỷ đồng; riêng trong 5 năm qua đã bổ sung gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ. Bên cạnh nguồn vốn được ủy thác từ ngân sách thành phố, 100% quận, huyện, thị xã đã quan tâm, bố trí ngân sách cấp mình để bổ sung vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cấp mình.

Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được triển khai đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn của thành phố. Qua 5 năm, đã có trên 600.000 lượt hộ cận nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn; 235.000 lượt người được vay vốn để giải quyết việc làm; 17.600 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; qua đó giúp trên 193.000 lượt hộ thoát nghèo. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã cho vay để xây dựng mới và cải tạo trên 3.000 công trình vệ sinh và nước sạch nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 4.000 nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019); có 9 quận, huyện không còn hộ nghèo...

“Những kết quả này đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của thành phố trong việc hoàn thành và về đích trước chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước. Thành phố cũng tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội để quản lý và cho vay. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ

Phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư, qua đó đã phát huy những tác dụng nhân văn của tín dụng chính sách xã hội. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp đã góp phần tích cực, chung sức trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, những định hướng đã nêu tại Chỉ thị số 40-CT/TƯ đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đồng chí cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ trong thời gian tới. Đó là tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng “đen”… Qua đó, tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước.

Tại hội nghị, Ban tổ chức trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 15 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương. Ủy ban Dân tộc cũng khen thưởng hàng trăm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giúp 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO