Giữ nếp làng ở Yên Sở

HNM| 04/07/2021 07:23

Là vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đang hoàn thiện các tiêu chí để trở thành phường trong tương lai gần. Thế nhưng, bên cạnh sự đổi thay về diện mạo, Yên Sở vẫn giữ được nét đẹp mộc mạc, thân thương của làng quê Bắc Bộ truyền thống với nhiều công trình kiến trúc cổ, nghi lễ, những quy tắc, luật lệ truyền thống và nhiều nét văn hóa riêng có.

Giữ nếp làng ở Yên Sở
Người dân Yên Sở trồng thêm cây dừa để giữ nét đặc trưng của “làng Dừa” (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Nét đẹp từ ngôi làng cổ

Người ta thường nói” “Yên Sở nhất làng, nhất xã”. Tức là làng cũng chính là xã, xã nằm trong làng. Theo các cụ kể lại, thuở xa xưa làng Yên Sở mang tên là Cổ Sở, có tên nôm là Kẻ Giá (còn gọi là Giá Lụa) vì nơi đây có cánh bãi phù sa sông Đáy rộng gần 170ha chuyên trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa; lại có bến Cổ Sở nơi giao lưu buôn bán sầm uất. Chẳng thế mà người dân Yên Sở xưa kia được đánh giá là giàu có trong vùng. Dân gian từng lưu truyền câu “Thóc Lại Yên, tiền Kẻ Giá, cá Kẻ Canh” là vậy.

Chẳng những giàu có, đất Yên Sở còn có truyền thống văn hóa lâu đời. Phương ngôn có câu “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”. Rước Giá nổi tiếng với tích “nghiềm quân”, rước kiệu trong lễ hội từ mùng 10 đến 12 tháng Ba (âm lịch). Đây là ngày hội tưởng nhớ người anh hùng - Tướng công Lý Phục Man đã có công lớn giúp Lý Bôn dựng cờ khởi nghĩa năm 542 đánh đuổi giặc Lương ở phương Bắc và quân Lâm Ấp ở phương Nam, dựng nên nước Vạn Xuân - nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên của dân tộc ta ở thế kỷ VI.

Ngày nay, Yên Sở vẫn còn lưu giữ được Quán Giá và Rừng Giá với diện tích hơn 6ha, là nơi yên nghỉ và tôn thờ Tướng công Lý Phục Man. Di tích Quán Giá và Rừng Giá đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Không chỉ có vậy, làng Giá xưa (nay là xã Yên Sở và Đắc Sở) còn được biết đến với những di tích đặc biệt “đình không xà, làng có 73 giếng”. Các giếng cổ được xây dựng từ rất lâu đời, có cấu tạo giống hệt nhau. Thành giếng xếp bằng đá, đáy giếng lót phiến gỗ lim chắc chắn. “Không ai biết giếng được xây dựng từ thời nào nhưng nhiều giả thuyết cho rằng giếng có từ thuở Tướng công Lý Phục Man đuổi giặc” - ông Nguyễn Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở cho biết.

Không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống, nhắc tới Yên Sở là nhắc cây dừa và nghề làm bánh gai. Tương truyền, từ giữa thế kỷ VI, dưới triều vua Lý Nam Đế, sau khi chiến thắng quân Lâm Ấp, bắt được hàng nghìn tù binh Chiêm Thành, võ tướng Phạm Tu - Lý Phục Man đã mang dừa phương Nam về trồng trên quê hương mình. Rất nhiều dừa trồng quanh làng nên Yên Sở còn được gọi với cái tên trìu mến “làng Dừa”.

Không chỉ có những công trình kiến trúc độc đáo, Yên Sở còn là mảnh đất có nhiều phong tục đẹp. Từ năm 1995, Yên Sở đã thông qua “Quy ước Làng Văn hóa Yên Sở”. Quy ước này kế thừa những giá trị tốt đẹp trong bản Hương ước cổ của làng, có bổ sung những điều khoản cho phù hợp với quy định của pháp luật. Quy ước gồm 6 chương, 63 điều, quy định khá đầy đủ những việc được và không được làm của người dân. Đặc biệt, quy ước nhấn mạnh đến các vấn đề về văn hóa, đạo đức, đạo lý gia đình, vệ sinh môi trường, trật tự trong làng xã...

Giữ nếp làng ở Yên Sở
Gia đình ông Nguyễn Xuân Nông ở thôn 7 vẫn giữ được vườn dừa.

Bảo tồn nét đẹp truyền thống

Truyền thống lịch sử, văn hóa là nền tảng để xã Yên Sở phát huy, đạt nhiều kết quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phát triển lên phường trong tương lai.

Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở, ông Nguyễn Đăng Hoan đã chứng kiến từng bước đi của Yên Sở trong nhiều năm. Ông Hoan chia sẻ: Xã xác định đi đôi với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao vẫn phải giữ lại bằng được nét đặc trưng của làng. Chính vì vậy trong rất nhiều năm qua, địa phương vẫn không ngừng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê.

Trong 26 năm qua, Quy ước làng Yên Sở đã phát huy tác dụng rất tốt, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ. Thực hiện Quy ước này, các gia đình cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn đã xác định rõ bản thân và gia đình phải giương mẫu đi đầu. Đến nay, hầu hết đám cưới ở xã đều được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn với hình thức trang trọng, tiết kiệm; đối với đám tang các cụ trên 80 tuổi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đứng ra làm tang lễ. Năm 2020, 96% số người quá cố trên địa bàn xã đã được hỏa táng, Yên Sở là địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao nhất huyện Hoài Đức. Những chuyện khác như nuôi động vật, đổ rác đúng nơi quy định... được nhân dân thực hiện khá tốt.

Bảo tồn nét văn hóa làng chính là bảo tồn không gian văn hóa truyền thống. Ngày nay, Yên Sở còn giữ được khoảng 30 giếng cổ. Do có nước máy nên những giếng làng cổ không còn nhiều công năng sử dụng, người làng vẫn nâng niu giếng làng. Chính quyền và nhân dân thống kê từng giếng, xây khuôn viên sạch sẽ, làm rào chắn thép để bảo vệ giếng và bảo vệ trẻ em; tôn tạo giếng và quét dọn quanh khu vực nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích của làng.

Được gọi với cái tên thân thuộc là “làng Dừa”, đã có lúc cây dừa có mặt tại khắp mọi nơi ở Yên Sở, từ vườn nhà cho đến quanh ao hồ, đường giao thông. Thế nhưng, do quá trình đô thị hóa, số lượng dừa trong làng giảm dần. Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Yên Sở đã vận động nhân dân trồng lại những hàng dừa xanh. Đến nay, xã đã trồng được hơn 100 cây tại các vị trí đất công như nhà văn hóa, trường học..., nâng tổng số cây dừa toàn xã lên khoảng 300 cây. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Nông, ở thôn 7, vẫn giữ được cả 1 vườn dừa. Lá dừa còn được người dân sử dụng làm hộp đựng bánh gai - nghề truyền thống ở làng.

Cũng từ tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm mà người dân Yên Sở luôn đồng thuận cao khi thực hiện các việc chung của làng. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong 5 năm gần đây, xã Yên Sở đã huy động được 230 tỷ đồng để nâng cấp 60 tuyến đường giao thông, hệ thống tiêu, thoát nước; các ao hồ trên địa bàn được kè và có đường dạo xung quanh, có cây bóng mát, đèn chiếu sáng. Các thôn trong làng đều có nhà văn hóa khang trang với đầy đủ thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng và vui chơi...

Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa cho biết: Cuối năm 2014, xã Yên Sở được UBND thành phố Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; đầu năm 2021 xã lại được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu đạt các tiêu chí lên phường năm 2022. Yên Sở hiện có hơn 300 người là giáo viên, gần 300 xưởng mộc và khoảng 1.000 thợ xây dựng. Năm 2020, tổng thu toàn xã đạt 671 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng, xã không còn hộ nghèo. Dù đời sống kinh tế đi lên nhưng người dân Yên Sở vẫn sống chân chất, tình nghĩa; giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng quê giàu truyền thống bên dòng sông Đáy.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Tháng Năm về quê Bác
    Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả... Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Tháng Năm về quê Bác" của tác giả Nguyễn Xuân Việt.
  • Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
    Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.
  • “Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm
    Anbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách "Hãy nói rằng con cần mẹ" – cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Đây là tác phẩm tiếp nối hành trình nghiên cứu và chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên – một vấn đề đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
  • Chuỗi sự kiện đặc sắc kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 16/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại" với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa.
  • Sư đoàn Phòng không 361 – 60 năm xứng đáng danh hiệu "cận vệ đỏ" canh giữ bầu trời Thủ đô
    Sáng 17/5, tại Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19/5/1965 – 19/5/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
    Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhận tác phẩm dự thi từ nay đến tháng 7/2025.
  • Chiêm ngưỡng di sản Phật giáo thời Lý qua công nghệ số
    Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), đồng thời kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á và Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ”.
Giữ nếp làng ở Yên Sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO