Giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh: “Phải đi thì mới thành đường”

Gia Phú| 06/08/2019 08:10

“Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật. Tất cả chỉ là con số không, trong khi đời sống mỹ thuật, thị trường mỹ thuật trong nước đã bắt đầu phát triển, giao lưu, trao đổi…” - Nhận định của họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng là trăn trở của không ít giới nghề khi bàn về vấn đề này.

Giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh: “Phải đi thì mới thành đường”
Năm 2018, bức tranh giả chữ ký của cố họa sĩ Giáng Hương (tranh lụa bên phải)
gây ồn ào trong dư luận.

Bắt đầu từ con số không
Hoạt động giám định là nhu cầu thực tế, cần thiết để xác định tính nguyên gốc của tác phẩm, bản quyền tác giả trong các hoạt động mua bán kinh doanh khi chúng ta đã tham gia hội nhập quốc tế. Ở các nước có thị trường mỹ thuật, thì đều có các tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm để tác phẩm đó tham gia vào hoạt động mua bán, đấu giá. Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giám định tác phẩm mỹ thuật đều là các đơn vị tổ chức phi Chính phủ hoặc tư nhân, chứ không do cơ quan Nhà nước thực hiện. 
Tại Việt Nam, xuất phát từ thực tế tranh, ảnh giả mạo tác giả, sao chép không đúng quy định vi phạm bản quyền… đang tác động xấu đến thị trường tranh, ảnh nghệ thuật của Việt Nam cũng như nước ngoài; nhu cầu cần có đơn vị làm công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đang trở nên rất bức thiết mà chưa có cá nhân, đơn vị nào đứng ra thực hiện công tác giám định, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề xuất, đề nghị với Lãnh đạo Bộ VHTT&DL bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật – nhiếp ảnh cho Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh thuộc Cục.
Đầu tháng 12 năm 2018, Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh đã chính thức đi vào hoạt động. Việc Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh chính thức đi vào hoạt động theo hình thức dịch vụ công không chỉ đáp ứng nhu cầu của đời sống mỹ thuật, nhiếp ảnh mà còn hứa hẹn góp phần tích cực, giúp cho thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam trở nên lành mạnh hơn, công khai và minh bạch hơn. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vẫn chưa chính thức lập hồ sơ giám định thành công tác phẩm nào. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, mới chỉ có 7 trường hợp đem tranh đến giám định và chỉ nhìn bằng mắt thường cũng đã phát hiện là tranh giả, người đề nghị giám định cũng đã rút tranh về chứ không quay lại để thực hiện giám định theo đúng quy trình.
Giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh: “Phải đi thì mới thành đường”
Thị trường mỹ thuật ngày một phát triển đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Ảnh: Đặng Thủy
Từ góc nhìn ở lĩnh vực nhiếp ảnh, nhà phê bình Nguyễn Thành băn khoăn: “Giám định tác phẩm là việc xác định đó là bản gốc hay bản sao chép, xác định chữ ký, phong cách sáng tác, bút pháp…, xác định việc sao chép, sử dụng toàn phần hoặc một phần tác phẩm gốc là cả một vấn đề.  Còn đối với nhiếp ảnh thì mọi thắc mắc nhìn chung xoay quanh giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị kinh tế. Bởi rất ít nhà nhiếp ảnh sống được bằng nghề. Ít ai bỏ ra chục triệu để thẩm định bức ảnh của mình với giá 1 triệu đồng. Thị trường nhiếp ảnh thì èo uột, chưa sôi động. Giá trị bức ảnh tính bằng tiền không lớn nên việc bỏ tiền ra để thuê thẩm định rất hiếm hoi”.

“Phải đi thì mới thành đường”
Theo giới chuyên môn, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay đang đứng trước 3 khó khăn lớn, đó là: Thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có thì cũng rất sơ sài, chung chung khó áp dụng; Tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không ai chịu ai, ai cũng cho mình là giỏi là hiểu biết và không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài” đang là suy nghĩ đè nặng trong nhiều người; Các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng để làm các kiểm tra kỹ thuật hiện phải hoàn toàn nhờ vào con người và máy móc của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.
Để khắc phục được những “trở ngại” này là điều không dễ, nhất là với Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật còn “non” về tuổi đời và “thiếu” nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật như hiện nay. Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và triển lãm bày tỏ mong muốn các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự phát triển của mỹ thuật, của thị trường mỹ thuật với hoạt động giám định và đấu giá, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập và tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm sớm rút ra khỏi phạm vi hoạt động này theo như thông lệ quốc tế (Việt Nam có lẽ là nước duy nhất trên thế giới công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện).
Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Bản quyền tác giả và tổ chức giám định hoặc giữa Vụ Pháp chế với tổ chức giám định để cùng thống nhất các nội dung nhằm bảo vệ tốt quyền lợi cho tổ chức, cá nhân có tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Bùi Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, để trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả hơn, cần nghiên cứu xây dựng và xuất bản hồ sơ nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ. “Hồ sơ nghệ sĩ với ý nghĩa là kho lưu trữ tài sản trí tuệ của nghệ sĩ liên quan mật thiết đến lịch sử nghệ thuật, phê bình, giám tuyển và thẩm định nghệ thuật. Việc quan tâm, chú trọng xây dựng hồ sơ nghệ sĩ không chỉ là một cách để bảo đảm tài sản trí tuệ mà còn là sự tiếp cận quảng bá thương hiệu tới công chúng một cách hữu hiệu công việc và nghệ thuật của các nghệ sĩ” - bà Mai cho hay.
Có thể nói “gỡ khó” cho hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vậy làm sao có thể khắc phục những “trở ngại”, để công tác giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh trở thành liều "thuốc đặc trị" cho “căn bệnh” vi phạm bản quyền rõ ràng đó là một vấn đề  rất lớn không dễ gì có thể khắc phục được ngay trong một sớm một chiều. Nói như họa sĩ Vi Kiến Thành, dù rằng hoạt động của trung tâm chỉ bắt đầu từ con số 0 thì vẫn phải duy trì vì “có đi thì mới thành đường”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Giám định tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh: “Phải đi thì mới thành đường”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO