Giải thưởng văn học - những góc nhìn…

Nhị Hà (thực hiện)| 15/03/2018 21:22

Mấy năm qua, sau mỗi kỳ cuộc giải thưởng văn học thường để lại nhiều ồn ào của dư luận, có khi vì chất lượng cũng có khi vì tác giả từ chối hoặc sự thiếu khuyết của một lĩnh vực nào đó. Đầu xuân, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đã dành cho báo Người Hà Nội cuộc trò chuyện thẳng thắn và đầy thú vị xoay quanh câu chuyện này.

Giải thưởng văn học -  những góc nhìn…
Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017 đều chọn được giải thưởng thơ. 
PV: Ý kiến của nhà phê bình trước những mùa giải thưởng văn học nước nhà được trao đều đặn trong nhiều năm qua?

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng:Giải thưởng văn học, cũng như các ngành nghệ thuật khác, trao thường niên/hay các cuộc thi, là một hoạt động bình thường của các tổ chức văn học nghệ thuật hiện nay. Một công việc bình thường nhưng ở nước ta gần đây xem ra trở nên bất bình thường. Cái sự bất bình thường này, theo tôi, phát sinh bởi quan niệm về giải thưởng. 

Ngày trước các cụ nhà ta sáng tác nghệ thuật đâu có nghĩ đến nhuận bút và giải thưởng. Nghệ thuật vô tư đã để lại những di sản bất hủ. Ngày nay, dường như người viết vừa mới đặt bút đã lập tức nghĩ ngay đến nhuận bút, giải thưởng. Thế nên cái tâm và cái tầm không xa hơn cái mũi. Trong mười nghìn ngày khói lửa chiến tranh chống Pháp và Mỹ (1945 - 1975) các thế hệ cha anh viết trong chiến hào, viết giữa hai cơn sốt rét, viết trong máu lửa nào có nghĩ đến những cái như bây giờ mà bất kỳ ai liều lĩnh cầm bút là lập tức nghĩ đến đầu tiên danh tiếng, lợi lộc, giải thưởng.

Đôi khi, với không ít người, giải thưởng là một thứ xiêm áo, trang điểm hợp thời, để đánh bóng mình, thậm chí đôi khi hù dọa những người yếu bóng vía. Chúng ta đang nghĩ ra quá nhiều giải thưởng trên tất cả các lĩnh vực đời sống tinh thần, vì thế tâm lý “hóng hớt giải thưởng” là tất yếu. Nó là hệ lụy của sự chệch hướng văn hóa trong đời sống. Càng ngày các giải thưởng càng mất ý nghĩa của nó, nhất là trong các cuộc thi người đẹp. Giải thưởng, theo ý nghĩa thông thường và phổ biến, là nhằm vinh danh thành quả lao động sáng tạo của con người. Vì thế nó mang ý nghĩa thiêng liêng, cao cả. Cách tổ chức giải thưởng ở ta còn rất luộm thuộm, thiếu khoa học, nặng về tính phong trào, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng và hiệu quả xã hội.

Giải thưởng văn học -  những góc nhìn…
PV: Ông thấy sao khi năm qua giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam đều không chọn được giải thưởng thơ trong khi đó lại xum xuê ở giải Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam? 

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng: Trong  văn học cũng có khái niệm “mùa màng” như trong sản xuất của cải vật chất vậy. Nghĩa là cũng có mất mùa, được mùa. Trong sản xuất nông nghiệp chẳng hạn, mất mùa đôi khi là do thiên tai. Nhưng trong sản xuất tinh thần thì chủ yếu do nhân tai. Chúng ta đang được mùa (như trong mơ) bóng đá, nên có mất mùa thơ thì cũng là bình thường. Ai đó đã viết rằng hiện thời “không có thơ” là hoàn toàn chính xác. Một “Thi Quốc” như Việt Nam mà bây giờ không có thơ. Thật đáng buồn. Cái thực trạng này từ đâu mà có? Khi con người mải mê chạy theo vật chất, khi chỉ biết sống theo triết lý thực dụng, thì thơ ca sẽ không xuất hiện, không cất cánh bay lên được. Và nguy hại nhất là khi nhà văn thiếu căn cốt văn hóa thì sẽ không có được cái nhìn của đại bàng khi bay cao bay xa.

Những thời kỳ rực rỡ của Thơ mới (1930 - 1945), thơ chống Pháp và Mỹ, thơ Đổi mới thời kỳ đầu nay chỉ còn là “vang bóng một thời”. Các cây bút non nớt đang cố tình a dua theo các mode thời thượng (nào là hậu hiện đại và đủ chiêu trò khác), đã biến thơ chỉ còn là “xác chữ”. Thậm chí có người nói quá lên rằng thơ bây giờ là “thơ thẩn” (có người mỗi năm viết hàng mấy trăm bài thơ trên facebook, rồi kéo xuống in thành sách!). Nhà thơ nếu không có tầm vóc “cùng xương cùng thịt/ cùng đổ mồ hôi/ cùng sôi giọt máu với nhân dân” (Xuân Diệu), thì ít nhất cái tâm phải sáng với đời, với người. Người cầm bút mà tâm không sáng thì còn đâu văn chương. Chưa nói đến cái thảm trạng thơ có thể “chết yểu”, như là những hồi kẻng báo động. Tuy nhiên vẫn còn một số nhà thơ bám trụ đời sống, nặng lòng với đời, với người, nhưng họ là thiểu số. Nhưng chừng nào chúng ta còn nghiệp dư hóa văn chương và thơ ca thì lúc đó thơ vẫn cứ nhì nhằng, lưng chừng, đứt nối nửa vời như bây giờ.

PV: Còn hiện tượng “chạy” giải, không nhận giải, phát hiện đạo thơ, phát hiện những tiêu cực trong quá trình thẩm định giải... ở các giải thưởng văn học (ở trung ương hay địa phương) thì sao, thưa ông?

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng: Thơ ca xưa nay vẫn được coi là một ngôi đền thiêng. Có nhà thơ trước khi làm thơ còn thắp hương khấn vái tổ tiên phù hộ. Khi tác phẩm ra đời lại về thắp hương xin lộc. Vậy mà có ai đó “chạy” giải thưởng thì thật là đổ đốn. Có người muốn chơi trội thì không nhận giải khiến Ban Tổ chức khó xử, còn người đó thì trở nên nổi tiếng (cũng là một kiểu đốt đền, chơi trội). Rồi đạo văn đạo thơ, rồi đủ chuyện như thể một “xã hội ba đào ký” (chuyên mục trên báo trước 1945 mà nhà văn Nguyễn Công Hoan thường viết). Không thể nói là không có tiêu cực trong chấm giải đó đây theo lợi ích nhóm,...Tất cả những điều “sái” ấy phơi bày một hiện trạng mất kiểm soát trong mọi lĩnh vực, không riêng văn học. 

PV: Theo ông, vì điều gì mà các tác phẩm được giải thưởng (thường niên hay trong các cuộc thi) thường cất kho, rất ít cuốn tạo được dư luận?

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng: Nếu có hiện tượng các tác phẩm được giải thưởng văn học “nằm im”, công chúng không hề biết đến, không tạo được dư luận cũng là điều dễ hiểu. Một năm Bộ Khoa học & Công nghệ chi ra hàng ngàn tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Nhưng không ít công trình sau khi nghiệm thu thì án binh bất động, bụi phủ trong kho tàng thư, thậm chí có công trình còn bị đề nghị thanh lý,... Khoa học công nghệ cũng như văn học nghệ thuật của chúng ta sản xuất ra còn xa rời thực tiễn. Các chủ thể hì hục (sau khi nhận được hỗ trợ tài chính) làm ra cái mình muốn nhưng không biết làm ra cái xã hội cần. Khoa học kỹ thuật phải phục vụ đời sống.

Văn học nghệ thuật cũng vậy, phải coi đời sống thực tiễn là nơi xuất phát và cũng là mục tiêu đến.  Không ít nhà văn hiện nay có một quan niệm cực đoan coi văn học là một “trò chơi vô tăm tích”, nhiều người thì nống lên coi văn học là một “trò chơi ngôn từ”, thậm chí là cách giải phóng mặc cảm và uẩn ức cá nhân theo sự đòi hỏi của nhục cảm,... Giải thưởng văn học đúng nghĩa, theo tôi, chưa thể có vì nằm trong tình trạng không đúng nghĩa của các giải thưởng hiện nay đang có. Trong sự suy thoái của văn hóa nói chung hiện nay kéo theo sự suy thoái của các giải thưởng, trong đó có giải thưởng văn học. Nói như thế là theo tinh thần “thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng”.

PV: Vậy chất lượng giải thưởng văn học, những câu chuyện “lùm xùm” vào mỗi kỳ cuộc trao giải đã phản ánh điều gì trong câu chuyện sống và viết hôm nay, thưa ông?

Nhà phê bình văn học Vùi Việt Thắng: Tình trạng văn hóa xuống cấp kéo theo nhiều hệ lụy. Văn học cũng đang xuống cấp. Nó không còn là người bạn đường của nhân dân như trong thời kỳ cách mạng và chiến tranh. Nó thiếu sức mạnh cổ vũ, nâng đỡ con người vượt lên gian khổ, khát vọng chiến thắng. Văn học dường như chỉ còn là của nhà văn. Nếu nhân dân vĩ đại quay lưng với văn học thì vì nó nhợt nhạt, sáo rỗng hoặc không đau mà kêu, không buồn mà than. Vấn đề “sống đã rồi hãy viết” đôi khi bị ai đó coi là xưa cũ  nay lại được đặt ra nóng hổi thời sự nhân câu chuyện về chất lượng giải thưởng văn học và những chuyện “lùm xùm” xung quanh.

Thật đáng buồn câu chuyện “sống” như thế nào lại được đặt ra với nhà văn như bài học vỡ lòng ABC,... Nhà văn ta đang sống ảo, chìm đắm và mê mẩn trong mạng xã hội, dựa vào internet, nên đã đưa vào tác phẩm một hiện thực cuộc sống giả - không mùi vị, âm thanh, đường nét, màu sắc. Một thứ văn học thiếu cảm hứng lớn, thiếu đại khí. Nhà văn viết ra tác phẩm chỉ còn xác chữ, thiếu mất cái hồn đời. Phương châm đến những nơi tiên tiến viết về những con người tiên tiến bị coi là giáo điều. Nhà văn cố thủ trong cái hang ổ của cá nhân mình, đào bới nội tâm, quanh đi quẩn lại chỉ lấy bản thể ra mà mổ xẻ. Viết ra lại lo chạy giải thưởng, đi tìm hào quang giả, hãnh diện bởi những bộ xiêm áo tân kỳ nhưng rẻ tiền,... Tất cả những điều đó khiến nhà văn quên đi thiên chức của mình – là tri âm tri kỷ với đời với người bằng nghệ thuật ngôn từ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng văn học - những góc nhìn…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO