Giải cứu 11 phu vàng thoát khỏi 'địa ngục trần gian'

Nguyễn Phúc/TNO| 12/05/2018 10:15

Sống ở vùng rẻo cao Quảng Trị, những thanh niên dân tộc ít người dứt áo đi tìm kế sinh nhai nơi xa xứ...

Giải cứu 11 phu vàng thoát khỏi 'địa ngục trần gian'
Nhóm thanh niên Quảng Trị được lực lượng chức năng giải cứu trong đêm tối
ẢNH: THANH LỘC
Nào đâu, nơi họ được đưa đến là những hầm lò tối tăm, bị đòn roi để tuân theo mệnh lệnh. Ở đó, đối với những thanh niên chất phác lần đầu đi khỏi bản làng, miếng cơm cho vào miệng nghe mặn, tanh cả mùi máu và nước mắt.
Sáng 17.4, ở trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị xuất hiện 11 thanh niên (tuổi đời chỉ từ 18 - 33) mắt còn hằn lên sự thất thần. Họ chỉ vừa được những người lính biên phòng Quảng Trị giải cứu, đưa về trụ sở chăm sóc từ đêm trước. Bằng không, có lẽ giờ này, hoặc họ vẫn còn bị hành xác trên những hầm vàng hoặc co ro ở một lán trại nào đó ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) dọc đường trốn chạy...
Mơ "việc nhàn, lương khá"
Cả 11 thanh niên vừa được giải cứu đều sinh ra ở xã A Vao, xã vùng cao biên giới hoặc xã Tà Rụt, thị tứ nằm ở chút mút của H.Đakrông (Quảng Trị, một trong 64 huyện nghèo nhất nước). Dù nghèo, dù khó nhưng mọi sự hẳn sẽ bình yên đối với những đứa con của núi rừng Đakrông ấy nếu như một ngày không có một người tên Nhất (chưa rõ lai lịch) và một người tên Giang (nói giọng Quảng Nam) xuất hiện. Họ lần lượt bước lên từng ngôi nhà sàn, ngồi quanh bếp lửa và kể cho những thanh niên vốn đang thèm khát một công việc và muốn thoát ra khỏi bản làng nghèo khó này, về một địa điểm “trong mơ”. Nơi chỉ cần nghe tên cũng thoáng nghĩ về sự... giàu sang: bãi vàng.
Hồ Văn Hinh (19 tuổi, một trong 11 thanh niên vừa được giải cứu) nhớ lại những lời đường mật: “Hai người đó kêu chỉ cần đi theo họ mà không cần chuẩn bị gì cả. Họ nói đi làm vàng, lương 4 - 6 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn, ở cùng lời hứa là việc không mấy vất vả, chế độ đãi ngộ tốt”.
Tin lời, ngày 3.4, 11 thanh niên ở A Vao, Tà Rụt đã ký tên, điểm chỉ vào đơn xin việc đã soạn sẵn rồi leo lên chiếc xe khách từ thị tứ Tà Rụt (H.Đakrông) vào tận trụ sở Công ty TNHH Phước Minh tại TT.Khâm Đức (H.Phước Sơn, Quảng Nam). Lần đầu đi xa khỏi bản làng với một công việc hứa hẹn, hết thảy họ có ngờ đâu, đó là những bước đi đầu tiên của mình vào... "địa ngục trần gian".
Hành xác trong hầm vàng
Gần như ngay lập tức, 11 thanh niên vùng cao Quảng Trị được “biên chế” vào khu vực mỏ vàng ở Khe Muối (xã Phước Thành, H.Phước Sơn) sau khi tiếp tục ký vào hợp đồng lao động đã soạn sẵn mà không hề biết nội dung của hợp đồng.
Run rẩy kể lại những tháng ngày bầm dập, hết thảy những chàng trai vừa được giải cứu đều khẳng định nơi họ đến khác xa với lời hứa đường mật dạo nọ. Rằng, ở bãi vàng, mỗi ngày họ phải làm việc quần quật nhiều ca (từ 5 - 11 giờ, từ 13 - 17 giờ, từ 17 - 23 giờ và từ 1 - 5 giờ). Ở đây, ngày nghỉ là điều xa xỉ, kể cả đó là lúc ốm đau.
“Lao động trong hầm sâu nhưng chúng tôi hoàn toàn không có đồ bảo hộ. Nhiều khi bưng bát cơm lên không buồn ăn, phần vì quá mệt mỏi, phần vì cũng chẳng có thức ăn gì... Ở quê nghèo khổ thật nhưng cũng có miếng thịt heo, con cá chứ ở đây hoàn toàn không”, Hồ Văn Nân, chàng trai vừa tròn 18 kể lại.
Giải cứu 11 phu vàng thoát khỏi 'địa ngục trần gian' - ảnh 1
Lao động trong các hầm vàng luôn cực khổ và tiềm ẩn nhiều mối nguy
Chưa hết, không riêng gì với đám “lính mới” ở Quảng Trị vào mà nhất cử nhất động của những nhân công làm việc ở hầm vàng này đều được đám bảo vệ (quê gốc Nghệ Tĩnh) có thái độ rất hung hãn, sẵn sàng đánh đập nếu có ai làm trái ý. Trở về từ mỏ vàng Khe Muối, anh Hồ Văn Hùng (33 tuổi, trú thôn Ba Lin, xã A Vao) vẫn còn bị đau bởi bị dính mấy cú đấm của những kẻ bảo kê ở đó, nguyên nhân chỉ vì khi bị gọi dậy làm việc, anh Hùng chưa kịp tỉnh táo. Còn với Hinh, chàng trai trẻ cũng bị dính nhiều bạt tai vì làm việc mệt mỏi dẫn đến ngủ gật. “Chúng em bị quản lý rất chặt, chỉ quanh quẩn ở lán và chỗ đi vệ sinh. Chỉ cần đi quá giới hạn cho phép chúng em sẽ bị đánh. Hầu như ai cũng bị đánh đập. Chúng em đi làm vừa mệt vừa sợ. Cảm giác hoang mang đến tột cùng”, Hinh kể.
Chưa hết, theo lời những người được giải cứu thì tiền lương họ cũng chỉ được trả vỏn vẹn 116.000 đồng/ngày. Thấy công việc vất vả, ăn uống không đảm bảo, tiền lương cũng không được nhận, không cho tạm ứng... nên số thanh niên Quảng Trị đã “ngây thơ” xin nghỉ việc và lập tức bị khước từ. Từ đây, thậm chí họ còn bị đưa vào “tầm ngắm” quản lý chặt hơn...
Cuộc trốn chạy và giải cứu
12 giờ trưa 12.4, không chịu đựng nổi sự hành hạ ở bãi vàng, lợi dụng giờ nghỉ, nhóm 11 người đã cùng nhau bỏ chạy vào rừng. Cả nhóm chạy băng cắt thật nhanh xuyên qua những cánh rừng bằng đôi chân trần, áo quần rách tơi tả... Hinh cho hay, trong những người bỏ chạy có em trai mình là Hồ Văn Tài hiện đang bị lạc và 1 người bị bắt lại. 10 người còn lại chia thành 2 nhóm chạy bạt mạng, không định hướng. “Lúc bỏ chạy vào rừng chúng em phải ăn lá cây, uống nước suối cầm cự, chân tay, quần áo bị cây rừng cào rách bươm, máu me đau ê ẩm, dù có thấy nhà dân nhưng không dám vào cầu cứu vì sợ là người của công ty sẽ bắt lại”, Hinh kể.
Còn cậu thanh niên 18 tuổi tên Nân thì nhớ lại rằng chỉ một lát sau, cuộc trốn chạy đã vỡ lở, bảo vệ của công ty đào vàng đã phát hiện và tổ chức truy đuổi, họ mang theo dao, gậy, xẻng... với quyết tâm bắt mọi người cho bằng được và hò hét rộn cả một vùng rừng núi.
Phải đến ngày 13.4, thông tin về cuộc hành xác, trốn chạy của những lao động ở A Vao mới đến được với Đồn biên phòng Pa Lin từ lời cầu cứu của các gia đình nạn nhân. Nhận thấy sự việc hết sức nghiêm trọng, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã giao Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm của đơn vị làm rõ với chủ công là tổ 5 người tức tốc đi Quảng Nam.
Trao đổi với PV, thiếu tá Bùi Đình Lợi, Trưởng ban điều tra, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Quảng Trị, tổ trưởng tổ công tác cho biết ngay trong sáng 14.4, tổ đã khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh và BĐBP tỉnh Quảng Nam để điều tra xác minh. Cùng thời điểm, tổ công tác nhận được điện thoại của các nạn nhân báo tin có 5 người đang trú ẩn ở lán trại bảo vệ Nhà máy thủy điện Đắk Min 3 (thuộc xã Phước Chánh, H.Phước Sơn, cách mỏ vàng 60 km) nên lập tức đến đưa về. “Khai thác nhanh từ 5 nạn nhân, chúng tôi xác định có thêm một nhóm 5 người khác đã bỏ chạy về khu vực xã Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam) và tiếp tục giải cứu thành công. Sau đó, tổ công tác tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Phước Minh giải cứu thêm 1 thanh niên nữa cho về quê”, thiếu tá Lợi kể.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Giải cứu 11 phu vàng thoát khỏi 'địa ngục trần gian'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO