Gặp “tiên ông” dưới chân núi Tản Viên

Đăng Chung| 03/05/2018 09:13

Năm nay 95 tuổi, còn 5 năm nữa là bách niên, cụ Phạm Thọ Tầng ở phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) ngày ngày vẫn một mình lặn lội, phóng xe máy vèo vèo, đôi chân nhanh nhẹn đi khắp núi rừng tìm về các phương thuốc quý, nghiên cứu ra hàng trăm bài thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Hơn thế, cụ lại còn bỏ tiền cả một đời tích cóp xây lên những ngôi nhà trọ khang trang làm nơi nghỉ cho những bệnh nhân ở xa mỗi khi tìm đến điều trị.

30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Trước khi được trực tiếp gặp được cụ Tầng, tôi cứ nghĩ, khéo khi việc chữa bệnh miễn phí kia được “thổi phồng” phần nào cho một nghĩa cử chứ làm gì có người nào tốt đến mức như thế. Nhưng được gặp cụ Tầng rồi tôi mới hiểu rằng: Lời đồn thổi mới chỉ diễn tả được một phần công việc cao thượng ở đời và lòng nhân ái của một lão ông. 

Đáng lẽ ở vào ngưỡng tuổi này, hầu hết người già dễ bị chứng mất ngủ, bệnh tật, ốm đau, mắt mờ chân chậm, chẳng ngờ cụ Tầng lại còn dẻo dai hơn, sức khỏe trường niên như cây tùng cây bách. Một mình cụ có thể phóng bon bon trên chiếc xe máy 82 đằng sau chở bệnh nhân. Cụ thường nói với lớp trẻ, sức khoẻ là vốn quý. Nhưng sức khoẻ lại do tâm sinh và tuỳ tâm diệt cho nên phải sống lành mạnh, sống nhân ái sẽ át tất bệnh tật. 

Gặp “tiên ông” dưới chân núi Tản Viên
Ở tuổi “xưa nay hiếm” cụ Phạm Thọ Tầng vẫn bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ảnh: Đăng Chung.
Tiếng cụ Tầng đã được biết đến từ dạo cụ còn là cán bộ ngành y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau ngày nghỉ hưu, về địa phương, thấy những người nghèo thiếu thốn, nỗi đau đớn khi bị bệnh tật dày vò cứ ám ảnh cụ Tầng mãi. Thế là sẵn có tay nghề, cụ liền bắt tay vào công việc chữa bệnh cứu người. “Mỗi lần đi khám bệnh, thấy mọi người đau đớn không có tiền chữa bệnh, trong lòng tôi dâng lên bao xót xa, thấy như có hình ảnh của tôi, người thân của tôi ở đó. Phòng khám của tôi không ngoài mục đích khác là chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người cô đơn, quả phụ, gia đình chính sách. Những hộ gia đình nghèo được địa phương chứng thực đều được chữa bệnh miền phí hoàn toàn. Người ở xa, tôi có thể hỗ trợ miễn phí để họ ăn ở, khám chữa bệnh tại nhà - cụ Tầng tâm sự”.

Cụ Tầng vốn là một chiến sĩ quân y của Sư đoàn 321. Người chiến sĩ Điện Biên ngày ấy biết bao lần vào sinh ra tử, bị địch bắt tù đày những tưởng không còn trở lại nữa. Chiến tranh kết thúc, cụ Tầng tiếp tục duy trì công việc bốc thuốc cứu người rồi làm đến chức Viện trưởng Viện Điều dưỡng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Vừa đi học lớp đông y ở trường Học viện Y học cổ truyền về, ông Phạm Thọ Lịch, con trai cả của cụ Tầng nói: “Tôi bao giờ cũng có mong muốn nối nghiệp cha tôi. Ông là người nhân hậu, hiền lành, chất phác, cả đời sống chan hoà giữa mọi người. Hình ảnh ông ngày ngày đi chữa bệnh cứu các bệnh nhân nghèo đã tác động mạnh mẽ vào suy nghĩ của tôi, là niềm tin lớn lao để chúng tôi sống xứng đáng với sự hi sinh của cha. Phòng khám này bao năm qua trở thành địa chỉ quen thuộc cho khắp các bệnh nhân tìm đến. Nếu cho thuê cũng được cả chục triệu đồng nhưng cụ nhà tôi không cho thuê, lấy đó làm địa điểm để phục vụ bệnh nhân nghèo”.

Đưa cho tôi một tập giấy chứng nhận hộ nghèo, gia đình chính sách được chính quyền địa phương viết tay và có dấu đỏ, cụ Tầng xúc động nói: "Cả hàng trăm, hàng nghìn người đến chữa bệnh chứ chẳng ít. Họ đều vượt qua được nghịch cảnh. Hạnh phúc nhất là mỗi người khỏi bệnh họ lại gọi điện đến chia sẻ, thậm chí là ghé thăm tôi luôn. Có người thành đạt, giàu có, sau quay trở lại, họ ủng hộ để cùng tôi xây dựng khu nhà trọ miễn phí”. 

Anh Nguyễn Văn An, huyện Đồng Văn, Hà Giang tâm sự: "Tôi là người dân tộc Sán Dìu, bị bệnh tiểu đường mười mấy năm nay, chữa đủ các loại thuốc chỉ đỡ chứ không khỏi. Bệnh tật triền miên đã ảnh hưởng đến công việc lao động. Nhà đông con, cuộc sống khó khăn, tiền thuốc thang cũng chẳng có, may mắn tôi được một người trên huyện giới thiệu cụ Tầng chuyên chữa bệnh cho người nghèo như chúng tôi. Tôi ở xa xuống, đường xá không quen, gia cảnh neo nghèo, cụ Tầng giúp đỡ tôi rất nhiều. Cụ cấp phát thuốc miễn phí, tạo cho chỗ ở gọn gàng. Tôi điều trị ở đây được 2 tháng thấy bệnh thuyên giảm nhiều. Nếu không có cụ, cả đời tôi phải mang trọng bệnh. Tôi chẳng biết lấy gì đền đáp tấm lòng của cụ”.

Còn sức khỏe còn chữa bệnh cho người nghèo

Bước vào nghề y năm 15 tuổi, 82 năm hành nghề y, hơn 30 năm chữa bệnh, cụ Tầng đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân từ bàn tay “tử thần”. Dù vậy, chưa bao giờ cụ cho phép mình nghỉ ngơi, luôn là những ngày thầm lặng nghiên cứu và sáng chế thêm những bài thuốc cứu người. Sống gần hết đời người, cụ thấm thía một triết lí của nhà Phật, rằng thân người khó được, sức khỏe càng vốn quý hơn, chỉ có một cách để cho con người trường thọ, ấy là phải sống tử tế với nhau. 

Có người biết tiếng cụ Tầng, lặn lội hàng trăm cây số tìm đến chữa bệnh, trong túi không còn đồng nào. Khi bệnh đã khỏi, cụ còn hỗ trợ bệnh nhân tiền để trở về nhà. Nhìn nụ cười của bệnh nhân, cụ thấy mãn nguyện lắm.

Không chỉ thế, bằng đồng lương hưu ít ỏi cụ còn bỏ cả một khoản lớn để xây dựng dãy nhà cấp 4 làm nơi nghỉ ngơi cho bệnh nhân. Những căn phòng này có đầy đủ tiện nghi dành để miễn phí cho những bệnh nhân ở xa không có điều kiện phải điều trị dài ngày. Không được như bệnh viện chuyên nghiệp nhưng phòng trọ tại tư gia của cụ lúc nào cũng ấm cúng khiến người chữa bệnh khỏe lên phần nào. Cụ Tầng khoe: "Lương hưu của tôi giờ được 4 triệu/tháng, cộng với tiền con cháu ủng hộ, tiền những người quý mến gửi, tôi đã xây dựng dãy nhà này được 5 năm rồi. Mỗi ngày có cả chục người tìm đến đây chữa trị, họ sẽ được ở miễn phí, ăn uống cũng được hỗ trợ đôi phần". Cụ vẫn nhớ ngày xây dựng dãy nhà trọ miễn phí. Dẫu biết rằng đó là một nghĩa cử cao đẹp nhưng cũng không ít người cho rằng cụ bị lẩm cẩm khi bỏ tiền xây nhà cho người dưng. Bởi, khi những bệnh nhân đến đây ở sẽ kéo theo bao điều phiền toái. Nhưng cụ gạt đi, nói cứng "thương thì thương cho trót" rồi âm thầm làm. 

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn thuốc cơ ngơi cả đời chăm chút, cụ Tầng khoe: "Ở đây có rất nhiều cây thuốc quý như cây lá khôi, cây kim gia, cây bó xương, cây bách xanh… Tôi cũng già rồi, sức khỏe không còn được là bao, bây giờ không đi xa kiếm được cây thuốc nữa, trồng tại vườn nhà cho tiện việc nghiên cứu và chữa bệnh". Không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cụ Tầng còn được mệnh danh là "ông khuyến học". Cụ là người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào khuyến học – khuyến tài tại địa phương. Những ngày đầu lập quỹ khuyến học còn khó khăn nhưng cụ vẫn quyết tâm cùng với phường và tổ dân phố gây dựng. Để tiếp nối truyền thống ấy, đại gia đình cụ luôn đi đầu trong phong trào khuyến học của địa phương.

Chia tay vị "tiên ông" của người nghèo, cụ chia sẻ: Lời dạy của cha ông ta “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lí của người Việt Nam. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Đáng buồn thay, bên cạnh nhiều nét đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống với những con người biết cống hiến, đồng cảm, chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ người khác, thì cũng có không ít kẻ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, vô cảm, vô đạo đức. 

“Tôi trăn trở lắm, bây giờ cuộc sống vẫn còn nhiều người nghèo lâm trọng bệnh mà chưa được kịp thời cứu chữa. Mà tôi năm nay thì cũng đã nhiều tuổi, không thể đi hết cả nước để cứu chữa giúp người được. Nếu cho tôi một điều ước hoặc một ước mơ, tôi chỉ mong trời Phật độ cho sức khỏe, để tôi tiếp tục hoàn thành tâm nguyện chữa bệnh giúp người nghèo cho đến lúc về thế giới bên kia”, cụ Tầng trăn trở. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nét thanh lịch trong trang phục của người Hà Nội xưa
    Theo thời gian, trong nhịp sống hối hả của thời hội nhập, có rất nhiều thứ, nhiều giá trị đã bị "cuốn trôi", song với người Thăng Long - Hà Nội, dù cho đi đâu, ở đâu, họ vẫn luôn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu việc dậy bảo con cháu về cách mặc sao cho đẹp, cho nền nã; chọn trang phục sao cho giữ được nét thanh lịch, mặc sao cho "đậm chất kinh kỳ”....
  • Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
    Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.
  • Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
    Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
  • Quận Đống Đa: Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nhân dân quan tâm
    Sáng 19/9, quận Đống Đa, Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận Đống Đa năm 2024.
  • Hà Nội: Ấm lòng tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các trường học tại quận Hoàn Kiếm
    Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, mới đây, 2 trường: THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn cùng quận bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Đừng bỏ lỡ
Gặp “tiên ông” dưới chân núi Tản Viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO