Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng - Lý luận và thực tiễn nghệ thuật

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện| 06/03/2021 17:12

Lời tòa soạn: Để góp phần thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã đi sâu nghiên cứu về “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng - Lý luận và thực tiễn nghệ thuật”, từ đó đã có kiến nghị cụ thể đến các cấp Đảng, Nhà nước, cơ quan chính quyền có trách nhiệm liên quan. Trong số này, Tạp chí Người Hà Nội xin được giới thiệu tới độc giả các kiến nghị của ông. Đây cũng là những vấn đề nổi cộm trong thực tế đời sống văn học nghệ thuật hiện nay.

Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng -  Lý luận và thực tiễn nghệ thuật
Chương trình nghệ thuật 'Khát vọng - Tỏa sáng' chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Phạm Đông

Về quan điểm, tư tưởng
1. Kiên trì và nhất quán lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở nền tảng định hướng chiến lược và những quan điểm cơ bản, then chốt cho sự phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh giao lưu và hội nhập quốc tế. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển bổ sung và từng bước hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng phù hợp với thực tiễn của đời sống tư tưởng, văn hóa, văn nghệ đất nước trong bối cảnh diễn biến phức tạp của môi trường sống nhân loại, trong quan hệ nhiều mặt với cộng đồng các quốc gia khu vực và quốc tế.

2. Quán triệt quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” trong nhận thức của mỗi người, xây dựng các cơ chế, chính sách, chế độ thể hiện quan điểm đó trên mọi phương diện của đời sống đất nước, làm cho văn hóa thực sự là một nền tảng tinh thần, một trụ cột vững chắc trong sự ổn định, phát triển của xã hội, xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, hài hòa. Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa năm 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng lực lượng còn mỏng, còn những khu vực trống, dàn trải, chưa chuyên tâm với nghề, chưa đáp ứng với đòi hỏi của sự nghiệp phát triển nền văn nghệ dân tộc phong phú mà đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cách đây hơn 30 năm, Đảng đã ra Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 8/6/1986 của Ban Bí thư về “Đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật”. Trong Chỉ thị có những ý kiến sâu sắc, đúng và trúng, có ý nghĩa thực tiễn cao. Đề nghị nên có sự tổng kết nhìn nhận lại việc quán triệt thực hiện Chỉ thị này hơn 30 năm qua. Trên cơ sở đó xem xét để ra một Chỉ thị mới nhằm chỉ đạo, tạo một chuyển biến mới, mạnh mẽ trong lĩnh vực này – một lĩnh vực thường xuyên được nhắc nhở về sự bất cập, yếu kém so với các lĩnh vực khác của văn hóa, văn nghệ.

Đồng thời, đề nghị Đảng và Nhà nước xem xét kỹ nếu thấy đã đủ điều kiện và cũng là để thúc đẩy sự phát triển căn cơ, lâu dài của lĩnh vực tư duy lý luận, về lao động đặc thù của hoạt động này, kịp thời cho phép ra đời Hội những người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. (Điều này đã được đề cập đến trong Chỉ thị số 52 nói trên). Hội này sẽ là nơi tập hợp lực lượng những người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình các loại hình văn học, nghệ thuật - một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp góp phần thúc đẩy hoạt động lý luận, phê bình tiến lên một bước phát triển mới.

4. Ngôn ngữ là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa. Nghị quyết của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ cấp bách hiện nay về phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài…

Hiện nay tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số anh em có phần bị thả nổi, thiếu một chính sách quy định thống nhất từ Nhà nước hoặc cơ quan được ủy quyền có thẩm quyền chuyên môn, có tư cách pháp nhân.

Kiến nghị Đảng và Nhà nước ban hành chính sách về ngôn ngữ được sử dụng và phát triển ở Việt Nam hiện nay, làm căn cứ pháp lý cho xã hội thực hiện. Tiến tới ban hành Luật tiếng Việt và từng bước xây dựng các bộ tiêu chuẩn về chuẩn hóa tiếng Việt, tiếng các dân tộc (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) trên cơ sở huy động ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và sự tham gia của các nhà chuyên môn văn hóa học, ngôn ngữ học, dân tộc học và các chuyên gia có quan tâm.

Phát động phong trào “Giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt” trong giao tiếp xã hội, trong thông tin-truyền thông, báo chí, xuất bản quảng cáo, ngoại giao, du lịch… Xây dựng những chế tài, định hướng những nguyên tắc, những quy định chuẩn hóa trong sử dụng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thuộc các loại diễn ngôn xã hội trong lĩnh vực công vụ, hành chính nhà nước.

Giữ gìn và phát huy sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc (Việt và các dân tộc thiểu số) là góp phần giữ gìn và phát huy tinh hoa bản sắc dân tộc độc đáo của văn hóa dân tộc, ngăn chặn các xu hướng “mất gốc”, “vọng ngoại”, “lai căng”.

Trước mắt chấn chỉnh việc dạy tiếng Việt ở các cấp học từ phổ thông đến đại học, biên soạn sách Ngữ pháp tiếng Việt làm gốc, chuẩn cho việc nói và viết tiếng Việt; sử dụng và quảng bá ngữ âm tiếng Việt chuẩn trên sóng phát thanh - truyền hình, trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức; in và phát hành rộng rãi với giá cả hợp lý các loại sách Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả, Từ điển thành ngữ - tục ngữ tiếng Việt…

Đề cao văn hóa đọc, yêu cầu báo chí in và xuất bản, thông tin mạng, internet phải đi đầu, gương mẫu trong sử dụng tiếng Việt, các trí thức, nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo, nhà giáo làm nòng cốt trong việc này.

Về tổ chức
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hóa, văn nghệ theo đường lối của Đảng, đảm bảo quyền văn hóa của nhân dân.

Công việc này hiện nay thực hiện còn chậm trễ và nhiều thiếu sót, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân, chưa đáp ứng các nguyện vọng của các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ.

Cần chấn chỉnh lại bộ máy các cơ quan tham mưu tư vấn cho nhà nước về việc xây dựng các chế độ, chính sách nhằm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối đổi mới về công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Cần xây dựng mới; bổ sung, sửa đổi các chế độ chính sách đã cũ không còn phù hợp, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về các quyền và trách nhiệm của chủ thể sáng tạo văn hóa, văn nghệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn, điều kiện đáp ứng của Việt Nam (về quyền tác giả; về giám sát và phản biện; về đầu tư công và xã hội hóa; về đãi ngộ và thụ hưởng; về nghĩa vụ công dân của trí thức văn hóa và văn nghệ sĩ…).

Về công tác cán bộ
1. Lĩnh vực văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực của sự hiểu biết chuyên sâu, đặc thù về tư duy chuyên môn, lao động nghề nghiệp. Là lĩnh vực của tài năng, công phu, của hiền tài, tri âm, tri kỷ. Chúng ta đã có những khuyết điểm trong đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trong lĩnh vực này, đôi khi đã đánh đồng với cán bộ ở các lĩnh vực khác. Đội ngũ cán bộ trí thức văn hóa đó cần phải được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí sử dụng hợp lý, có hiệu quả và được đãi ngộ xứng đáng.

Quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa, văn nghệ cấp chiến lược từ Trung ương đến địa phương, cơ sở cần được đào tạo bài bản qua các trường lớp, và trong thực tiễn đời sống xã hội để có đủ uy tín, trình độ và năng lực chuyên môn và phương pháp công tác thích hợp thực thi việc lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn nghệ - một lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm, có những nét đặc thù riêng - bao hàm trong mình những phẩm chất về đức, tài thuộc “nguyên khí” của từng miền, vùng, địa phương của đất nước.

Trong đó, các nhà lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, thành ủy, các Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh thành phố, các Chủ tịch Hội VHNT chuyên ngành, Hội VHNT địa phương tỉnh, thành phố, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học… phải là những nhà văn hóa, những trí thức văn hóa, đứng vai trò đầu tàu thúc đẩy các hoạt động văn hóa trong phạm vi mình phụ trách, quản lý.

Hiện nay còn tình trạng bất cập trong bố trí đội ngũ cán bộ cấp chiến lược này, cần từng bước khắc phục ngay. Những người làm công tác lãnh đạo quản lý cấp chiến lược cần phải được học qua các trường chính trị trung, cao cấp và trường chuyên môn nghiệp vụ theo quy định về tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đặc biệt cần chú ý đến tiêu chuẩn ngoại ngữ, giao tiếp quốc tế tiếng Anh.

2. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cất nhắc các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, những bậc thầy về nghề nghiệp mà đạo đức và tay nghề của họ có sức thu hút các học trò tìm đến học tập, được đồng nghiệp trong giới chuyên môn suy tôn, trọng thị, tin cậy. 

- Khôi phục mối quan hệ lành mạnh: Sư - đệ, tức Thầy - Sư phụ và trò - đệ tử, thầy toàn tâm toàn ý dạy dỗ, truyền nghề cho trò. Trò có hoài bão kế tục sự nghiệp vẻ vang của thầy, trở thành người có ích cho dân, cho nước.

- Không bình quân trong chế độ đãi ngộ các tài năng trong văn hóa, văn nghệ, nhằm khuyến khích tận độ sự phát triển, thăng hoa tài năng lên đỉnh cao ở trong nước cũng như trên thế giới, tôn vinh quốc thể.

- Sửa lại và hoàn thiện các quy chế về xét phong các danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ nhân dân gian; xét phong các chức danh: GS, PGS; xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, về khoa học và công nghệ… đảm bảo thực chất, không câu nệ quy trình, quy chế hình thức, chống chạy danh hiệu, chức danh, giải thưởng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng - Lý luận và thực tiễn nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO