Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm về Tương lai tươi sáng cho ngành Du lịch Việt Nam - Cơ hội Tăng trưởng và bài học kinh nghiệm từ các nước cạnh tranh trong khu vực Mekong được tổ chức ngày 7/6 tại Khách sạn Pan Pacific Hà Nội.
Mở đầu buổi tọa đàm, khi chủ tọa bà Tori Dixon-Whittle – Giám đốc Phòng thương mại Australia “yêu cầu” các chuyên gia dùng một từ để miêu tả về du lịch Việt Nam, ông Ole Dross, Giám đốc Marketing, Asiatica Travel đã lựa chọn từ “đa dạng” trong khi “tiềm năng” là lựa chọn của Giáo sư Michael Palmer, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh doanh & Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam. Ông Marc Emmanuel, Giám đốc điều hành Khách sạn Pan Pacific lựa chọn “cơ hội” và “thân thiện” là lựa chọn của ông Jimmy Phan – Nhà sáng lập của KOTO.
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàmCó thể thấy, các chuyên gia trong ngành tham gia buổi tọa đàm đều đánh giá rất cao tiềm năng và cơ hội phát triển của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong hơn một tiếng đồng hồ tọa đàm sau đó, các chuyên gia cũng đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Theo đó, một trong những thách thức lớn nhất chính là làm sao để phát triển du lịch bền vững.
Về khái niệm, không có một định nghĩa chính xác về du lịch bền vững, tuy nhiên khi nhắc đến “du lịch bền vững” mọi người sẽ thường liên tưởng đến tác động đến môi trường, do đó, phát triển du lịch bền vững đồng nghĩa với phát triển môi trường bền vững. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, còn một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đó là hệ sinh thái. Một hệ sinh thái bền vững (ecological sustainability) đồng nghĩa với việc địa điểm du lịch đó cũng sẽ được hưởng lợi về mặt tài chính từ hoạt động du lịch, đời sống xã hội được đảm bảo như nhiều công ăn việc làm được tạo ra, có nguồn tài chính để cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục.
Trong khi đó, hiện nay, du lịch Việt Nam đang được phát triển dựa theo nhu cầu, chủ yếu chú trọng số lượng. Chính vì lẽ đó, điều dễ nhận thấy là một vài điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đang bị khai thác một cách quá mức, mà theo ông Ole Dross có thể kể đến các địa điểm như Nha Trang, Phú Quốc và sắp tới là Đà Nẵng. Do đó Việt Nam cần phải có những kế hoạch cũng như chiến lược phát triển du lịch một cách phù hợp để vừa cân bằng được nhu cầu của khách du lịch với bảo tồn cảnh quan tự nhiên của các điểm du lịch.
Thêm vào đó, theo đánh giá của các chuyên gia tại buổi tọa đàm, nguồn nhân lực trong ngành du lịch của Việt Nam hiện nay chưa đáp được yêu cầu và tiềm năng của ngành. Theo Giáo sư Michael Palmer, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh doanh & Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam mới chỉ có khoảng 3% nhân lực làm trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay được đào tạo bài bản và chúng ta hiện đang thiếu hụt một lượng lớn nguồn nhân lực ở vị trí giám sát, quản lý cấp trung, và cấp cao. Theo định hướng của Chính phủ, thì trong một vài năm tới, cần có khoảng 25% nhân lực chất lượng cao phục vụ trong ngành du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu và tận dụng tiềm năng hiện có.
Buổi tọa đàm do trường đại học RMIT Việt Nam, Travel Massive, khách sạn Renaissance Riverside Hotel Saigon và khách sạn Pan Pacific Hotel Hanoi đồng tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25/5 vừa qua và Hà Nội vào ngày 7/6 với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành du lịch.