Du lịch Sơn La: Không có mảnh đất nào là xa lạ – bản sắc làm nên sự khác biệt

Mạnh Hà| 14/11/2022 11:50

Về với Sơn La chúng tôi được thăm quan các sản phẩm du lịch, những mô hình homestay mới lạ tại bản Hoa, bản Dọi, bản Hua Tát... của chính người dân bản địa nơi đây, lắng nghe những câu chuyện, cách làm hay về du lịch cộng đồng cùng những trăn trở về làm du lịch của họ.

“Hà Nội – Sơn La cách đôi đường

Một lần gặp gỡ mãi vấn vướng

Chia tay buổi ấy còn thương nhớ

Mong chờ trở lại dạ yêu thương”

Nằm trên trục đường quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc, đến Sơn La hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh một thành phố phát triển sôi động, nhộn nhịp. Tuy nhiên, chỉ mất chưa đầy nửa tiếng di chuyển là đã có thể tới các bản du lịch cộng đồng với mô hình homestay mới lạ nằm ngay trong lòng thành phố hay các xã vùng ven, tận hưởng trải nghiệm khám phá đầy hấp dẫn.

7.jpg
Một góc trong bản làng du lịch cộng đồng ở Sơn La.

Vào những ngày đầu tháng 10 khi tiết trời đã sang thu, Sơn La khoác lên mình một chiếc áo mới với những đồi chè xanh ngát. Vào sáng sớm, ánh nắng ban mai vươn lên trải dài khắp cánh đồng chè, hoà cùng cơn gió nhè nhẹ làm rung rinh giọt sương còn vương đọng trên lá, bâng khuâng một mảng màu trong lành, tươi mát cứ thế chạm vào trái trái tôi một cách đặc biệt.

Làm du lịch là phải quyết tâm cao

Tới homestay tại bản Hoa (thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) chúng tôi gặp anh Hà Ngọc Quý (sinh năm 1957) là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trò chuyện với chúng tôi, anh kể về hành trình làm du lịch của mình, anh nhớ lại: “Cách đây gần 20 năm khi còn làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập tôi luôn trăn trở về hướng đi trong phát triển kinh tế để cải thiện đời sống của người dân địa phương. Đến lúc nghỉ hưu tôi vẫn ấp ủ mong muốn đó. Thế rồi cho tới năm 2012, gia đình có mua một mảnh đất nhỏ ở bản Hoa để xây dựng homestay cho khách từ nơi xa tới du lịch, trải nghiệm không khí trong lành nơi núi rừng Tây Bắc. Đến cuối năm 2014, homestay đón vị khách đầu tiên tới từ NewZealand. Ngay sau đó, tôi đã liên kết với các công ty lữ hành tại Hà Nội, quảng bá hình ảnh tới nhiều du khách mong muốn được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng mới lạ tại bản Hoa”.

2..jpg
ông Hà Ngọc Quý, Chủ nhân của Homestay tại bản Hoa (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu).

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách gần như không còn đông như trước nhưng nay khi mở cửa trở lại lượng khách đã bắt đầu phủ kín cho tới hết tháng 11 năm nay.

Trong hành trình trải nghiệm du lịch Tây Bắc của mình chúng tôi tiếp tục ghé thăm homestay của anh Hà Văn Quyết, anh Quyết bảo: Ban đầu tôi không biết làm du lịch là như thế nào. Nhưng nhờ quen biết, tôi được một công ty lữ hành ở Mã Mây, Hà Nội cử người lên hướng dẫn, chỉ tôi cách làm du lịch, cách nấu nướng… nên từ đó mới mạnh dan mở homestay từ giữa năm 2020. Ban đầu khách đến ít do chỉ phụ thuộc vào công ty lữ hành này. Thời gian trôi qua nhờ kết nối với các đơn vị du lịch khác mà lượng khách tăng lên, có thời điểm lượng khách lên tới 50 người, vợ chồng ông phải thuê thêm nhân lực về nấu nướng mới đủ phục vụ. Nhờ làm du lịch homestay mà cuộc sống gia đình trở nên khá giả hơn so với trước rất nhiều.

Tiếp đó chúng tôi đến với Homestay của anh Tráng A Chu, người dân tộc Mông ở bản Hua Tát thuộc xã Vân Hồ, người được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao Sơn La. Được biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tráng A Chu đã chọn cho mình một lối đi riêng, anh từ bỏ làm nương rẫy mà quyết định chọn hướng làm du lịch cộng đồng. Đầu tiên, anh vận động các hộ trong bản hiến đất làm đường từ Quốc lộ 6 vào đến nhà văn hóa. Đồng thời, nhờ chương trình nông thôn mới do xã Vân Hồ thực hiện theo chính sách Nhà nước hỗ trợ, nhân dân góp công, nên đã bê tông hóa được đoạn đường từ Quốc lộ 6 vào đến bản. Với quyết tâm của bản thân, sự ủng hộ của gia đình, chính quyền địa phương cũng như được Ngân hàng Chính sách huyện cho vay vốn, đến tháng 8/2015, anh Tráng A Chu đã hoàn thành một ngôi nhà để đón khách với sự kết hợp giữa kiểu nhà của dân tộc Thái và kiểu nhà dân tộc Mông mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao Sơn La.

anh-5.jpg
3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm mô hình Homestay nhà sàn cộng đồng của anh Tráng A Chu.

Từ cách làm du lịch cộng đồng đúng hướng đến nay, thương hiệu “Homestay A Chu” được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm trải nghiệm về văn hóa truyền thống đặc sắc, thư giản vào những ngày nghỉ cuối tuần.

4.jpg
Du khách được trải nghiệm những công việc hàng ngày của người dân bản địa

Có thể thấy, khi bắt đầu làm du lịch cộng đồng hầu hết người dân vùng Tây Bắc đều gặp rất nhiều khó khăn về kiến thức, vốn, thiếu người “cầm tay chỉ việc”… thế nhưng bằng sự quyết tâm cao, khát vọng thoát nghèo họ đã xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, độc đáo mà không nơi nào có được.

Trăn trở của người bản địa làm du lịch

Khi chúng tôi gặp gỡ chính những người dân bản địa làm du lịch cộng đồng họ đều cho rằng có ba cái khó khăn lớn mà họ gặp phải đó là vốn, kiến thức và chính sách về đất đai.

Theo anh Tráng A Chu, chủ “Homestay A Chu” cho rằng, hiện nay đất xây dựng cho các dự án Homestay không ít trường hợp được hình thành từ loại đất là đất trồng cây lâu năm, thậm chí nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ…do đó việc được cấp phép xây dựng hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những homestay là điều không dễ dàng. Chính vì thế mà bà con nơi đây khó có thể đi vay vốn từ các ngân hàng để có thể phát triển và mở rộng mô hình du lịch này.

Bên cạnh đó, người nhiều người dân cũng mong muốn có thêm những buổi tập huấn, trao đổi về cách thức làm du lịch giữa các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận với nhau để từ đó học thêm được cái hay, những cách làm mới về phát triển du lịch. Từ đó nâng cao chất lượng du lịch, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với bản làng của mình.

Sẽ có nhiều “cú hích” từ chính sách…

Có thể thấy Tây Bắc là khu vực miền núi có những đặc trưng riêng mà không phải nơi nào cũng có được. Sự hấp dẫn của du lịch Tây Bắc đã được khẳng định trong nhiều năm qua và luôn là điểm đến cho những du khách ưa chủ nghĩa “xê dịch” muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa. Nhưng mặt khác, Tây Bắc cũng là địa bàn nghèo, xa xôi, địa hình hiểm trở, nhiều điểm đến khó tiếp cận, một số địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung. Do đó cần có 1 cơ chế, chính sách đặc thù cho hướng phát triển ở khu vực.

Để “gỡ khó” cho du lịch Sơn La, chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Tâm An (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: Bản thân tôi có nhiều năm làm du lịch cộng đồng ở Sơn La, trăn trở nhiều về đời sống của bà con vùng cao tôi thấy rằng muốn làm du lịch cộng đồng ở Sơn La thì bà con nơi đây phải được đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và phải làm điểm một vài mô hình thành công thì bà con mới tin và làm theo. Bên cạnh đó việc phát triển các sản phẩm du lịch là đặc biệt cần thiết vì thu nhập của các bà con nơi đây phần lớn là nhờ bán sản phẩm do chính bàn tay họ làm làm.

Vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó những định hướng trọng tâm được xác định là: Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, ưu đãi có tính đột phá để thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung mọi nguồn lực xây dựng phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia Mộc Châu được công nhận vào năm 2025; Trong đó có nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên, tập trung thu hút đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, tập trung xây dựng loại hình sản phẩm du lịch trọng tâm, đặc thù của từng địa phương trong tỉnh gắn với tiềm năng, cảnh quan, tạo sự liên kết giữa các loại hình du lịch để phát triển sản phẩm du lịch Sơn La độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế. Hình thành các tour du lịch mới, phát triển thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức các sự kiện du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm văn hóa và sản vật địa phương thu hút khách du lịch.

Hi vọng rằng với những hướng đi, chính sách về phát triển sắp tới của tỉnh Sơn la, du lịch cộng đồng ở Sơn La sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Từ đó Đưa Sơn La trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước.

Bài liên quan
  • “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ 2 năm 2022 tại Hà Nội
    Tối qua ngày 21/10, tại khu nhà Bát Giác, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (Hà Nội), UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ 2 năm 2022. Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện (ảnh: báo văn hoá)
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Sơn La: Không có mảnh đất nào là xa lạ – bản sắc làm nên sự khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO