Khai thác chương trình du lịch “Hành trình theo chân Bác” nhân dịp kỷ niệm 130
năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.05.1980-19.05.2020)
Cùng với đó, đến với Hưng Yên, du khách có thể tham quan và tìm hiểu cụm di tích Đa Hòa – Dạ Trạch (Khoái Châu) - nơi thờ Chử Đồng Tử- Tiên Dung, một trong tứ thánh bất tử của người Việt, một thiên tình sử tuyệt vời lãng mạn; đắm mình trong nét đẹp cổ thuần Việt của làng Nôm (Văn Lâm) với cảnh quan, kiến trúc thuần Việt có một không hai ở đồng bằng sông Hồng hoặc chiêm nghiệm nét dịu dàng, nét thủy chung, lòng hiếu thảo của nàng Cúc Hoa qua câu chuyện kể của đại diện Ban quản lý cụm di tích Tống Trân – Cúc Hoa (Phù Cừ); chiêm ngưỡng bệ đá hoa sen tại chùa Hương Lãng (Văn Lâm), biểu trưng cho nghệ thuật điêu khắc thời Lý lớn nhất Việt Nam; chùa Thái Lạc (Văn Lâm) đại diện cho kiến trúc bằng gỗ thế kỷ XIII-XIV của dân tộc...
Không chỉ có hệ thống di tích, cụm di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, Hưng Yên còn lưu giữ được hơn 500 lễ hội truyền thống phản ánh rõ nét phong tục tập quán sinh hoạt của người dân “Tiểu Tràng An” xưa kia, trong đó nổi bật nhất là lễ rước nước, cầu mưa. Cùng với đó, người dân Hưng Yên còn gìn giữ được nhiều làng nghề gắn với truyền thống mang đặc trưng yếu tố văn hóa Bắc Bộ như: Làng nghề hương Cao Thôn, mây tre đan Liên Khê, làng nghề đan đó Thủ Sỹ, chạm bạc Huệ Lai, mộc dân dụng Hòa Phong, làng nghề chế biến dược liệu Nghĩa Trai, đúc đồng Lộng Thượng, làng nghề gốm sứ, hoa cây cảnh Xuân Quan.
Du khách tham quan làng chế biến dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm)
Bên cạnh các sản phẩm làng nghề truyền thống, nhờ thiên nhiên ban tặng, Hưng Yên còn có nhiều sản vật quý giá, mang bản sắc độc đáo của địa phương có giá trị phục vụ du lịch như: Nhãn lồng, ếch om Phượng Tường, chả gà Tiểu Quan, bún thang, bánh tẻ Phụng Công, bánh cuốn Mễ Sở, chè sen long nhãn. Đến với Hưng Yên, du khách sẽ được sống trong không khí nô nức lễ hội đầu xuân, trải nghiệm những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của nền văn minh nông nghiệp, tự tay hái và thưởng thức những trái nhãn lồng có vị ngọt thanh, thả bộ trong không gian thơm ngát của những cánh sen hồng, trở về ký ức tuổi thơ với cánh đồng hoa cải bạt ngàn, được nhâm nhi vị ngọt bùi của hạt sen, long nhãn, thỏa sức ngắm nhìn những vườn quất rực rỡ, tự mình làm những món ăn dân dã nhưng ấm đượm tình người...
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhưng du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp. Thực tế du lịch của Hưng Yên mang tính tự phát, manh mún, việc đầu tư phát triển du lịch chỉ dựa trên cái mà mình sẵn có và làm theo cách dễ nhất, chưa chú trọng đến nhu cầu của khách du lịch. Và như vậy, vô hình chung, những điều này đi ngược lại nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, một mục tiêu cơ bản và cần thiết trong xây dựng và phát triển của ngành du lịch hiện đại.
Với mong muốn “đánh thức” tiềm năng du lịch Hưng Yên, để du lịch Hưng Yên có điểm nhấn trên bản đồ du lịch của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lưu trú, ban quản lý di tích, câu lạc bộ văn hóa, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, làng nghề, khu, điểm du lịch, các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch…trên địa bàn tỉnh tham gia thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh. Đến nay đã có hơn 90 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm đơn xin gia nhập Hiệp hội Du lịch tỉnh. Hiện tại, Ban vận động thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thảo luận thống nhất các văn kiện: Báo cáo kết quả công tác vận động; Dự thảo Điều lệ hoạt động Hiệp hội; Phương hướng hoạt động Hiệp hội; Nhân sự Thường trực, Ban Chấp hành và các điều kiện cần thiết cho Đại hội đại biểu Hiệp hội Du lịch tỉnh lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 – 2025, góp phần đưa du lịch Hưng Yên ngày càng phát triển.