(Thành hoàng làng Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội)
Phương đình, một kiến trúc độc đáo của đình Phùng Khoang (Ảnh: P.A)
Xưa, ở làng Xuân Du, xã Yên Nhân, có Đoàn công cư sĩ cùng vợ đồng tâm làm việc phúc. Ngày mùng 9 tháng 3 năm Giáp Tý, bà mộng thấy có vầng sáng đỏ tràn đầy trong nhà, chốc lát có con rắn Bạch Hoa cuộn khúc đến biến hóa thành bông hoa. Từ đó bà có mang. Hơn một năm sau, đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Ất Sửu, bà tắm gội sạch sẽ rồi sinh một người con trai, ông bà đặt tên con là Đoàn Thượng. Lớn lên, Đoàn Thượng tư chất thông minh, suốt ngày ở trong nhà học chữ và đọc sách, lại giỏi đánh đàn, tinh thông âm luật. Đến khi trưởng thành, học một biết mười, tài kiêm văn võ.
Bây giờ, triều Lý thường mở khoa thi để chọn cử hiền tài vào nhà Thái học. Ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mùi, Đoàn Thượng đã 18 tuổi cũng tựu trường ứng thí và đậu hương cống. Khi ấy, triều Lý có loạn Trần Cự đã 8 năm. Trần Thủ Độ và Nguyễn Nộn âm mưu cướp ngôi. Triều Lý họp các quan, triệu Đoàn Thượng vào triều, phong làm Thái úy, giao quản lĩnh Hồng Châu; giao Phạm Du làm Tán cổn. Hai ông được giao hơn 500 binh sĩ đến Hồng Châu mộ thêm ba vạn người, phân chia địa giới giao chiến với Trần Thủ Độ 5 năm không phân thắng bại.
Ngày 12 tháng 8 năm Mậu Ngọ, Đoàn Thượng, Phạm Du dẫn binh hộ giá vua đến đền Phù Đổng, mộng thấy có tiếng nói rằng: “Bát đế thấy hai ông thành tâm bài trí hương hoa phẩm quả tế lễ, khẩn cầu trời đất rồi cầu Phật, cầu tiên”. Đến nửa đêm, bỗng thấy một lão nhân từ trên trời giáng xuống cạnh miếu thờ, râu tóc bạc phơ, thân dài tám thước, nhảy múa, cười nói. Mọi người nhìn thấy đều cho đây là một kỳ nhân bèn vào tâu lên vua. Hai ông nghênh đón vào trong và hỏi: “Nay vua với hai ta chiến đấu với Trần Thủ Độ và Nguyễn Nộn mà chưa phân thắng bại, xin lão nhân chỉ giáo”. Lão nhân nhập quẻ, tặng cho hai ông.
Nói xong, lão nhân cưỡi mây biến mất. Hai ông biết đó là thiên thần xuống giúp.
Bấy giờ, Trần Cự sai hai tướng là Trần Thủ Độ và Nguyễn Nộn đem quân xâm nhập biên thành. Hai ông Đoàn Thượng và Phạm Du phải đào hào chống giữ, chia cắt 5 châu thành đồn để dễ bề phòng thủ. Hai ông biết triều Lý đã suy, khó bề khôi phục.
Ngày 15 tháng 7 năm Ất Mùi, vua mộng thấy một người mặc áo thanh y, tay cầm cờ vàng tự xưng là thiên sứ đến quỳ trước sân và nói rằng: “Thượng đế có sắc sai mời Đoàn Thượng về triều”. Vua bỗng tỉnh dậy, trong tâm ưu phiền lắm.
Bấy giờ bí mật dùng kế hiệp đồng, Phạm Du dẫn binh chia cắt Động Đao, quân sĩ cố thủ đến hôm sau đào thoát vào dân gần hết. Trần Thủ Độ biết quân của Đoàn Thượng rất ít nên cùng Nguyễn Nộn điều 3.000 binh mã chia hai đường Đông Chinh và Tây Thảo đến Động Đao bày binh bố trận, giao chiến với Đoàn Thượng. Động Đao thất thủ, Trần Thủ Độ cho quân truy tầm Đoàn Thượng để giết hại. Thái úy kịp xốc ngựa thoát khỏi sự truy sát. Chạy mãi, khi đến một gò đất ở làng Yên Nhân thì Đoàn Thượng xuống ngựa, gối đầu vào ngọn mác mà nằm, một lát thì mất, mối đùn lên lấp thành mộ.
Dân làng thấy vậy lập miếu tô tượng thờ phụng. Về sau nước lụt vỡ đê, tượng trôi vào làng Yên Nhân (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), dân lại lập ngôi miếu khác để thờ.
Lại nói Trần Thái Tông nối ngôi đã ba năm, một lần vua triều hội để luận công ban thưởng cho trung thần, bách quan nêu tên Đoàn Thượng hiển thánh ở Yên Nhân, nổi tiếng là bậc trung thần ở triều vua Lý Thái Tông. Vua cho Lễ quan tả sắc phong thần cho Đoàn Thượng là Đông Hải Đại Vương. Bảy mươi hai nơi thờ Đoàn Thượng đều được cấp đất hương hỏa, trong đó có trại Phùng Khoang. Các trang trại được ủy nhiệm của Lễ quan nghênh đón sắc phong, ban cho tiền để lập miếu thờ. Đến trại Phùng Khoang, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là thôn Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) các phụ lão tề tựu lĩnh sắc phong phụng nghênh về miếu thờ. Đến ngày mùng 10 tháng 3 năm Giáp Thìn, phụ lão trại Phùng Khoang tụ hội nghinh thỉnh danh sư về trại. Trong trại có dãy núi nằm ngang, nước vây quanh, là một khu đất đẹp, giống như hình trạng con rùa vàng uống nước. Đất này phát nhiều con trai, dân giàu có, sau nhiều người trở thành tài tử giai nhân, dân bèn lập miếu thờ để phụ lão phụng sự hàng năm.
Đền Phùng Khoang còn giữ được 9 sắc phong thần của triều Lê và Nguyễn. Đạo sớm nhất đề năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743); đạo muộn nhất đề năm Khải Định thứ 9 (1924).
Hằng năm, vào ngày sinh mùng 9 tháng 3 và ngày hóa của thần 12 tháng Chạp, nhân dân Phùng Khoang lại sắm hương hoa lễ vật tổ chức tế thần rất trọng thể.
Trước đây, các làng Giáp Nhất, Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh (nay thuộc Nhân Chính, quận Thanh Xuân) và làng Phùng Khoang (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) đều nằm trong một vùng đất văn hiến, tục gọi Kẻ Mọc. Theo Lệ xưa, hội 5 làng Mọc diễn ra từ ngày 10 tháng 2 âm lịch. Hội chính diễn ra vào ngày 11 tháng 2 âm lịch có lễ rước chung của 5 làng. Đoàn rước xuất phát từ Phùng Khoang, qua làng nào, đoàn rước của làng đó ra đón mừng rồi nhập cuộc đi về đình Giáp Nhất nằm bên bờ sông Tô Lịch tổ chức tế hội đồng. Gần đây, 5 làng đặt lệ năm mới tổ chức địa hội một lần. Các làng luân phiên đăng cai tổ chức lễ tế ngay tại đình làng mình.