Đông Chinh Vương

Văn Sáu (sưu tầm) | 27/11/2020 17:23

(Thành hoàng thôn Hoàng, xã Cổ Nhuế, nay thuộc phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội)

Đông Chinh Vương
Chùa thôn Hoàng
Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ húy là Lực, tháng 10 năm 1018, được nhà vua phong là Đông Chinh Vương phụng chiếu vua cha đi dẹp giặc ở Châu Văn (nay thuộc huyện Văn Uyên), tỉnh Lạng Sơn có qua vùng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Ngày ấy, xóm thôn nơi đây chỉ có bờ tre mái rạ, nhà cửa còn đơn sơ, dân cư thưa thớt. Dẫn đầu đoàn quân là hoàng tử cưỡi trên một con ngựa hồng, áo mũ lung linh giáp sắt, hòa trong sắc cờ tung bay đỏ rực cùng voi ngựa và binh khí sáng lòa. Khi đoàn quân tới thôn Hoàng, xã Cổ Nhuế đã thấy dân làng đứng hai bên đường nghênh đón và xin được tôn hoàng tử làm Thành hoàng để thờ phụng lâu dài. 

Thấy dân làng có lòng thành ngưỡng mộ, Hoàng Vương xuống ngựa an ủi và ban cho phẩm vật như bánh dày, chè kho, bánh rán, chè lam, gạo nếp rang, là những thứ lương khô mà đoàn quân mang theo, rồi từ biệt, cùng đoàn quân lên đường chiến đấu. 

Dân làng bịn rịn bái lạy rồi đi theo quân một đoạn đường dài. Mãi đến khi bóng cờ khuất dần sau những con đường quê, dân làng mới trở về và cầu chúc cho đoàn quân chiến thắng.

Tháng 2 năm Mậu Thìn (1028), Hoàng Vương thắng trận trở về, dân làng ra đón mừng rất thành kính. Khi về đến Thăng Long, trước điện Càn Nguyên, Hoàng Vương quỳ trước thềm rồng báo tin thắng trận và tâu xin với cha rằng: “Đội ơn uy linh của trời đất, quân đi đến đâu thắng đến đó. Phàm những nơi đi qua và trở về dân ra đón hai bên đường gồm 82 xã, đều muốn xin hoàng nhi làm phúc thần địa phương”.

Tất cả lời tâu xin đều được vua cha chấp thuận. Dân làng Cổ Nhuế được xuống chiếu ban cho 1.600 mẫu ruộng và được miễn tô thuế ba năm. 

Đến năm Thiên Thành thứ 2 (1029), Hoàng Vương có nhờ người tinh thông phong thủy tìm đất dựng chùa để thờ Phật, khi tìm thấy đất đẹp ở vùng Cổ Nhuế, Hoàng Vương bèn cho xây dựng. Nhưng thấy dân nơi đây còn nghèo khó, nên công chúa thứ tư, con vua Lý, tên là Tả Minh Hiển xin bỏ tiền ra xây dựng theo khuôn mẫu định trước. Sau khi chùa được xây xong, dân làng đã lên kinh thành Thăng Long xin được thờ công chúa bên tả và được Hoàng Vương chấp thuận. 

Đình thôn Hoàng được dựng từ lâu đời. Hiện vật trong đình thờ Thần hoàng Đông Chinh Vương còn 17 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng nhà Lê đến thời Khải Định nhà Nguyễn; có một cuốn ngọc phả; ba ngai thờ, một kiệu bát cống cho khắc chữ “Cảnh Hưng Giáp Thìn niên” (năm 1784)…

Trong đình có đôi câu đối:

Cổ Pháp thiệu cơ, Lý lệnh trụ lưỡng triều khai thế
Nhuệ Giang lưu dấu tích, Việt phúc thần lịch đại bao phong.
Nghĩa:

Cổ Pháp dựng cơ đồ, Lý lệnh trụ mở mang hai triều đại
Nhuệ Giang lưu dấu tích, thần nước Việt được phong tặng các đời. 

Hiện ở làng Cổ Nhuế, ngoài đình thôn Hoàng còn có đình thôn Viên cũng thờ Đông Chinh Vương.

Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2, kỷ niệm ngày Đông Chinh Vương xuất quân đi đánh giặc Văn Châu năm xưa, dân làng Cổ Nhuế lại mở hội lớn. Đám rước từ đình thôn Hoàng tới chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, đến cuối làng rẽ ra chùa Anh Linh. Đi hết lượt, đoàn rước thánh quay về đình thôn Hoàng cúng giã. 

Đình thờ Đông Chinh Vương đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đông Chinh Vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO