Tình nguyện gác tàu
Mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ chỉ vài mét vuông do Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hải Phòng xây tặng từ năm 2014 để có nơi trú mưa, tránh nắng, người đàn ông với mái tóc bạc phơ và đôi chân không lành lặn vì tật nguyền, vui mừng ra mặt. Ông pha vội ấm chè để tiếp khách. Bất chợt ông nhớ ra việc gì đó cần làm, ngước mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, ông quay lại nói với chúng tôi "các cháu chờ ông chút nhé, lại sắp có chuyến tàu khách qua rồi"...
Chưa dứt lời thì chiếc điện thoại được ngành đường sắt cấp cho vợ chồng ông kêu reng reng, bên kia đầu dây, một nữ nhân viên thông báo lịch trình tàu chạy. Vừa nghe xong, ông lại vội vàng cầm theo chiếc nạng, lết ra khu vực ngoài cửa, miệng thổi còi, tay nhanh nhẹn kéo sợi dây được thiết kế khá đặc biệt cùng với ròng rọc, chuẩn bị kéo chiếc barie xuống chắn đường. Vậy là thêm một chuyến tàu khách được vận hành an toàn.
Gần 10 năm tình nguyện ra đây gác tàu, ông Xá đã gặp biết bao những cảnh dở khóc, dở cười mà xét đến cùng nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số người còn hạn chế, nhất là lớp trẻ. Tuy nhiên, vì cộng đồng nên ông bà đều bỏ ngoài tai, tiếp tục công việc đầy ý nghĩa của mình. Có những người sau khi thoát "cửa tử thần" trong gang tấc mới quay lại cảm ơn ông bà và xin lỗi vì sự bất cẩn trước đó. Những lúc ấy, trong lòng ông cảm thấy vui lắm vì đã cứu được một con người và giúp họ hiểu ra giá trị chân thực của cuộc sống.
Kể về quá trình ra gác tàu, ông Xá nhớ lại: Làng Dụ Nghĩa nằm bên quốc lộ 5, lúc nào cũng tấp nập xe cộ, muốn vào làng chỉ có con đường duy nhất là băng qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Cũng bởi vì chưa có người gác tàu nên trước đây đoạn đường này vẫn được coi là "cửa tử thần" bởi năm nào tai nạn cũng cướp đi sinh mạng của 1 đến 2 người, có năm cao điểm thì 3 đến 4 người tử vong.
Người dân trong làng Dụ Nghĩa vẫn còn nhớ như in, có lần một công nhân đi làm về, do không chú ý quan sát đã bị tàu hỏa cán thành nhiều khúc. Cũng có lần một học sinh đi qua đường không may va chạm với tàu hỏa và tử vong tại chỗ. Ngay trong họ nhà ông Xá cũng có một cháu bé đã thiệt mạng khi đụng vào tàu hỏa…Tất cả những cái chết thương tâm đó đã thôi thúc ông tình nguyện ra đây gác tàu.
Theo ông Xá, ban đầu việc gác tàu vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ con ông. Họ lo cho ông một thân một mình không có người chăm nom lúc ốm, lúc đau, đôi chân lại tật nguyền. Nhưng thấy ông kiên quyết, cuối cùng cả nhà cũng đành chấp thuận, rồi sau đó người vợ hiền cũng theo ông tình nguyện ra gác tàu.
"Đó là vào năm 2009, tôi làm đơn tình nguyện xin địa phương ra đứng gác tàu tại điểm cắt ngang đường dân sinh ở Km số 87+400 đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ngày đó, nhân dân địa phương thấy tôi tình nguyện làm việc này ai cũng vui mừng, họ dựng cho tôi một túp lều nhỏ và barie chắn tàu bằng tre thiết kế đơn giản với ròng rọc có thể kéo lên kéo xuống mỗi khi tàu chạy qua. Những tháng đầu ra đây, do chưa quen lịch trình tàu chạy cũng như sự ồn ào của các phương tiện giao thông trên quốc lộ 5, tôi mất ăn, mất ngủ, gầy đi trông thấy. Bên cạnh đó, đêm nào bọn nghiện cũng vào "xin đểu" rất nguy hiểm, vợ con thấy thế thương quá cứ giục tôi về làng. Nhưng bỏ qua tất cả khó khăn đó, tôi vẫn quyết tâm gác trụ. Đã gần 10 năm trôi qua, điểm gác tàu trở nên gần gũi với nhân dân, ý thức chấp hành Luật Giao thông cũng vì vậy được nâng lên rõ rệt, đặc biệt tai nạn giao thông ở "cửa tử thần" giảm đi trông thấy, không có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra nữa" - ông Xá chia sẻ.
Ông Xá kéo barie xuống cho chuyến tàu vận hành an toàn. Ảnh TN
Mong tiếp tục được cống hiến
Tâm sự với ông Xá, chúng tôi thấy được tình cảm gắn bó, yêu thương của ông với những con người trên quê hương mình lớn như thế nào. Theo ông Xá, công việc gác tàu đã trở nên quen thuộc, gắn bó máu thịt như một phần không thể thiếu, vì đó còn là sự an toàn về tính mạng và tài sản của những người trên quê hương ông.
"Là người gác tàu duy nhất không công trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, song tôi không vì thế mà thiếu cẩn trọng, chỉ lơ là sơ ý một chút là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Mỗi ngày trôi qua, tôi nhớ như in trong đầu lịch trình từng chuyến tàu chạy, cẩn trọng ghi chép vào cuốn sổ nhỏ để khi cơ quan chức năng cần thì có ngay. Dù cho đó là ngày mưa, ngày nắng hay những lúc ốm đau thì chiếc barie chắn tàu vẫn được kéo đứng giờ theo lịch trình tàu chạy. Chỉ cần nhìn dòng người qua lại tuyến đường an toàn là tôi đã đón niềm vui lớn nhất cuộc đời" - ông Xá chia sẻ.
Tuy nhiên, ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", sức khỏe không còn được như trước, thêm vào đó lúc trái nắng trở trời không có con cái chăm nom nhiều khi cũng cảm thấy thiệt thòi. "Nhiều lúc ngồi nghĩ lại tôi cũng thấy tủi thân, muốn về làng đoàn tụ với con cháu nhưng lại sợ điểm gác tàu một ngày không có người trông nom sẽ mất an toàn nên đành thôi. Có những lần, con cháu tôi kéo nhau ra động viên ông bà về làng, chúng nó bảo ngày trước ông bà còn khỏe mạnh thì "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" cũng được, nhưng bây giờ tuổi cao sức yếu cũng nên về nhà để con cháu phụng dưỡng tuổi già… chỉ vậy thôi tôi cũng thấy mủi lòng".
Làm công việc gác tàu đã gần 10 năm nay, tiếp xúc với vô số người dân, đã thầm lặng cho hàng ngàn chuyến tàu được vận hành an toàn, nhưng ít ai biết đến hoàn cảnh hết sức éo le của ông bà. Kể từ ngày tình nguyện ra gác tàu, ông bà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của chính quyền địa phương cũng như đơn vị quản lý tuyến đường. Cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương hưu ít ỏi của bà và tiền trợ cấp tật nguyền của ông. Mọi sinh hoạt từ tiền điện đến các khoản thu khác, ông bà đều phải tự chi trả. Nếu không tằn tiện, bữa cơm rau mắm qua ngày thì chắc khó có thể trụ được ở "cửa tử thần" cho đến hôm nay.
Theo ông Xá: Năm 2014, vợ chồng ông được Ban An toàn giao thông TP.Hải Phòng trợ cấp cho điểm gác tàu mỗi tháng 600.000 đồng, nhưng đến đầu năm 2016 thì Ban An toàn giao thông lại cắt số kinh phí hỗ trợ ít ỏi đó. "Cũng đã gần 10 năm gắn bó với điểm gác tàu này rồi, tôi chỉ mong tiếp tục được gắn bó với nó. Cả cuộc đời tôi đã quá nhiều bất hạnh, đau khổ, nay ước mong nhỏ nhoi là các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ để vợ chồng tôi an tâm tuổi già, tiếp tục cống hiến sức lực cuối cùng cho xã hội, vì an toàn giao thông và hạnh phúc của người dân" - ông Xá mong mỏi.
Gần 10 năm tình nguyện gác tàu ở "cửa tử thần", ông Xá đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ghi nhận những nỗ lực vì cộng đồng trong tham gia xây dựng giao thông và đảm bảo TTATGT. Ngoài ra, còn hàng chục bằng khen khác của Bộ GTVT, UBND TP.Hải Phòng và các cấp ngành ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của cá nhân ông. Tuy nhiên, không vì thế mà ông Xá trở nên lơ là với công việc, với ông Xá, những chuyến tàu an toàn, những người dân bình an là niềm vui lớn nhất của cuộc đời".