Đời sống công nhân: Còn đó những nhọc nhằn...

Mỹ Nga| 15/05/2017 10:22

Cùng với sự phát triển của xã hội, trong thời gian qua hệ thống các khu công nghiệp được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động của nước ta. Tuy nhiên đời sống công nhân ở nhiều khu công nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Tạo cơ hội việc làm

Với tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ, những năm qua, các nhà máy xí nghiệp đã không ngừng tạo cơ hội việc làm cho nguồn lực lao động dồi dào với kinh nghiệm và trình độ ngày càng cao của nước ta. Về các khu vực xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương... sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trong đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Phần lớn thanh niên, người trẻ đang trong độ tuổi lao động đều là công nhân của một công ty, xí nghiệp nào đó. Họ làm việc tích cực với mức thu nhập ổn định theo tháng.

Đời sống công nhân: Còn đó những nhọc nhằn...
Ngồi ở phòng trọ là cách nghỉ ngơi lúc nhàn rỗi

Tại những khu công nghiệp lớn của Hà Nội như Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Phú Nghĩa... cũng thu hút hàng nghìn công nhân làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân với nhiều ngành nghề như: may mặc, điện tử, cơ khí... Nhiều lao động từ các tỉnh lân cận cũng đổ về để kiếm sống.

Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của nhiều khu công nghiệp tại địa phương ngày càng thu hút nguồn lao động tại chỗ. Chị Thanh Hải sống tại Lương Sơn -Hòa Bình (Công nhân may của khu công nghiệp Lương Sơn) cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Từ khi vào làm việc ở khu công nghiệp, tôi có thêm một khoản tiền để trang trải cuộc sống, con cái được chăm lo tốt hơn. Hơn nữa, tôi còn tranh thủ những ngày nghỉ, làm thêm ruộng vườn, thế nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn.”

Thêm nữa, trong những dịp lễ đặc biệt như 8/3, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán công nhân được tham gia các chương trình giải trí do công ty tổ chức, nhận được quà động viên. Chị Thúy Hằng - Khu công nghiệp Lương Sơn chia sẻ: “Tôi nhớ như in hình ảnh ông giám đốc công ty ngồi trên chiếc xe đạp điện – phần quà mà một trong số công nhân chúng tôi sẽ được nhận trong ngày 8/3 - cười nói vui vẻ khi gặp gỡ công nhân trong một chương trình do công ty tổ chức. Những dịp lễ như vậy rất ít khi được thực hiện nhưng nó là niềm vui nhỏ mà người lao động có được sau những tháng ngày làm việc căng thẳng, cũng như thấy được sự quan tâm của người quản lý”.

Hiện nay, một số công ty đang được công nhân đánh giá cao vì đảm bảo được đời sống của công nhân như Canon, Samsung. Khi làm ở đây nếu chịu khó tăng ca, làm việc đều đặn, thu nhập của họ có thể lên tới 6 triệu/ tháng, đủ để trang trải cuộc sống giản dị của mình.

Còn đó những nhọc nhằn...

Việc xây dựng đời sống gia đình để công nhân “an cư, lạc nghiệp” hay đơn giản là việc đảm bảo cho đời sống của người lao động được đầy đủ, an toàn tại các khu công nghiệp còn nhiều tồn tại khiến đời sống công nhân còn bao những nhọc nhằn...

Xã Kim Chung - huyện Đông Anh - TP. Hà Nội là nơi tập trung rất đông người lao động đến tìm trọ vì gần nơi làm việc mà giá thuê phòng “phải chăng”. Không khó để tìm thấy những dãy trọ san sát ở đây. Những phòng trọ nhỏ bé 10m2, cũ kỹ, ẩm thấp, trên tường là những vết bẩn, mảng trầy xước theo thời gian mà chủ của nó cũng không muốn vá lại. Căn phòng bé nhỏ ấy phải chứa đựng nhiều loại đồ đạc của hai người thậm chí là của một gia đình nhỏ bao gồm: giường, tủ, bếp nấu ăn,... và cả xe máy. Không ai muốn để bất cứ đồ đạc nào ra ngoài vì theo họ cứ hở cái gì ra là sẽ bị mất. Vì lẽ đó mà đi đến đâu, vào hỏi thăm khu trọ nào chúng tôi cũng được nhận ánh mắt dè chừng, thắc mắc...

Trong khi đó, khi thấy nhu cầu về nhà ở của công nhân tăng cao, Thành phố Hà Nội đã xây dựng khu nhà ở cho người lao động. Nhưng với những quy định khắt khe khiến rất nhiều công nhân không mặn mà với nhà lưu trú mà tìm đến các dãy nhà trọ quanh khu công nghiệp để thuê trọ. Điều này càng khiến cho giá thuê phòng trọ ở các hộ dân tăng lên, chi phí sinh hoạt lại càng thêm eo hẹp. Cuộc sống công nhân luôn trong guồng quay nhà trọ - làm việc - nhà trọ...

Anh Nguyễn Văn Ninh (quê Vĩnh Phúc) công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ: “Chúng tôi làm việc theo ca, kíp. Đặc biệt hơn tôi làm trong khâu đúc tiếp xúc với nhiệt độ cao lên tới 200oC khiến cho tính khí con người nhiều lúc cũng bực bội, khó chịu. Ngày nào cũng làm việc hết mình nhưng tiền lương mỗi tháng cũng chỉ được 4 triệu đồng. Số tiền này gần như vừa vặn để trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt cá nhân, khó có thể dành dụm, tích cóp, gửi tiền về giúp bố mẹ. Tiết kiệm lắm, đến 2 tháng tôi mới dành được 1- 2 triệu đồng gửi cho bố mẹ. Nghĩ mình là con trai đã lớn mà không giúp được bố mẹ nhiều mà thấy buồn.”

Cũng vì tiền lương ít ỏi nên hầu hết công nhân đều ở ghép 2 - 3 người trong căn phòng bé nhỏ, chật hẹp. Họ góp gạo, nấu cơm để giảm chi tiêu vì nếu ăn cơm hàng quán thì cũng 25.000đ/ xuất, không  thể tiết kiệm được đồng nào.

Bên cạnh đó, xóm trọ còn có nhiều gia đình trẻ. Vợ chồng cùng làm công nhân. Tiền lương eo hẹp mỗi tháng phải chắt bóp từng đồng vì vừa phải gửi về cho bố mẹ vừa lo cho tổ ấm nhỏ. Nhiều gia đình phải nhờ bố mẹ lên trông con nhỏ vì không đủ khả năng trả tiền thuê người trông trẻ. Không ai dám mơ đến một lần được đèo nhau đi chơi, đi mua sắm vì sợ nhỡ có chuyện gì xảy ra lấy tiền đâu mà lo...

Nhiều công nhân trẻ đang trong giai đoạn kết bạn, tìm hiểu với mong muốn lập gia đình nhưng suốt ngày chỉ quẩn quanh từ công ty đến nhà trọ (nhất là liên tục phải làm tăng ca) khiến cho họ không có cơ hội giao lưu với xã hội. Chị Phan Thị Thảo – công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long ngậm ngùi kể: “Nhiều lúc cầm đồng lương trên tay, chúng tôi quyết định rủ nhau lên trung tâm thành phố để “giải ngố”. Thế nhưng lúc về số tiền còn lại chẳng là bao, đành ngậm ngùi ăn mì tôm trong những ngày còn lại”.

Không chỉ thế, đời sống tinh thần của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các công ty chưa thiết kế khu vui chơi giải trí để người lao động thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Các khu nhà ở có nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng gần như để không. Thậm chí việc chăm sóc chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội, sức khỏe cho công nhân chưa được quan tâm đúng mức. Thế nên, ngày qua ngày, phần lớn công nhân chỉ quay quắt với công việc mà không mấy khi được nghỉ ngơi, bồi đắp văn hóa tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đời sống công nhân: Còn đó những nhọc nhằn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO