Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Nỗ lực thực hiện 'mục tiêu kép'

Thanh Hiền - Thanh Hải/Hà Nội Mới| 27/04/2020 11:25

Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp trụ vững mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Trên tinh thần "Chung sống an toàn với dịch Covid-19" các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Các doanh nghiệp vừa bảo đảm chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ đà tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất lắp ráp sản phẩm LED liên hoàn tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Thích ứng với điều kiện mới

Tại Công ty TNHH Chế tạo cột thép Đông Anh (thị trấn Đông Anh), toàn bộ công nhân đều đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào ca sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chia giờ làm việc theo từng dây chuyền để giãn số lượng công nhân, bảo đảm khoảng cách 2m. Cùng với đó, tại bếp ăn tập trung, Công đoàn công ty đã lắp thêm vách ngăn giữa các bàn để hạn chế sự tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.

Theo anh Vũ Quang Thuận, công nhân Công ty TNHH Chế tạo cột thép Đông Anh, doanh nghiệp đã tuyên truyền, cảnh báo về triệu chứng bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch. "Việc cập nhật diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn cách xử lý và xây dựng mô hình nhà xưởng an toàn đã giúp công nhân yên tâm hơn mỗi khi đến làm việc", anh Vũ Quang Thuận nói.

Thực tế, xây dựng tiêu chí bảo đảm an toàn trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp là cách làm của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nhằm giữ gìn sức khỏe cho công nhân và duy trì sản xuất. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Vũ Hồng Nhung, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. 100% cán bộ, công nhân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt 2 lần/ngày, khai báo y tế hằng ngày. Nước sát khuẩn được bố trí tại lối ra vào, trong các phân xưởng...

“Cùng với đó, chúng tôi còn phun khử trùng văn phòng, phân xưởng sản xuất hằng ngày; thành lập tổ phản ứng nhanh, bố trí phòng cách ly, tập huấn phương pháp xử lý cho bộ phận y tế trong trường hợp phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19", bà Vũ Hồng Nhung thông tin. Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, đến nay với số lượng trên 2.000 cán bộ, công nhân viên, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Kết quả quý I-2020, doanh thu của đơn vị đạt 1.107 tỷ đồng (tăng 9,7% so với cùng kỳ 2019), bảo đảm việc làm, thu nhập đầy đủ cho 100% người lao động.

Tương tự, ở Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, cán bộ, công nhân được đo thân nhiệt hằng ngày, cấp phát nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang. Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Lương Văn Thắng cho biết, nhờ chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất vẫn bảo đảm.

Với trách nhiệm tham gia giám sát, đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản thông tin, doanh nghiệp và công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đều triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế. Chưa có công nhân, lao động nhiễm bệnh; các đơn vị duy trì hoạt động sản xuất bình thường. Dù cách ly xã hội đã được nới lỏng song công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, chế xuất vẫn được duy trì nghiêm.

Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hằng

Sẵn sàng tâm thế ”sống chung với dịch”

Thông tin về tình hình sản xuất trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, tuy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2019, song đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4-2020 cũng không mấy khả quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Lê Hồng Thăng nhận định, trong quý II-2020, dự báo một số thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ vẫn tiếp tục khó khăn, song thị trường Trung Quốc và nguồn cung nguyên liệu từ thị trường này dần ổn định. Cùng với đó, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt là cơ sở để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất của Chính phủ, UBND thành phố. Hầu hết các doanh nghiệp đều xác định chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để từ đó duy trì sản xuất, kinh doanh, chủ động thích ứng với tình hình mới.

Theo ông Lương Văn Thắng, dịch Covid-19 làm Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp đình trệ đơn hàng xuất khẩu nên đơn vị tập trung nghiên cứu thị trường trong nước, cho ra đời những sản phẩm mới phù hợp. Bên cạnh làm tốt công tác phòng dịch, doanh nghiệp tận dụng thời điểm này tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, chuẩn bị đón cơ hội khi dịch bệnh lắng xuống. Tương tự, "dù không bị ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, song Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông xác định thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống dịch để bảo vệ người lao động, bảo vệ sản xuất", bà Vũ Hồng Nhung thông tin.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để chuyển sang giai đoạn "chống dịch dài hơi", "sản xuất an toàn", các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng tiêu chí phòng ngừa rủi ro lây nhiễm. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tiêu chí phòng ngừa rủi ro lây nhiễm sẽ giúp doanh nghiệp có kịch bản ứng phó kịp thời, giải pháp phòng, chống dịch và kiểm soát rủi ro phù hợp.

Thông tin về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ông Lê Hồng Thăng cho biết, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thông tin về thị trường và cơ hội khi một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực... Thời gian tới, Sở sẽ triển khai hàng loạt chương trình kết nối giữa Hà Nội với các địa phương về tiêu thụ sản phẩm, tìm nguồn nguyên liệu… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí ngân hàng…

Với tâm thế chủ động “sống chung với dịch bệnh”, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm thiểu. Và khi dịch được khống chế, sự chủ động này sẽ là một lợi thế giúp doanh nghiệp Thủ đô bật dậy mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Nỗ lực thực hiện 'mục tiêu kép'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO