Đình Lỗ Khê, nơi thờ 4 vị Đệ nhất Thành hoàng làng Điện Hưng, dựng vào thế kỷ II trước Công nguyên. Về sau Đình còn phối thờ thêm 3 vị: Thủy thần, Dương Trực và Tô Quang. (ảnh: VOV5)
Vào đời Hùng Vương thứ 18, ở làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương, có một người con gái tên là Vũ Thị Khang. Bà là người có nhan sắc, nết na, hiền hậu, nhưng không lấy chồng mà lại đi tu ở chùa Pháp Vân (xã Hồng Lạc, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên). Một đêm, bà ngủ mê thấy một con rết trắng rất to trườn vào lòng rồi quấn lấy người. Sau đó, bà thấy trong người có sự khác lạ rồi mang thai. Để tránh sự cười chê của người đời, bà bỏ chùa Pháp Vân ra đi tìm nơi sinh nở. Một ngày kia, bà tới trang Lỗ Khê, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).
Khi đến Lỗ Khê, trên một gò đất, bà thấy có một thảo am, phía trước có chữ “Quang Linh am điện”, bên trong có rất nhiều những hòn đá xanh nhô lên từ lòng đất. Gò đất có tên là Bạch Ngô Công (gò Con Rết Trắng). Nhớ lại giấc mộng hôm xưa ở chùa Pháp Vân, bà cho đây là điềm lành và đã quyết định ở lại nơi này. Đến ngày mùng 4 tháng 1 (năm 313 trước Công nguyên) bà sinh hạ một bé trai khôi ngôi tuấn tú và đặt tên là Điện Hưng.
Được mẹ dạy bảo chu đáo, lớn lên Điện Hưng trở thành một chàng trai thông minh, học rộng, võ nghệ cao cường, ít ai địch nổi.
Thủa ấy, vua Hùng có 20 hoàng tử nhưng đều mất sớm, chỉ có hai công chúa ở lại hoàng cung. Người thứ nhất là công chúa Tiên Dung, đã kết duyên với Chử Đồng Tử, người làng Chử Xá, huyện Gia Lâm; người thứ hai là công chúa Ngọc Hoa xinh đẹp tuyệt trần. Vua cho dựng lầu kén rể ở cạnh thành Việt Trì, tìm người tài giỏi làm chồng Ngọc Hoa và để vua truyền ngôi báu. Sau nhiều ngày, các văn nhân, tài tử khắp nơi đến thi thố tài năng, cuối cùng có một người họ Nguyễn, tên là Tùng ở động Lăng Xương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây, được tôn là Tản Viên Sơn Thánh, có nhiều tài lạ, có thể dời núi, lấp sông, vua bèn gả con gái cho.
Bấy giờ, có một người tên Thục Phán, cũng thuộc tông phái nhà Hùng, đang cai quản đất Ai Lao, nghe tin Hùng Duệ Vương sắp truyền ngôi cho con rể, liền nổi giận, huy động quan quân ước chừng trăm vạn, chia làm năm đạo tiến đánh vua Hùng.
Tin cấp báo tới thành Phong Châu, vua Hùng vô cùng lo lắng cho triệu Tản Viên Sơn Thánh tới bàn việc. Sơn Thánh xin được tuyển người tài giỏi về cầm quân. Vua Hùng chuẩn tấu. Cuối cùng đã tìm được hai người.
Người thứ nhất là Điện Hưng, gọi là Ngô tướng công, người trang Lỗ Khê làm Tiền lộ tướng quân. Người thứ hai là Cao Sơn gọi là Quý Minh Công (quê ở thôn Hương Trầm, xã Thúy Lâm, huyện Đông Anh ngày nay) làm Hữu lộ tướng quân.
Mỗi người dẫn 5.000 quân ra trận. Ngọn cờ “phù Hùng diệt Thục” phấp phới tung bay, tướng sĩ lên đường hồ hởi, khí thế ngất trời.
Chiến trường chính diễn ra vô cùng ác liệt quanh núi Vây Rồng (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Quân của Điện Hưng quân Thục vây chặt, gặp lại lúc trời làm đại hạn, suốt 15 ngày quân sĩ không kiếm ra nước uống. Ai nấy đều mệt lả. Điện Hưng ngửa mặt lên trời cầu khấn thần linh phù trợ. Đêm ấy, ông mơ thấy một vị thủy thần hiện lên xưng là con trai út của Đức tổ Lạc Long Quân đang ngự tại miếu Đầu Triều ở làng Chóa (thôn Châu Lạc, xã Lạc Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) để cai quản ngã ba sông Hoàng Giang và Nguyện Giang. Thủy thần dặn Điện Hưng rằng: “Đến giờ Ngọ ngày mai người hãy thành tâm cầu đảo sẽ được toại nguyện. Nhưng ngươi phải nhớ, khi việc đã thành công, sau này ngươi ngồi ở đâu thì hãy mời ta ngồi bên cạnh để cùng hưởng lộc, vui buồn có nhau”.
Hôm sau, Điện Hưng sắm sửa lễ vật đến miếu, lập đền cầu đảo nhờ Út Đầu Triền giúp đỡ. Khấn vái vừa xong thì mây đen ùn ùn kéo đến, mưa trút xuống ào ào. Quân sĩ có nước nấu cơm ăn, tắm táp thỏa thê, trong chốc lát, tất cả trở lại khỏe mạnh, khí thế hùng dũng. Nhờ vậy mà chỉ một thời gian ngắn, quân Thục đã bị đánh tan, cả năm cánh quân đều thua chạy, tướng giặc bị giết, hơn 10 vạn quân tử trận.
Sau khi Hùng Duệ Vương dẹp xong giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, vua mở tiệc mừng chiến thắng và phong thưởng cho hai vị tướng tài. Điện Hưng được phong thực ấp ở trang Lỗ Khê; Cao Sơn được phong thực ấp ở trang Hương Trầm. Tại Lỗ Khê, Điện Hưng đã cùng với nhân dân xây dựng trang ấp phồn thịnh. Trong các gia đình đều lấy việc học làm đầu, lấy nghĩa nhân làm gốc.
Trước khi qua đời, Điện Hưng đã cho gọi các tộc trưởng trong trang đến tư dinh và giao lại cho họ bút, nghiên, cung, kiếm và dặn họ phải giữ gìn, nếu để mất thì sau này con cháu sẽ yếu hèn, dốt nát.
Ngay sau ngày mất, nhân dân Lỗ Khê đã tôn Điện Hưng làm Thành hoàng và lập đền thờ. Trong hậu cung đền, bên cạnh long ngai Điện Hưng còn có long ngai thủy thần Út Đầu Triền. Hai bên cửa đền có hai tấm bia đá khắc hình nghiên, bút cung, kiếm nhắc nhở dân làng thời loạn dụng võ, thời bình dụng văn.
Thánh Điện Hưng, Thành hoàng làng Lỗ Khê đã nhiều lần âm phù đánh giặc ngoại xâm.
Tháng 6 năm Mậu Dần (978), trời đại hạn, vua Lê Đại Hành, cho quan khâm sai đến đền Lỗ Khê làm lễ cầu đảo hai vị thần, quả nhiên trời nổi mưa to. Nhớ công ấy, vua ban phong Điện Hưng là Thánh cả với các mỹ tự “Hiển Ứng Linh Phù Đại Vương”; phong cho Út Đầu Triền là “Phổ Tế Linh Ứng Đại Vương”.
Đến thời Tiền Lê, năm 981, quân Tống do tướng Hầu Nhân bảo chỉ huy sang xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành trên đường ra trận đã vào đền Lỗ Khê làm lễ và xin thần phù trợ. Trên đường chiến thắng trở về, khi qua Lỗ Khê, vua đã vào đền làm lễ tạ ơn và trồng cây đa ở cạnh đền. Cây lớn lên tỏa bóng xum xuê được dân gọi là cây đa Lê Hoàn.
Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cuối năm 1427, hai tướng của Bình Định Vương là Dương Trực và Tô Quang đã đóng quân ở trang Lỗ Khê. Bốn mươi trai tráng Lỗ Khê đã xung quân. Tại đây, nghĩa quân đã cùng dân đào mương chống hạn, trồng tre đắp lũy chống quân thù. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), vua Lê Thái Tổ đã sắc cho trang Lỗ Khê thờ thêm hai vị là Dương Trực và Tô Quang và ban mỹ tự cho bốn vị thần:
Điện Hưng Hiển Ưng Linh Phù Đại Vương,
Út Đầu Triền Phổ Tế Linh Ứng Đại Vương,
Dương Trực Hầu Đại Liêu Đại Vương,
Tô Quang Hầu Đại Liêu Đại Vương.
Đình Lỗ Khê năm gian, kiến trúc đẹp. Tại đình còn giữ được tám sắc phong thần có niên đại thời Lê và Nguyễn.
Từ xa xưa, Lỗ Khê kết chạ giao hiếu với làng Châu Lạc (vì được thần Út Đầu Triền âm phù cho Điện Hưng), kết nghĩa với làng hương trầm (vì có Cao Sơn Quý Minh cùng đi đánh giặc với Điện Hưng).
Hằng năm, Lỗ Khê vào đám từ mùng 4 đến mùng 9 tháng Giêng. Ban thượng cúng cỗ chay có bánh dày, mía tấm đã dóc vỏ, và bỏng Chủ (bỏng làng Chủ).
Vào ngày 4 tháng Giêng, đoàn làng Châu Lạc cũng cử tám người sang lễ Thành hoàng Lỗ Khê. Lễ vật bắt buộc phải có hương sào. Khi đoàn Châu Lạc đã đốt hương và cắm vào lô hương, làm lễ xong thì người Lỗ Khê mới được tiến hành các nghi lễ.
Tương truyền, trước khi xuất quân lên Chi Lăng đánh giặc, Dương Trực và Tô Quang cho mổ trâu khao quân, nên hằng năm, vào đầu tháng 8 âm lịch, nhân dân Lỗ Khê mở hội lớn tưởng niệm công đức bốn vị thần, lấy ngày 10 tháng 8 làm chính hội. Trong ngày này, làng giết một trâu đực to nhất rồi chia phần cho tất cả mọi người trong làng để làm cỗ tế thần. Trong hội có thi hát ả đào, thướng vè trong nhiều ngày và kết thúc bằng hội cướp cây bông.