Điện Biên Phủ một thời qua nghệ thuật xiếc

Thụy Du/HNM| 28/04/2019 17:09

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang dàn dựng chương trình xiếc “Sống mãi với Điện Biên”, tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử của quân và dân ta cách đây 65 năm. Chương trình sẽ ra mắt khán giả Thủ đô vào 20h ngày 5-5, tại Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội), phát trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân dân.

Điện Biên Phủ một thời qua nghệ thuật xiếc

Sau chương trình “Đi cùng năm tháng” tri ân các Anh hùng, thương binh, liệt sĩ và người có công trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, ra mắt vào dịp 27-7 năm 2018, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục mạch xây dựng các chương trình nghệ thuật xiếc tổng hợp hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. 

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đây là sự thống nhất cao trong Ban lãnh đạo Liên đoàn, với mong muốn đem đến cho khán giả những chương trình xiếc vừa mang tính nghệ thuật vừa mang ý nghĩa lịch sử, qua đó, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy tình yêu nước trong nghệ sĩ trẻ và khán giả trẻ.

“Sống mãi cùng Điện Biên” do Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, được xây dựng giống như một sa bàn về Điện Biên Phủ một thời, để khán giả chìm đắm trong những tháng năm hào hùng của dân tộc thông qua nghệ thuật xiếc có lồng ghép các ca khúc và nghệ thuật diễn xuất. Chương trình dài 60 phút, mở đầu là hoạt cảnh “Người Mèo ơn Đảng”. Hình ảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc cùng với sinh hoạt của người dân, cuộc sống chan hòa tình quân dân sẽ được các nghệ sĩ thể hiện sinh động qua các màn tung hứng, đu dây, nhào lộn, xiếc thú (lợn, chó, ngựa)… Các vật dụng quen thuộc của đồng bào dân tộc như gùi, gậy, tre, nứa, nồi, xoong, khăn... trở thành đạo cụ biểu diễn linh hoạt cho các nghệ sĩ.

Hoạt cảnh “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo” được ê kíp đầu tư sáng tạo nhiều nhất, tái hiện hành trình “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” của quân và dân ta một thời. Ở đó, các nghệ sĩ vào vai chiến sĩ và nhân dân miền xuôi, sử dụng xe đạp, xe thồ, dép tông, gậy, đế pháo… thực hiện các màn nhào lộn, cầu bật, đế trụ, tung hứng… cho khán giả hình dung về những đoàn quân vượt núi, băng rừng tải đạn, pháo, lương thực vào chiến trường. 

Bên cạnh không khí hừng hực này, hoạt cảnh cũng đem lại nhiều phút giây xúc động cho khán giả. Ví dụ như màn biểu diễn khắc họa hình ảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn giữ pháo khỏi trôi xuống vực. Kết thúc chương trình là hoạt cảnh “Giải phóng Điện Biên” hùng tráng và sôi nổi, huy động toàn bộ diễn viên, thể hiện tổng hợp các loại hình xiếc trên sân khấu.

“Sống mãi với Điện Biên” cũng là chương trình xiếc sử dụng nhạc “sống” giống như “Đi cùng năm tháng” đã đem lại bất ngờ và xúc động cho khán giả theo dõi. Các ca sĩ, dàn hợp xướng, dàn nhạc sẽ thể hiện các ca khúc về Điện Biên và Tây Bắc, như “Người Mèo ơn Đảng”, “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”… kết hợp nhịp nhàng với nghệ sĩ xiếc trên sân khấu.

Trước phần biểu diễn, chương trình còn có giao lưu với các nhân chứng lịch sử về những năm tháng hào hùng của dân tộc, nhằm tạo cho nghệ sĩ và khán giả nhiều xúc cảm để thể hiện và thưởng thức nghệ thuật. Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng chia sẻ: “Các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã rất nhiệt tình tham gia sáng tạo trong chương trình và biểu diễn không nhận thù lao. Hầu hết gương mặt đã giành giải thưởng cao trong các cuộc thi, liên hoan xiếc trong nước và quốc tế của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều xuất hiện”.

Ban Tổ chức dành hàng trăm vé mời các cựu chiến binh, gia đình người có công và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đến thưởng thức; huy động được nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để tặng quà và xe lăn cho các cựu chiến binh, người có công trong kháng chiến chống Pháp.
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên Phủ một thời qua nghệ thuật xiếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO