Bộ phim điện ảnh Truyền thuyết về Quán Tiên được chuyển thể thành công từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều.
Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh từ trước tới nay vốn được xem như một trạng thái “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Trong lịch sử điện ảnh thế giới, theo báo Le Figaro (Pháp) khảo sát, thì văn học là “nguồn sữa” nuôi dưỡng các tác phẩm điện ảnh kinh điển (trung bình cứ 5 bộ phim điện ảnh thành công trong quá khứ thì có một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng). Có thể kể ra một số trường hợp tiêu biểu như: Cuốn theo chiều gió của M. Mitchell, Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy, Những người khốn khổ của V. Hugo, Sông Đông êm đềm của M. Solokhov, Bác sĩ Ziovagô của B. Paxternac, Người thứ 41 của B. Lavrenhev, Bố già của M. Puzo...
Trong văn học Việt Nam hiện đại, tác phẩm văn học luôn luôn là chất liệu cho các tác phẩm điện ảnh thành công như Chị Tư Hậu (chuyển thể từ tiểu thuyết Một truyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái (Anh Đức)), Bến không chồng, Thương nhớ ở ai (chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng, Mùa len trâu (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Sơn Nam), Thương nhớ đồng quê (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp), Truyền thuyết về Quán Tiên (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Xuân Thiều), Người trở về (chuyển thể từ truyện ngắn Người ở bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh), Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ truyện ngắn của cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư)...
Gần đây hơn một số tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim truyền hình kéo được nhiều khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ như: Một thế giới không có đàn bà (tiểu thuyết) của Bùi Anh Tấn, Bão ngầm (tiểu thuyết) của Đào Trung Hiếu. Bên cạnh đó, đã và đang xuất hiện xu hướng Việt hóa/ phiên bản phim nước ngoài (tiêu biểu như Người phán xử). Các nhà làm phim kiểu này biện hộ cho sự trồi sụt của chất lượng nghệ thuật phim bằng lý do thiếu kinh phí. Trong lĩnh vực nghệ thuật và giáo dục, thiết nghĩ, vấn đề vật lực không phải lúc nào cũng là yếu tố tiên quyết. Ở đây rõ ràng là vấn đề nhân lực, nói rõ hơn là tài năng. Nhìn lại giai đoạn 1945 - 1975, so với điều kiện vật lực hiện nay thì thua xa nhưng nhờ nhân lực nên vượt trội, bỏ xa giáo dục hiện thời. Nói ngược thời gian xa hơn nữa, ví dụ cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư được các bậc trí thức/ bậc túc nho (Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận) biên soạn cách đây hơn 80 năm, cho đến nay vẫn hiện đại vì tính chất khoa học của nó (tinh giản - tinh túy - tinh hoa). Không thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường khi các nhà làm phim (điện ảnh/ truyền hình) của ta hiện nay sản xuất ra những bộ phim chưa cao về chất lượng nghệ thuật, chỉ vì thiếu kinh phí.
Những tiểu thuyết lịch sử thành công gần đây rất có thể là “bột” quý để các nhà làm phim “gột nên hồ” - sản xuất những bộ phim (điện ảnh/ truyền hình) về các thời kỳ lịch sử và các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Tám triều vua Lý (tiểu thuyết lịch sử) của Hoàng Quốc Hải về thời kỳ hoàng kim của vương triều nhà Lý (1009 - 1225), Thiên mệnh (tiểu thuyết lịch sử) của Nguyễn Trọng Tân viết về thời đại Tây Sơn và anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ; Đường về Thăng Long (tiểu thuyết) của Nguyễn Thế Quang về thời đại cách mạng giải phóng (từ sau 1945) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một danh từ Việt Nam; Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (tiểu thuyết tư liệu - lịch sử) của Trần Mai Hạnh về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chính thể Việt Nam Cộng hòa dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vào thời điểm mùa xuân 1975, như cách diễn đạt của Nguyễn Minh Châu: “Một chế độ sụp đổ bởi sức mạnh của súng đạn đè lên nó, thì cái quần láng của những người đàn bà với kiểu may loại vải do chế độ đó đẻ ra cũng trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr. 262).
Các nhà làm phim nếu có kỳ vọng sản xuất những bộ phim điện ảnh/ truyền hình hay về cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam (1977 - 1979) và phía Bắc (1979 - 1989) thì nên chăng sáng tạo kịch bản trên nền các tác phẩm văn học thành công như: Mùa chinh chiến ấy (tiểu thuyết) của Đoàn Tuấn, Mình và họ (tiểu thuyết) của Nguyễn Bình Phương; Nậm Ngặt mây trắng (tiểu thuyết, Giải thưởng văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng, 2019) của Nguyễn Hùng Sơn; Gió Thượng Phùng (tiểu thuyết, giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V, 2016 - 2019, của Hội Nhà văn Việt Nam) của Võ Bá Cường... Đó là những thiên lịch sử được viết bằng ngôn ngữ văn chương một cách chân thực, trung thành nhất với hiện thực. Khi “Chiến tranh là siêu đề tài, người lính là siêu nhân vật” (Chu Lai), thì thành tựu của nghệ thuật thứ bảy về đề tài chiến tranh cách mạng cần phải được đầu tư bài bản: trước hết là kịch bản - với nguồn chất liệu vô tận từ các tác phẩm văn học của các thế hệ nhà văn - như là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất mà những nhà biên kịch cần đặt chân lên một cách tự tin vào thắng lợi trong sáng tạo. Giới phê bình và công chúng nghệ thuật đánh giá cao thành công của phim điện ảnh Truyền thuyết về Quán Tiên gần đây (dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều). Có thể coi đó là một bài học kinh nghiệm quý giá: Văn học như là một chất liệu đắc dụng của tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng.