Theo số liệu thống kê, Châu Phi hiện là nơi ẩn náu của hơn 10.000 phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Tại cuộc họp báo với Đặc phái viên Brett McGurk của Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Morocco nêu rõ, bên cạnh Syria, Iraq và Afghanistan, Châu Phi đã trở thành mục tiêu phổ biến của các phần tử khủng bố. Trong năm 2017, hơn 300 vụ khủng bố đã xảy ra tại Lục địa đen, khiến ít nhất 2.600 người thiệt mạng, cao hơn gấp 22 lần so với số nạn nhân của khủng bố tại Châu Âu. Al-Qaeda hiện là nhóm khủng bố lớn nhất tại Châu Phi, với hơn 6.000 tay súng, trong đó có khoảng 3.500 tên hoạt động tại Tây Phi.
Tác động của biến đổi khí hậu, đói nghèo, tăng trưởng kinh tế chậm, bùng nổ dân số... đã biến Châu Phi thành mảnh đất màu mỡ cho các tư tưởng cực đoan nảy nở và phát triển. Căng thẳng tại một số nước Châu Phi cũng giúp IS và nhiều tổ chức khủng bố khác chiêu mộ thành viên. Điển hình là nhóm Boko Haram được mệnh danh là tàn bạo nhất thế giới, nổi lên từ năm 2009 và trở thành một tổ chức man rợ ở Nigeria. Thông qua hàng loạt hành động tàn ác như bắt cóc, tra tấn, đánh bom, sát hại thường dân, nhóm khủng bố Boko Haram đã khiến hàng triệu người ở Châu Phi phải tha hương. Ngoài ra, trước khi bị tiêu diệt, thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi cũng được cho là đã ẩn náu ở Châu Phi, nơi được coi là an toàn nhất với tổ chức này vào thời điểm hiện nay. Các chuyên gia lo ngại, các phần tử IS đang chuyển hướng sang gây dựng số lượng mạng lưới khủng bố lớn nhất tại các nước Libya, Chad, Nigeria và Sudan, sau khi để mất quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng tại Iraq và Syria.
Ngoại trưởng N.Bourita cho rằng, Châu Phi cần có hành động chung ngay lập tức và quyết liệt để tăng cường an ninh, hỗ trợ kinh tế, tạo nền tảng ổn định cho phát triển. Để ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố đẫm máu đang cướp đi sinh mạng của thường dân vô tội và gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, các nước Châu Phi cần học hỏi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với Liên minh chống khủng bố quốc tế. Vì thế, hội nghị vừa diễn ra là cơ hội để liên minh chia sẻ thông tin giúp các nước khác thành lập một mạng lưới chống khủng bố, ngăn chặn sự xâm nhập qua biên giới của các phần tử khủng bố và cắt đứt các nguồn tài trợ cho khủng bố.