Nơi lưu giữ ký ức về Người
Vào cuối năm 1956, đầu năm 1957, tỉnh Sơn Tây được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chọn một nơi để xây nhà nghỉ với yêu cầu có núi, có rừng cây, có sông. Ty Công an Sơn Tây đã lên vùng rừng núi Ba Vì khảo sát, thấy Đá Chông hội tụ đủ các yếu tố trên nên trình bày với Tỉnh ủy để báo cáo với Trung ương.
Bác Hồ đã đích thân lên Đá Chông khảo sát, kiểm tra địa điểm này. Ngày 27-4-1957, nhân dịp Người lên thăm và xem Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Cùng đi với Bác có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc về, Bác dừng chân, nghỉ lại dưới gốc đa đầu xã Ba Trại, nay đã trở thành một địa danh lịch sử. Sau đó, vào ngày 23-2-1958, Bác còn lên xem xét khu Đá Chông một lần nữa.
Được Bác và Trung ương Đảng chấp nhận, khu nhà nghỉ Đá Chông được khởi công xây dựng với tên là Công trường 5. Đến năm 1960, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang mật danh K9, gồm 3 khu. Khu A là nơi Bộ Chính trị họp và tiếp khách. Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo. Khu C là nơi ở của anh chị em bảo vệ và phục vụ. Từ đó đến năm 1964, tại nhà nghỉ K9 đã diễn ra nhiều buổi tiếp khách và làm việc của Bác Hồ.
Ngày 13-3-1961, sau khi dự Đại hội toàn quốc lần thứ III của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai và ông Hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đã được Bác Hồ mời lên thăm K9. Bác đưa các vị khách đi thăm rừng thông, toàn cảnh Đá Chông rồi cùng trồng cây, chụp ảnh kỷ niệm và dùng cơm. Ngày 24 -1-1962, tại K9, Bác tiếp Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô sang thăm nước ta, do Anh hùng phi công vũ trụ Gherman Titov dẫn đầu. Bác đưa đoàn đi thăm toàn cảnh khu Đá Chông, cùng trồng hai cây vàng anh làm kỷ niệm. Bác thân mật mời đoàn ăn cơm trưa tại nhà khách.
Ngày 19-5-1963, anh em trong cơ quan chúc mừng sinh nhật lần thứ 73 của Bác tại K9. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng lên thăm, trao đổi công việc và dùng cơm trưa với Bác. Ngày 20-9-1964, Bác lên K9, cùng đi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Tại nhà A, Bác cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau sự kiện ngày 5-8-1964, ngày mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, bàn những vấn đề về công tác phòng không nhân dân...
Vì có những đóng góp tích cực vào Công trình K9, cuối năm 1965, Đảng bộ và nhân dân Hà Tây có vinh dự lớn: Được Bác Hồ ghi nhận thành tích và thưởng cho một chiếc ô tô Gaz để Tỉnh ủy dùng làm phương tiện đi lại, chỉ đạo chiến đấu, sản xuất, xây dựng thích ứng với thời chiến.
Ngày 2-9-1969, Bác Hồ qua đời. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác, nhưng đất nước còn chiến tranh nên sẽ chuyển lên K9 để bảo vệ, hướng tới là xây dựng Lăng tại Thủ đô Hà Nội. Được Trung ương giao trọng trách, chỉ sau 3 tháng, từ ngày 10-9 đến ngày 15-12-1969, Đoàn 69 Bộ Tư lệnh Công binh đã xây dựng xong nhà bảo quản thi hài Bác tại Đá Chông. 23h ngày 23-12-1969, đoàn xe đặc biệt đưa thi hài Bác từ Viện Quân y 108, tới K9 vào sáng 24-12, bảo đảm an toàn, bí mật và các yêu cầu về y học. Từ đó cho đến tháng 7-1975, gần 6 năm, tuy có thời gian thi hài Bác được chuyển về Hà Nội hoặc tới một địa điểm dự phòng khác nhưng ở K9 là chính.
Ngày 23-8-1970, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng lên K9 và nhận xét: “Sau gần một năm thi hài Bác vẫn được bảo vệ, giữ gìn tốt!”. Tháng 2-1974, từ miền Nam ra miền Bắc công tác, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lên K9 viếng Bác...
Tháng 9-1973, việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội khởi công và hoàn thành vào ngày 22-8-1975. Ngày 29-8-1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể. Từ đó đến nay, thi hài Bác được bảo vệ, gìn giữ trong Lăng.
Chuyến đi đầy ý nghĩa
Cách đây ít năm, vào một ngày đầu thu, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã tổ chức cho các thành viên Tổ sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã và cán bộ xã đã nghỉ hưu” lên thăm K9 - Đá Chông.
Tại khu nhà A, nhân viên khu di tích hướng dẫn chúng tôi dâng hương tưởng niệm Bác tại tầng dưới nhà sàn, nơi Bác và Bộ Chính trị trước đây vẫn họp, nay là Nhà thờ Bác ở K9. Nhà thờ có cửa võng, bên trong đặt tượng Bác; bên ngoài là hai tấm pa nô lớn, một trích Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lễ truy điệu Bác năm 1969, một trích Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 29-11-1969 về việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Tầng trệt của nhà sàn kê đầy đủ các dãy bàn ghế như khi Bác và Trung ương họp. Trên tầng 2 có 3 phòng, gồm 1 phòng nghỉ dành riêng cho Bác và 2 phòng dành cho khách.
Rời nhà sàn, chúng tôi xuống thăm, thắp hương và chụp ảnh dưới bàn thờ Bác dựng bên những tảng đá cao, nhọn như những mũi chông, biểu tượng tự nhiên vốn có của Đá Chông, nơi mà trong dịp lên thăm nơi đây lần đầu năm 1957, Bác đã ngồi nghỉ, ăn cơm nắm muối vừng và khen phong cảnh đẹp vì có núi, có rừng, có sông... Tiếp đó, chúng tôi sang thăm ngôi nhà bảo quản thi hài Bác. Qua cửa kính, có thể thấy trong phòng vẫn lưu giữ bộ lồng kính đã từng bảo vệ, giữ gìn thi hài Người...
Từ K9, chúng tôi đi tiếp lên thăm Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì, ở độ cao 1.298 mét. Đền được tạo dựng năm 1999, nay là một điểm đến trong tour du lịch Ba Vì.
Với riêng tôi, trong quãng đời công tác gần 50 năm, đã một lần được đón Bác, nghe Bác nói chuyện trong dịp Người lên động viên công tác sản xuất, phòng chống lụt bão của tỉnh Sơn Tây (cũ) năm 1958, được lên K9 Đá Chông, thăm nơi từng bảo vệ, gìn giữ thi hài Bác Hồ, cảm xúc thật là mãn nguyện.
Bác đã đi xa với toàn Đảng, toàn dân nhưng Di chúc thiêng liêng của Người, cuộc đời của Người, tấm gương của Người mãi mãi là “kim chỉ nam” cho mọi hành động, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết nên cảm xúc: “Bác đi..., Di chúc giục lòng ta/ Cho cả muôn đời một khúc ca/ Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn/ Và tình thương, ơn nghĩa bao la” (“Theo chân Bác”).