Năm ấy, cô Phạm Thị Nhàn, một thợ làm nón giỏi ở làng Chuông (nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) lấy chồng ở thôn Phú Xuyên đã mang nghề theo và truyền dạy cho dân làng. Chỉ mấy năm sau, nghề làm nón lá đã lan ra toàn xã. Để tạo ra bản sắc riêng của nghề nón Phú Châu, cô Nhàn đã điều chỉnh, cải tiến để có chiếc nón lá mang thương hiệu Phú Châu mà vẫn nhẹ, bền và đẹp không kém nón lá làng Chuông.
Nón lá Phú Châu chỉ có 15 lớp vòng, ít hơn 3 - 5 vòng so với nón làng Chuông và các làng nghề khác. Để bảo đảm cho khung nón chắc chắn, khoảng cách các vành con được điều chỉnh hợp lý. Riêng khâu quay nón do thợ giỏi đảm nhiệm để mặt nón được phẳng, đẹp. Các mối nối của sợi móc được giấu rất kín, khi nhìn bên ngoài cứ tưởng chiếc nón được thắt bởi một dây móc hay sợi cước duy nhất.
Nón lá Phú Châu có hai loại chính là nón chợ và nón thửa. Nón chợ là loại sản xuất đại trà, dùng cho người lao động bình dân, giá bán từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/chiếc. Nón thửa là loại nón do khách đặt hàng với yêu cầu cao hơn về nhiều mặt, giá bán trên 100.000 đồng/chiếc. Theo bà Nguyễn Thị Bình ở xóm 6, thôn Phú Châu, nếu một người làm tất cả các công đoạn (vót vành, là lá, dựng và khâu nón) thì một ngày chỉ làm được 2 - 3 chiếc nón đẹp; còn nếu chỉ chuyên thắt nón thì một ngày có thể hoàn thành được 6 - 7 chiếc. Tính chung thu nhập hằng ngày của mỗi lao động làm nón, sau khi trừ các chi phí, chỉ khoảng trên dưới 50.000 đồng nhưng là nguồn thu ổn định.
Nón lá của 3 làng nghề ở Phú Châu đã tạo nên thương hiệu riêng và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, được xuất sang Trung Quốc. Hằng năm, ngày hội làng Phú Xuyên 15 tháng 2 âm lịch trở thành ngày hội chung vui của cả 3 làng. Trong “Hội làng nón”, chiếc nón lá trở thành hình tượng nổi bật, tôn vinh nghề đẹp ở một làng quê trù phú ven bờ bãi sông Hồng.