Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu nguồn nhân lực như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam sẽ không có đủ nguồn lực lao động để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đa chiều, thẳng thắn đã được trình bày, hướng tới bảo đảm sự phù hợp với thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, quyền bình đẳng giới, điều chỉnh quan hệ lao động ngày một lành mạnh…
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long) Phạm Hải Hà, đại diện cho gần 6.000 lao động cho biết, chỉ có 1,5% người lao động trong công ty đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Là cơ sở sản xuất bảng vi mạch, người lao động thường xuyên phải đứng thao tác bằng chân tay, cường độ lao động cao, trong khi các chi tiết điện tử rất nhỏ, ảnh hưởng nhiều đến mắt, xương khớp, rất khó đảm bảo tính chính xác khi tuổi cao. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây khó khăn rất nhiều.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, kèm theo giải quyết việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Bên cạnh đó, theo ông Quảng, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn, có các chính sách hỗ trợ linh hoạt.