Đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát của nhạc sĩ Trần Tiến
Ngày 13/5, đêm nhạc “Nửa Thế Kỷ Phiêu Bạt” ghi dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật 50 năm của Trần Tiến sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Chương trình do Cao Trung Hiếu làm đạo diễn, Đức Trí làm giám đốc âm nhạc. “Nửa thế kỷ phiêu bạt” gồm ba phần, ứng với từng chặng đường hoạt động âm nhạc của Trần Tiến. Phần một - Guitar - là câu chuyện về người lính và phận người trong chiến tranh. Phần hai - Ngẫu hứng - xoay quanh những tác phẩm về tình yêu. Phần cuối - Trắng đen - là sự chiêm nghiệm về cuộc đời thăng trầm của Trần Tiến.
Nhạc sĩ Trần Tiến dùng từ “phiêu bạt” để đặt cho đêm nhạc kỷ niệm chặng đường làm nghề của mình, thay vì “lãng du”. Lý giải về điều này, nhạc sĩ tâm tình: “Nhà tôi từng rất giàu, giàu thứ 6 ở Hà Nội, nhưng sau đó lại không còn gì. Tôi phải đi kéo xe, làm đủ nghề để nuôi mẹ, nuôi em. Tôi bị cuộc đời đẩy vào phiêu bạt. Chiến tranh thì tôi vào chiến trường, trở thành người lính bảo vệ đất nước. Nhưng tôi đi đến đâu là viết nhạc đến đó. Vì vậy dùng từ phiêu lưu, lãng du… cũng đủ, nhưng đúng nhất là phiêu bạt”.
Chương trình có khoảng 25 bài hát, được trình diễn qua các giọng ca: Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, Trung Quân Idol, Nhóm Du Ca (An Nhiên và Hiền Lê), cùng dàn hợp xướng Saigon Choir.
Chia sẻ về lý do thực hiện chương trình, đạo diễn Cao Trung Hiếu bày tỏ: "Sau khi xem phim tài liệu về chân dung Trần Tiến - Màu cỏ úa - ra mắt hồi năm 2020, tôi cùng ca sĩ Hà Trần và nhạc sĩ Đức Trí ấp ủ làm đêm nhạc về ông. Chúng tôi nhiều lần xuống Vũng Tàu, nơi ông sống, trao đổi về ý tưởng này. Đến nay, ông mới đồng ý để mọi người làm live concert", Cao Trung Hiếu nói.
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm 1947, là em trai của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Từ khi 16 tuổi, ông làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông là ca sĩ của đoàn. Năm 1971 đến 1978, ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và sáng tác giao hưởng.
Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, lúc thể hiện tinh thần yêu nước (Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát), khi cổ động cho tinh thần đổi mới (Rock đồng hồ, Trần trụi 87) và dân gian đương đại (Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà).