Đề xuất mô hình phát triển mới cho Hà Nội

kinhtedothi| 27/04/2022 11:18

Hiện TP Hà Nội đang tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong công tác quy hoạch.

Trong đó việc lập hai bản quy hoạch lớn là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang dành được nhiều sự quan tâm và khuyến nghị từ giới chuyên môn.

Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nên tích hợp hai loại hình quy hoạch

Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường cho biết, kể từ khi có Luật Quy hoạch 2017, chúng ta xóa bỏ nhiều quy hoạch không cần thiết, đặc biệt là quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể không còn phù hợp với kinh tế thị trường. Thực hiện tích hợp nhiều dạng quy hoạch trong một bản quy hoạch, gọi là quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, mỗi quy hoạch ngành có đặc thù khác nhau, có hệ quy chiếu, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp lập khác nhau, khi tích hợp quá nhiều quy hoạch ngành vào một bản quy hoạch sẽ phát sinh mâu thuẫn hoặc khó có thể tương thích với nhau. Sắp tới, nếu Quốc hội cho phép xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch, cần tính đến vấn đề tinh gọn hệ thống quy hoạch.

Lãnh đạo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đã đưa ra kiến nghị, trước hết cần xem xét lại về việc tích hợp tới 39 ngành lĩnh vực trong một bản quy hoạch. Chỉ nên tích hợp những quy hoạch có tính tương đồng nhất định ví dụ như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch vận tải. Bởi nếu khi tích hợp quá nhiều sẽ đơn thuần chỉ là phép cộng của các quy hoạch ngành. Thứ nữa là rà soát lại với 5 TP trực thuộc T.Ư đang thực hiện song hành hai bản quy hoạch: Quy hoạch TP theo Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch chung xây dựng TP thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị 2019.

Vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải làm hai bản quy hoạch cùng một lúc hay không? Hay nên chăng tích hợp vào một bản vì quy hoạch xây dựng từ xưa vốn dĩ đã mang tính tích hợp, đã bao gồm trong đó nhiều ngành. Quy hoạch chung xây dựng đô thị có thể chưa tích hợp như tinh thần của Luật Quy hoạch 2017 nhưng nó vốn đã mang tính tích hợp thì chỉ cần yêu cầu tích hợp sâu hơn nữa là đã đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch 2017 thay vì chúng ta phải làm hai bản quy hoạch cùng một lúc.

Hiện Hà Nội là một trong 5 TP trực thuộc T.Ư thực hiện song hành hai bản quy hoạch. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tính chồng lấn, chồng chéo về mặt nội hàm giữa hai loại hình quy hoạch này. Thực tế, đây là các loại hình quy hoạch nếu được hiểu đúng nghĩa, được các đơn vị tư vấn thực hiện có chất lượng và theo đúng phương pháp thì sẽ không chồng lấn.

Tuy nhiên, hiện nay những quy định chi tiết của pháp luật về nội hàm hai quy hoạch này chưa rõ ràng nên vẫn còn cách hiểu hai quy hoạch này có thể trùng lặp. “Nếu chúng ta kiểm soát tốt quá trình lập quy hoạch thì hai quy hoạch này có vai trò đóng góp nhất định. Vẫn cần nói thêm, nếu hai quy hoạch này tích hợp làm một thì TP chúng ta sẽ có bản quy hoạch chắt lọc hơn, tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác lập quy hoạch” - PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường nêu.

Chú trọng nguồn lực thực thi

Bên cạnh thực hiện Quy hoạch TP theo Luật Quy hoạch, Hà Nội cũng đang chuẩn bị điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được lập từ năm 2011. Theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, hiện có nhiều vấn đề đặt ra với bản quy hoạch này mà hơn 10 năm qua chúng ta chưa triển khai được.

Ví dụ tiêu biểu là trước đây quy hoạch xác định Hà Nội phát triển theo mô hình đô thị vệ tinh nhưng cho đến giờ phút này, sau hơn một thập kỷ thì các đô thị vệ tinh chưa được hình thành. Đây có thể coi là một thất bại. Do đó khi điều chỉnh, nên phải rà soát lại xem Hà Nội có thật sự phù hợp với mô hình phát triển đô thị vệ tinh hay không?

Cũng theo vị chuyên gia, do tính phức tạp cũng như mật độ dân số, mật độ xây dựng của Hà Nội rất cao nên có nhiều quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, nhiều dự án với loại hình tính chất khác nhau đã và đang liên tục được đầu tư phát triển. Đó là mặt tốt của đô thị hóa nhưng ngược lại quản lý trật tự xây dựng và quản lý dự án phát triển đô thị ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Và dẫn tới trong lần điều chỉnh quy hoạch này TP phải giải quyết những vấn đề mà nhiều khi chỉ là thuần túy phục vụ yêu cầu của thực tiễn, khiến mất đi tính tổng thể của một bản quy hoạch tốt.

“Chúng tôi băn khoăn liệu những người làm quy hoạch còn dư địa, còn đất để sáng tạo hay chỉ giải quyết những vướng mắc đã phát sinh trong quá khứ 10 - 20 năm qua” - PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường chia sẻ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, lập quy hoạch tốt là một chuyện nhưng bố trí nguồn lực để thực thi quy hoạch mới là điều quan trọng bởi nếu không tất cả sẽ trở thành quy hoạch treo. Hiện TP mới chỉ đang chú trọng vào việc lập quy hoạch, trong khi đó làm thế nào có nguồn vốn lập quy hoạch đó lại ít được quan tâm, chưa được để ý một cách thấu đáo, quy hoạch vẽ ra đẹp nhưng không tính đến nguồn vốn thực hiện.

Theo KTS Trần Huy Ánh, Quy hoạch năm 2011 đã đưa ra nhiều khái niệm mới: Đô thị vệ tinh, hành lang xanh, nêm xanh, TP thông minh, TP sinh thái, khu công nghệ cao… nhưng tới nay chưa có cái nào có thể gọi là thành công. Đặt ra những mục tiêu mới để phát triển là tốt, nhưng việc lập quy hoạch cần phải sát thực tế, tập trung vào những vấn đề mà nguồn lực của chúng ta có thể hiện thực hóa được.

“Trong lần điều chỉnh sắp tới, quy hoạch cần phải sát thực tế, tập trung vào những vấn đề mà nguồn lực của chúng ta có thể hiện thực hóa được, tránh lặp lại việc vẽ ra quá nhiều điều kém khả thi” – KTS Trần Huy Ánh khuyến nghị.

Về giải pháp, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường cho rằng, nếu như ngay trong quá trình lập quy hoạch lần này, chúng ta tính toán luôn được giải pháp có thể tạo ra được nguồn lực từ đất đai để thực thi quy hoạch thì rất hiệu quả. Ví dụ, trong quá trình lập quy hoạch, chúng ta xác định được những lô đất công sau này có thể nhờ quá trình mở đường được nâng giá trị thì phải có giải pháp thu hồi để đấu giá, tạo nguồn lực để quay trở lại cho đầu tư phát triển đô thị thay vì cho một số ít người hưởng lợi.

“Chúng ta phải xác định được từ quá trình lập quy hoạch thì mới có lời giải cho bài toán nguồn lực, nếu không sau này sẽ lại do một vài cá nhân chủ động đầu tư, hoặc đầu tư có tính tự phát, thu lại lợi nhuận chứ Nhà nước không được hưởng lợi” – ông Lưu Đức Cường nhấn mạnh.

Để có bước đột phá lần này TP Hà Nội cần chọn được đội ngũ tư vấn quy hoạch thực sự mạnh, thực sự có năng lực, trí tuệ và tâm huyết để làm sao có thể rà soát đánh giá quy hoạch cũ và mạnh dạn đề xuất mô hình phát triển mới cho Hà Nội thay vì những mô hình chúng ta đã thất bại trong quá khứ.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất mô hình phát triển mới cho Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO