Giảm số người tham gia, tăng số nợ đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 6-9, cả nước có hơn 14,84 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (hơn 13,66 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và hơn 1,18 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), đạt 29,82% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách bảo hiểm y tế thu hút hơn 85,24 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 87,33% dân số. Như vậy, số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm tới hơn 1,42 triệu người và giảm hơn 2,76 triệu người tham gia bảo hiểm y tế so với thời điểm cuối năm 2020 (thời điểm cuối năm 2020, cả nước có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, gần 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế).
Nguyên nhân chính khiến số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động. Anh Trần Thắng Lợi, phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Sau khi bị mất việc làm, cuộc sống gặp khó khăn, tôi đã xin rút bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu”.
Ngoài trường hợp nêu trên, trung bình mỗi tháng, các cơ quan chức năng đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 60.000 lao động và khoảng 90.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều này đồng nghĩa, mỗi tháng cả nước có khoảng 150.000 lao động tạm thời rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. “Thấy người lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, chúng tôi rất lo lắng. Bởi, họ không còn được tiếp cận với các chính sách, dịch vụ an sinh xã hội do bảo hiểm xã hội mang lại, không có lương hưu khi hết tuổi lao động”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Ngọc Ánh bày tỏ.
Cũng do đời sống của người dân gặp khó khăn, nên việc phát triển mới số người tham gia bảo hiểm xã hội không dễ thực hiện. Ngay với nhóm chính sách có số người tham gia tăng nhanh trong những năm gần đây là bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của cả nước đạt 1,7 triệu người, tăng hơn 600.000 người so với cuối năm 2020, nhưng hiện mới đạt hơn 1,18 triệu người.
Trong khi số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm, thì số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội lại tăng. Theo Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào, tổng số nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiện nay của toàn ngành là 24.921 tỷ đồng, bằng 6,24% so với số phải thu (tăng 2.593 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020).
Mở rộng đối tượng tham gia
Năm 2021, cả nước phấn đấu có số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 91,58% dân số. Để đạt mục tiêu này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu toàn ngành phát triển thêm hơn 2,35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 560.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gần 4,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế...
Theo đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và hệ thống đại lý thu cần tuyên truyền, vận động để duy trì, phát triển mới người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Tại các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tăng cường vận động trực tuyến, qua mạng xã hội... Với các trường hợp thuộc diện bắt buộc tham gia, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ đôn đốc thu trực tiếp hoặc gián tiếp; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo hình thức trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và điện tử. Các đơn vị đang tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, cơ quan Bảo hiểm xã hội thường xuyên trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi của đơn vị bằng nhiều hình thức, để yêu cầu đơn vị đóng đầy đủ cho người lao động.
Tại Hà Nội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để thu hút thêm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu.
Đánh giá về hoạt động của ngành, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, mặc dù gặp không ít khó khăn, song toàn ngành vẫn cố gắng phát triển số người tham gia, tăng nguồn thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để thực hiện, nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng cho người dân, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội.