Đẩy mạnh XKLĐ ở Bắc Kạn: Giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững

Nhân Thịnh| 23/09/2021 20:58

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài- xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng thôn, xã miền cao, khó khăn của tỉnh Bắc Kạn; góp phần rất lớn vào công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của địa phương.

Đẩy mạnh XKLĐ ở Bắc Kạn: Giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
Vợ chồng anh Nông Văn Hàm và chị Hoàng Thị Hiếu ở thôn Nà Vài- xã Nghiên Loan- huyện Pác Nặm, nói: Từ tháng 11/2019, cậu con trai tên Nông Hồng Thái (sinh năm 1998) được Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực Năm Châu (Năm châu IMS) đưa đi Nhật Bản làm việc, tháng nào cháu cũng gửi về nhà từ 20- 30 triệu đồng. Sau hơn một năm tôi trả hết nợ và bắt đầu kiến thiết gia đình rồi còn dư tiền mang gửi tiết kiệm

Đổi đời nhờ đi XKLĐ

Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, hoạt động XKLĐđã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh có trên 1.900 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Rumani, Algeri... Nhiều người đã thực sự đổi đời nhờ đi XKLĐ. Đa số người đi XKLĐ đều có thu nhập ổn định và cao hơn so với việc làm trong nước cùng ngành nghề, cùng trình độ. Thu nhập bình quân của người lao động từ 25-30 triệu đồng/người/tháng (Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản); 15 - 30 triệu đồng/người/ tháng (Đài Loan).


Ngoài ra một số thị trường khác như Rumani, Algeri, thu nhập bình quân từ 12-20 triệu đồng/người/ tháng. Sau khi đi hết hợp đồng về nước, hầu hết người lao động đều cải thiện được đời sống vật chất, xây dựng được nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt nâng cao đời sống gia đình. Điều này được thể hiện rõ qua các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có con em đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Nặm.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Cương - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bắc Kạn, XKLĐ ở đây còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, như. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về sự cần thiết của XKLĐ chưa đầy đủ. Nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa quản lý tốt các thông tin của người lao động trên địa bàn khi đi XKLĐ (về thị trường xuất cảnh, doanh nghiệp đưa đi, thời hạn của hợp đồng…). Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về XKLĐ chưa sâu rộng và thường xuyên; thiếu sự chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt; quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các ngành, địa phương còn lúng túng. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp XKLĐ với các cấp chính quyền, đoàn thể chưa chặt chẽ. Một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng …

Đẩy mạnh XKLĐ ở Bắc Kạn: Giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
Ông Nguyễn Tiến Cương - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn

Để khắc phục được những hạn chế trên, ông Cương cho biết, địa phương đã tăng cường công tác quản lý hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Phòng Lao động Việc làm và Dạy nghề đã chủ động tham mưu cho BGĐ Sở thực hiện các nội dung, như: Tham mưu cho UBDN tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/4/2020 về tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động của Bắc Kạn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại Chỉ thị đã cụ thể các nội dung yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện thành phố, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đối với hoạt động XKLĐ; lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, hoạt động hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tuyển chọn và đưa người lao động đi XKLĐ; thường xuyên trao đổi, phối hợp với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin về thị trường tiếp nhận lao động, nhu cầu tuyển chọn lao động, các vướng mắc, khó khăn trong công tác tuyển chọn lao động Bắc Kạn đi XKLĐ... Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm; quản lý, chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động khi hết hạn hợp đồng lao động về nước vào làm việc ở những doanh nghiệp phù hợp. Đặc biệt là những doanh nghiệp của quốc gia mà người lao động đã làm việc nhằm phát huy thế mạnh về ngoại ngữ, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của người lao động.

Bất chấp đại dịch vẫn vượt chỉ tiêu

Theo Phòng Lao động việc làm và dạy nghề (Sở LĐTBXH) Bắc Kạn: Năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó có các thị trường truyền thống tiếp nhận số lượng lớn lao động của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến XKLĐ do chính sách của các nước về phòng chống dịch bệnh. Cụ thể: Thị trường Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động nước ngoài từ tháng 4/2020. Đến nay lao động theo Chương trình Cấp phép việc làm-EPS chưa được nhập cảnh Hàn Quốc. Trong đó, Bắc Kạn có 20 lao động đã được doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng nhưng chưa thể xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc.

Thị trường Nhật Bản dừng tiếp nhận lao động nước ngoài từ tháng 4/2020. Bắt đầu từ tháng 8/2020, Đại sứ quán Nhật nhận hồ sơ xin cấp vi sa cho các đối tượng sang Nhật Bản với mục đích lao động. Vì vậy, số lao động của Bắc Kạn đi làm việc tại Nhật Bản trong năm 2020 chủ yếu xuất cảnh vào tháng 3/2020. Thị trường Rumani bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam từ tháng 8/2020, đến nay tỉnh Bắc Kạn mới có 08 lao động đi làm việc tại Rumani. Thị trường Đài Loan dừng tiếp nhận lao động của Việt Nam trong 2 tháng và trở lại tiếp nhận lao động của Việt Nam từ tháng 6/2020 (người lao động khi nhập cảnh Đài Loan vẫn phải đảm bảo cách ly 14 ngày). Năm 2020, số lao động của Bắc Kạn đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu tập trung vào thị trường Đài Loan.

Đẩy mạnh XKLĐ ở Bắc Kạn: Giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
Bà Lý Thị Tuyết Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan- huyện Pác Nặm cho biết: Nhiều hộ dân ở địa phương vốn nghèo quanh năm, nay nhờ có con đi XKLĐ mà gia đình khấm khá, không những có của ăn, của để và còn dư tiền gửi ngân hàng lấy lãi  

Tuy điều kiện khách quan ảnh hưởng lớn đến XKLĐ, nhưng số người lao động của tỉnh Bắc Kạn đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 vẫn đạt 510/500 người (= 102% chỉ tiêu kế hoạch do UBND giao).

Để đạt được kết quả đó, có thể thấy đó là sự kịp thời trong công tác tham mưu để UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND. Do có Chỉ thị số 02/CT-UBND nên các sở ban ngành, và UBND các huyện, thành phố đã tích cực vào cuộc đối với hoạt động XKLĐ; các doanh nghiệp XKLĐ được Sở giới thiệu đến các huyện, thành phố đã nỗ lực, cố gắng trong công tác tư vấn, để tuyển chọn lao động; khắc phục những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh co-vid 19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các thị trường đã tiếp nhận lao động Việt Nam để đưa người lao động xuất cảnh.

Bên cạnh đó, sự quyết liệt của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước đã làm thay đổi không nhỏ nhận thức của nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương; của đông đảo người lao động trên địa bàn tỉnh về hiệu quả của hoạt động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, sự chặt chẽ trong quá trình quản lý cũng làm cho hoạt động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua không phát sinh vướng mắc, để lại dư âm và hậu quả xấu, ảnh hưởng đến phong trào đi làm việc ở nước ngoài chung của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Cương, giải quyết việc làm (trong đó có hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hoạt động XKLĐ không những đem lại hiệu quả về thu nhập mà còn thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động; người lao động sau khi về nước đã tích lũy được nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và sản xuất chế tạo, có tác phong công nghiệp hiện đại. Hoạt động XKLĐ đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động và giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Nhờ XKLĐ, nhiều vùng khó khăn của tỉnh đã có kết quả giảm nghèo tích cực.

Vì vậy, ông Cương cho rằng, trong các năm tới cần tích cực tăng cường công tác quản lý XKLĐ trên địa bàn tỉnh để có thể đưa được nhiều người lao động của Bắc Kạn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề,... góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Kạn.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh XKLĐ ở Bắc Kạn: Giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO