Dấu xưa còn đó...

Bằng Việt| 17/10/2020 08:26

…Giờ đây, đi ngang qua đền Ngọc Sơn, mỗi chúng ta đều tự nhiên và tò mò ngước lên nhìn Tháp Bút, Đài Nghiên, công trình do cụ Nguyễn Văn Siêu hoàn thiện, - một kẻ sĩ lỗi lạc của đất Thăng Long xưa - cùng tung hoành trong văn chương với Cao Bá Quát, mà người xưa từng tôn vinh là Thần Siêu, Thánh Quát một thời.

Tất nhiên, thời của các thần các thánh đều cũng đã qua rồi, và cả thời đại lịch sử hàng nghìn năm đủ để tạo ra mọi điều kiện hình thành và nở rộ lên hiện tượng Kẻ sĩ Thăng Long cũng đã lùi vào quá khứ, mà không thể còn bao giờ lặp lại! Thuật ngữ Kẻ sĩ Thăng Long hôm nay chỉ được dùng với ý nghĩa “kính nhi viễn chi”, như một “từ ngữ có cánh”, thậm chí như một khái niệm kinh điển.  Và phải chăng Tháp Bút, cùng Đài Nghiên, sừng sững hãy còn đó, là một chứng tích văn hóa vật thể, nhưng cũng còn có ý nghĩa phi vật thể nữa, chính là để biểu tượng cho cả giới trí thức thời xưa?

Khí phách và tiết tháo

Ba chữ Tả thanh thiên khắc trên Tháp Bút, nhà thơ Trần Đăng Khoa thì bảo là “viết thơ lên trời xanh”, nhưng có lẽ thâm ý của tác giả Nguyễn Văn Siêu là muốn nói đến điều hệ trọng hơn, đó là gợi ra khí phách và tiết tháo của kẻ sĩ khi cầm bút, tức đã là kẻ sĩ thì phải viết với tư thế hiên ngang, đàng hoàng, viết giữa thanh thiên bạch nhật, mà đã viết giữa thanh thiên bạch nhật, để không có gì che giấu mọi người, thì chỉ có thể viết nên sự thật và chân lý, viết ra những điều mình tâm huyết nhất với dân, với nước, với chính bản thân mình! Ý này càng được củng cố và rõ ràng hơn khi ta đọc tiếp xuống tấm bia khắc năm chữ ngay ở dưới chân tháp: Thái Sơn thạch cảm đương. Năm chữ này, thực ra cũng có thể đọc theo hai cách: Thái Sơn/ thạch cảm đương và Thái Sơn thạch/ cảm đương để cho ta hai cách vận dụng khi giải ra các nghĩa khác nhau.

Thạch cảm đương vốn là một tấm bia hoặc phiến đá đặt trước cửa nhà hay dọc hướng chính của cây cầu, để trừ tà, trấn yểm ma quỷ, đuổi đi điều không lành, mà người xưa thường hay khắc trên đó ba chữ này. Đây cũng là ảnh hưởng từ xưa của Đạo giáo. Vậy nếu hiểu theo nghĩa này thì Thái Sơn/ thạch cảm đương có nghĩa là một tấm bia trừ tà vô địch, vững chắc như núi Thái Sơn. Như vậy, nghĩa là ta coi “thạch cảm đương” là một cụm từ. Còn nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen như trên thôi, thì toàn bộ giá trị tấm bia này cũng không thật tôn cao cho Tháp Bút. Vì khi coi Tháp Bút chỉ với ý nghĩa là một vật thể trấn yểm với ba chữ thạch cảm đương gắn dưới chân tháp, thì nó cũng chỉ gợi cho mọi người suy nghĩ rằng: cả hình cây bút cùng hòn giả sơn ôm trùm ngọn Tháp Bút, đắp ngay trước lối vào cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn kia, chẳng qua cũng chỉ có giá trị đơn thuần là để trấn yểm cho cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và đình Trấn Ba nữa mà thôi ư?! Lý giải như vậy có lẽ làm hạ thấp ý nghĩa Tháp Bút cùng hòn giả sơn, nếu so với suy nghĩ ở tầm cao hơn nhiều của một nhà Nho rất thâm Nho - là cụ Nguyễn Văn Siêu!

Còn nếu đọc theo cách ngắt thứ hai Thái Sơn thạch/ cảm đương, thì lại có nghĩa là: “Đá núi Thái Sơn đủ đảm đương mọi sự”. Núi Thái Sơn là một biểu tượng thiêng liêng cao quý của người xưa, để chỉ những thế lực bền vững tới ngàn đời, “thi gan cùng tuế nguyệt”. Những người được ví có được phẩm chất như núi Thái Sơn không nhiều, có thể là các bậc chân nhân, quốc sĩ, anh kiệt, tài cao đức trọng của đất nước. Ở nước ta, khí phách và đức độ như danh sĩ Chu Văn An đã được người đời ví là khí phách rắn như đá núi Thái Sơn. Bản thân Chu Văn An từ xưa cũng trở thành một biểu tượng sống của kẻ sĩ nước ta.Vì vậy, tấm bia Thái Sơn thạch/ cảm đương nếu hiểu như vậy thì chính nó lại là lời đề từ cho bản thân Tháp Bút, nhằm đề cao phẩm chất, khí phách, cốt cách của kẻ sĩ, dùng ngọn bút viết những điều tâm huyết giữa thanh thiên bạch nhật, thẳng thắn, mạnh mẽ, vững bền như núi Thái Sơn,dám đương đầu với mọi biến cố, vì vậy cũng có thể dịch là: Người vững vàng (như núi Thái Sơn) dám đương đầu mọi sự. (Nhà nghiên cứu Phạm Đức Huân trong cuốn Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba. Lời nhắn của người xưa (NXB Văn hóa - Thông tin, 2006) cũng hiểu các chữ “Tả thanh thiên” và “Thái Sơn thạch cảm đương” theo cách này.

Ta cũng còn có thể vận dụng cách kết hợp với cả hai lối ngắt tiết tấu như trên đã nói, để gắng tìm cho ra một cách hiểu tổng hòa theo nghĩa bóng, cao xa và thâm thúy hơn, đồng thời cũng giải thích được rõ thâm ý của nhà Nho uyên bác Nguyễn Văn Siêu cho thật trọn vẹn, khi ông đã kỳ công dựng nên Tháp Bút giữa Kinh kỳ để gửi gấm bao điều tâm huyết của mình… 

Ngợi ca kẻ sĩ

Bên cạnh Tháp Bút, ngay lối đi vào cầu Thê Húc, còn có Đài Nghiên, mà vị trí của nó cũng rất đắc địa, ở ngay giữa lối lên cầu để vào đền Ngọc Sơn. Có người còn tỉ mẩn để ý rằng: Vào một số ngày nắng đẹp nhất trong năm (thường là vào tuần đầu tháng Năm âm lịch), ngọn bút trên đỉnh Tháp Bút từ trên cao kia còn soi bóng vào đúng giữa lòng nghiên mực (như đang chấm mực để viết!) Quả là một ý tưởng bay bổng, xứng đáng tiếp nối vào với sức tưởng tượng lãng mạn của người xưa khi dựng Tháp. Vậy ta chịu khó đọc tiếp bài minh rất hàm súc và đa nghĩa được khắc trên thành nghiên đá và tìm hiểu kỹ những gì cụ Nguyễn Văn Siêu đã gửi gấm vào đó: 

Cổ hữu/ Huyệt địa tác nghiễn, chú Đạo đức kinh/ Chước đại phương nghiễn, trứ Hán Xuân Thu/ Thạch tư nghiễn dã/ Phỉ tượng hà hình/ Bất phương bất viên/ Diệu tồn chư dụng/ Bất cao bất hạ/ Vị hồ quyết trung/ Phủ Hoàn Kiếm thủy/ Ngưỡng Thạch bút phong/ Ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật/ Hàm nguyên khí nhi ma hư không. 

Dịch: “Xưa kia/ Từng khoét đất làm nghiên, chú Đạo đức kinh/ Lại đẽo đá thành nghiên, viết sách Xuân Thu/ Đá hóa nghiên này/ Không hẳn hình gì/ Không vuông không tròn/ Tồn náu, ẩn chứa công dụng diệu kỳ/ Không cao không thấp/ Ở ngôi chính giữa/ Cúi soi nước hồ Gươm/ Ngửa trông ngọn Tháp Bút/ Ứng sao Thai nhả sắc mây lành/ Ngậm nguyên khí mài vòm trời rộng”.

Liên tưởng tới những gì chúng ta đã phân tích về kẻ sĩ, có thể nói, hàm ý bóng bẩy trong bài minh này cũng nhằm để ngợi ca kẻ sĩ thật kín đáo: Đích thực chỉ kẻ sĩ là loại người không chịu gò mình hóa vuông vức hay tròn trịa, không phải ở thứ bậc cao, cũng không hẳn thấp, mà ở chính giữa (thời cuộc hay xã hội), nếu được dùng, thì (họ) còn tồn lại mãi, ẩn chứa công dụng diệu kỳ. Khi họ cúi mình, thì đủ soi tới đáy nước hồ Gươm, khi đứng ngửa mặt, lại đủ ngước thẳng tới cao vời Tháp Bút. Biết: Ứng với sao Thương Thai (chòm sao Văn Xương) mà nhả sắc mây lành. Và: Ngậm nguyên khí (quốc gia) mà mài vòm trời rộng!

Có thể xếp bài minh này cùng với với cách hiểu các từ Tả thanh thiên và Thái sơn Thạch cảm đương ở phía trên, để kết hợp thành một cách hiểu đồng bộ về cốt cách và khí phách kẻ sĩ trên tổng thể. Tiếp nhận những cảm thụ trên, chúng ta đánh giá Tháp Bút và Đài Nghiên ở trung tâm Thủ đô xứng tầm là một cụm tượng đài cho vị thế và tâm thế của Kẻ sĩ Thăng Long, là biểu trưng được vật thể hóa của sĩ khí Thăng Long mà cha ông ta còn để lại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ngắm nhìn mùa hè rực rỡ qua triển lãm “Bóng nắng - Sự phản chiếu”
    Sáng 8/5, phòng tranh đương đại Gate Gate Gallery (55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội ) đã chính thức giới thiệu triển lãm "Bóng Nắng - Sự phản chiếu | The Sun's Reflection”. Đây là triển lãm đầu tay của họa sĩ Lê Quỳnh Anh sau hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tìm kiếm ngôn ngữ hội họa cá nhân của họa sĩ.
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Có một Hà Nội đẹp riêng đến lạ
    Một ấn tượng khó quên trong tôi khi đến Hà Nội là trải nghiệm đi xe buýt Hà Nội. Có người đùa vui rằng “Hà Nội không vội được đâu” và khuyên tôi muốn đi nhanh, đi vội thì bắt taxi hay Grabbike. Nhưng tôi muốn “không vội” để khám phá xe buýt ở Hà Nội như thế nào, có khác gì với xe buýt ở quê tôi không.
  • Hà Nội: Quận Hoàn Kiếm sẽ cưỡng chế thu hồi đất xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu
    UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ban hành các Quyết định từ số 1004 đến 1016/QĐ-UBND ngày 25/4/2024 về cưỡng chế thu hồi đất đối với 13 chủ sử dụng đất nằm trong mốc giới thu hồi của Dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Thời gian cưỡng chế dự kiến trong ngày 22/5/2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Ghi danh Cửu Đỉnh - Hoàng Cung Huế là di sản tư liệu thế giới
    “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
  • Hà Nội: Lễ hội tôn vinh mối tình cao đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung
    Lãnh đạo UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vừa chia sẻ, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội tình yêu 2024 tại xã Hồng Vân đã hoàn tất. Tối 8/5, tại Quảng trường Thống Nhất (phố đi bộ đêm) xã Hồng Vân, Lễ hội tình yêu 2024 sẽ khai màn.
  • Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
    Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ
  • Những kỷ vật biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Nó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
  • Triển lãm giao lưu mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - Huế - Hà Nội
    Mục tiêu của cuộc triển lãm nhằm thắt chặt tình cảm của hội viên  Hội Mỹ thuật 3 miền, thúc đẩy mối quan hệ học tập sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật của 3 thành phố lớn.
  • Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
    Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
  • "Những ngày Văn học châu Âu" tại Việt Nam: Giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính
    “Những ngày văn học châu Âu” sẽ diễn ra từ nay đến 19/5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính.
  • Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1196/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024”.
  • Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương
    Để phát huy hơn nữa hoạt động quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương phục vụ du khách, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về việc Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế.
  • Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Tổ chức triển lãm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tri ân các chiến sĩ
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên (30/7/1954 – 30/7/2024), Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội), Hội Cựu chiến binh và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Dấu xưa còn đó...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO