Đấu tranh phòng chống mua bán người

Theo Minh Anh/Người làm báo| 21/07/2018 22:40

Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực trong đó có Việt Nam tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà ngay cả người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam đều có thể trở thành nạn nhân của buôn bán người (MBN).

Đấu tranh phòng chống mua bán người

Lực lượng biên phòng bắt giữ một đối tượng buôn người sang biên giới .Ảnh: VOV

Diễn biến phức tạp

Thời gian qua, tình hình hoạt động mua bán người thông qua đưa người đi di cư trái phép từ Châu Á, Châu Phi, Trung Đông sang Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC) trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của 510 đường dây mua bán người trên thế giời (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán).

Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tội phạm buôn người. Khu vực các nước tiểu vùng sông Mê – Kông (trong đó có Việt Nam) được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người di cư bất hợp pháp.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các đối tượng thường lợi dụng sự khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc lợi dụng tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc, đồng thời còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội: zalo, facebook…) làm quen, giả vời yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam: điển hình là vụ Phạm Văn Sang sinh năm 1986 trú tại huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp bị Công an tỉnh Đồng Tháp bắt tạm gian về hành vi lừa bán 7 phụ nữ sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó còn xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài qua Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu hoặc lợi dụng về quy định  hiến ghép tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ.

Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phúc tạp. Công an Lào Cai phối hợp công an Trung Quốc  bắt 7 đối tượng lừa bán 3 học sinh  trường THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Công an Yên Bái bắt 3 đối tượng cùng trú tại Mù Cang Chải về hành vi mua bán trẻ em. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng nẻo của gia đình, nhà trường để tiếp cận rủ rê lôi kéo đi du lịch, đi chơi... lừa nhiều bé gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán vào các nhà hàng, quán karaoke ở các khu du lịch, khu công nghiệp để tổ chức hoạt động mại dâm hoặc lừa bán sang Trung Quốc.

Những nạn nhân bị bán sang Trung Quốc với nhiều mục đích khác nhau như: Bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, nhưng chủ yếu là kết hôn trái phép. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến 26, thường cư trú ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không có công ăn việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức xã hội, pháp luật còn nhiều hạn chế.

Đấu tranh phòng chống mua bán người

Các nạn nhân được phòng CSHS Công an Nghệ An giải cứu, hỗ trợ và bàn giao cho gia đình. Ảnh Báo Nghệ An

Các đối tượng thường lợi dụng triệt để công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân, sau đó đe dọa, khống chế, nên khi nạn nhân biết mình bị lừa thì đã ở trong tình trạng như “cá nằm trên thớt”.

Mặt khác, nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, chữa bệnh, lao động thời vụ... nên công tác kiểm soát, phát hiện các vụ mua bán người rất khó khăn. Các đối tượng phạm tội trong nước thường liên kết chặt chẽ với các đối tượng nước ngoài, hình thành đường dây mua bán người khép kín, xuyên quốc gia. Đối tượng phạm tội liên quan đến nhiều địa bàn trong và ngoài nước nên việc điều tra, truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu rất khó khăn.

Tăng cường phối hợp ngăn chặn nạn MBN

Chương trình 130/CP về phòng chống mua bán người được thực hiện trên phạm vi cả nước và các nước hoặc vùng lãnh thổ khác theo cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam; ưu tiên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh giáp biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc.

Mục tiêu nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa nguy cơ mua bán người; đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời; an toàn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân; hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế về phòng chống mua bán người.

Một trong những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ phát hiện, điều tra tội phạm mua bán người; tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động hoặc vô nhân đạo; truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, bảo hộ và hỗ trợ nạn nhân; đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về phòng chống mua bán người hiệu quả ở cộng đồng.

Đấu tranh phòng chống mua bán người

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, BĐBP Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh TL

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với tội phạm mua bán người, các cơ quan, ban ngành trong đó có các đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ đối tượng, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; chủ động xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tội phạm.

Bên cạnh đó, thực hiện nội dung Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, BĐBP các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và lực lượng chức năng của Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ, tích cực chia sẻ thông tin về hoạt động của loại tội phạm mua bán người. Đồng thời, phối hợp điều tra xác minh, xác định nạn nhân, giải cứu, trao trả nạn nhân và phối hợp triệt phá các đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Với chức năng tuyên truyền, phòng chống mua bán người, các cơ quan báo chí đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các Đề án thuộc lĩnh vực phụ trách qua đó đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình 130/CP, đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Tại Việt Nam, trong gần 2 năm từ 16/11/12015 đến 15/5/2018, toàn quốc phát hiện 868 vụ với 1.140 đối tượng lừa bán 2.355 nạn nhân. So với cùng kỳ giai đoạn 2011-2015 giảm 28% số vụ, 37% số đối tượng và tăng 7% số nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đấu tranh phòng chống mua bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO